Kim An
Jet.com tuy chỉ là công ty khởi nghiệp nhưng tham vọng lại không hề nhỏ: cạnh tranh trực tiếp với những tên tuổi lớn như Amazon, eBay. Với một chiến lược kinh doanh hợp lý và một nhà điều hành giỏi, liệu Jet.com có thành công?
Jet.com là trang web mà Marc Lore, từng là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Quidsi (chủ của trang Diapers.com), thai nghén bấy lâu. Nhiều năm qua, mục tiêu của Lore là cạnh tranh với Amazon.com trong cuộc chiến về giá cả trước khi bị thất bại hồi năm 2010, buộc ông phải bán đi Quidsi với giá 550 triệu đô la Mỹ. Lore ở lại Amazon hơn hai năm, đến nay ông chuẩn bị công kích lại chính Amazon.
Lên mạng bán buôn
Ông muốn tái khởi động, nhưng lần này là ở mảng bán buôn. Trước mắt, Jet lên kế hoạch kinh doanh dựa vào “bạn bè và người quen” trong tháng 1 này và cho đăng ký với số lượng giới hạn từ ngày 20-2. Khách hàng sẽ thấy ở đây có gần như mọi thứ, từ quần áo, sách vở, đồ dùng điện tử đến vật dụng dành cho em bé và sản phẩm thể thao. Sau 90 ngày dùng thử, khách hàng của Jet sẽ phải trả 49,99 đô la một năm để đăng nhập vào trang web. Theo Lore, mức giá mà Jet bán ra sẽ rẻ hơn 10-15% so với mọi trang bán hàng trực tuyến khác.
Tựa như siêu thị bán buôn Costco, Jet có kế hoạch kiếm tiền chủ yếu dựa trên phí thành viên. Tất cả mức giảm giá đều dành cho người mua. Như eBay và trang kinh doanh trực tuyến Alibaba lớn nhất của Trung Quốc, Jet.com như một nơi họp chợ, cho phép tất cả người bán cạnh tranh nhau để đưa ra giá tốt nhất cho khách hàng. Nhưng có một điều: người mua sắm có thể tiết kiệm được nhiều hơn khi không cần phải có hàng ngay lập tức và Jet sẽ tìm ra cách gửi hàng tiết kiệm nhất. Ví dụ, giá có thể giảm khi người mua sắm kết hợp nhiều lệnh mua hàng trong cùng một lần gửi hoặc sẽ sẵn sàng cho người mua đưa ra hình thức gửi tiết kiệm nhất.
Lore phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở chính tại Montclair, Mỹ: “Vấn đề cốt lõi là chúng tôi không lấy một xu lợi nhuận trên bất kỳ đơn đặt hàng nào. Chúng tôi bán đúng giá gốc. Chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ đặc biệt đối với khách hàng. Khi bán sản phẩm, không chỉ vì lợi nhuận và không phải là mua đứt bán đoạn. Đơn giản chỉ vì chúng tôi nghĩ đây là giá tốt”.
Lore lập Quidsi vào năm 2005 cùng người bạn thời thơ ấu là Vinit Bharara trong lúc Amazon tập trung vào mảng truyền thông và các mặt hàng như ti vi và đồ dùng nhà bếp. Lore và Bharara có được uy tín nhờ dịch vụ xuất sắc cộng thêm tác động cá nhân, được khách hàng truyền miệng. Tã em bé và những mặt hàng khác được gói trong hộp màu xanh dương, đỏ và xanh lá – thường kèm tờ ghi chú viết tay bên trong – gửi đến trước cửa nhà của những người mới làm cha mẹ. Đến năm 2010, Quidsi đã có doanh thu khoảng 300 triệu đô la hàng năm.
Quidsi phát triển đã khiến Amazon chú ý. Trong mùa thu năm đó, Amazon giảm 1/3 giá bán tã em bé. Lore tính toán lúc đó Amazon mất 100 triệu đô la trong vòng ba tháng chỉ với mặt hàng tã em bé. Lợi nhuận của Quidsi cũng sụt giảm nghiêm trọng và Lore buộc phải bán Quidsi cho Amazon vì khi đó Mỹ bị rơi vào khủng hoảng kinh tế và Lore rất khó kiếm nguồn tài trợ để tiếp tục trụ lại công ty của mình. Thất bại của Quidsi khiến Lore xem xét về việc kinh doanh thương mại điện tử. Những đối thủ lớn như Amazon, Wal-Mart và Google tất cả đều có dịch vụ giao hàng có lẽ nhanh nhất, trợ giúp cho nhóm khách hàng mua sắm có thu nhập cao hơn mức trung bình, những người quan tâm đến việc thuận tiện hơn là giá cả. Dù việc giao hàng có thể miễn phí nhưng giá cả mặt hàng thường cao. Lore cho biết: “Có rất nhiều người thuộc tầng lớp bình dân ngày càng tiêu tiền nhiều hơn trên mạng và đối với họ thì tất cả tùy thuộc vào giá”.
Tiết kiệm nhất cho khách hàng
Việc đầu tiên của Lore là tìm cách để cắt giảm chi phí kinh doanh trực tuyến. Ông bắt đầu với bao bì và chi phí vận chuyển. Với Jet.com, khách hàng có thể mua nhiều hàng hóa từ nhiều người bán khác nhau và bỏ chúng vào một hộp, điều này tiết kiệm chi phí gửi hàng. Khi tiết kiệm chi phí gửi hàng thì Jet.com áp dụng giá giảm ngay cho khách hàng. Khi thành viên của Jet.com thêm mặt hàng vào đơn hàng thì giá mỗi sản phẩm sẽ giảm.
Ngoài ra Jet.com còn tiết kiệm bằng cách thuyết phục khách hàng mua số lượng nhiều hơn thay vì mua lẻ, hay chọn sản phẩm từ người bán có cửa hàng gần họ.
Cách nay vài năm, mô hình này của Jet có lẽ không hiệu quả nhưng hiện nay hầu như mọi mặt hàng đều có thể bán trên mạng và Jet đang tìm cách để cạnh tranh với Amazon. Hiện Jet đăng ký với cửa hàng Sony, cửa hàng bán lẻ điện tử TigerDirect.com, cửa hàng Sears Hometown & Outlet và hàng trăm nhà bán lẻ nhỏ khác tại Mỹ.
Như BabyAge, là đại lý của Jet có trụ sở tại Jenkins Township (Pennsylvania, Mỹ), xuất hàng sang bờ Đông trung bình phải tốn 5 đô la, và đến California tốn 15 đô la. Thông thường, trang web BabyAge tính giá cộng thêm phí vận chuyển ở mức cao nhất có thể. Nhưng bộ công cụ tính giá trực tuyến mà Jet mang lại cho các nhà bán lẻ của họ chính là mấu chốt khiến mức giá mà Jet đưa ra luôn thấp nhất. Ví dụ, ghế đẩy cho em bé hiệu Graco trên Amazon có giá 119 đô la nhưng trên Jet chỉ 108 đô la nếu mua qua BabyAge ở vùng Đông Bắc Mỹ. Jack Kiefer, CEO của Jet, cho biết: “Điều này sẽ mang lại giá trị riêng cho sản phẩm dựa theo khu vực địa lý khi mua bán trực tuyến, bởi Jet có thể bán giá thấp hơn Amazon”.
Khách hàng của Jet cũng có thể so sánh sử dụng thẻ ghi nợ thay thẻ tín dụng để thanh toán, và nếu so sánh, khách hàng sẽ thấy được mức chênh lệch giá của từng mặt hàng giảm xuống gần 1,5%. Tương tự, khách hàng được chọn thời gian nhận hàng trong tuần hoặc lâu hơn và cách thức vận chuyển hàng bằng đường bộ hay hàng không. Ngoài ra, Jet còn có thêm phần mềm kiểm tra mọi quyết định mà khách hàng chọn trên mạng nên khách sẽ thấy số tiền tiết kiệm được tăng lên và đánh giá điều này xứng với mức phí hàng năm đã bỏ ra.
Jet có thành công hay không khó có thể chắc chắn được. Đại lý sẽ không đăng ký “họp chợ” trên Jet nếu Jet không có nhiều người mua hàng, nếu Wal-Mart, eBay và Amazon vẫn luôn có những chương trình khuyến mãi hấp dẫn lôi kéo nhóm người chuyên săn hàng giảm giá.
Có khả năng là các đối thủ cạnh tranh lớn sẽ dựa trên mức giá giảm của Jet để đưa ra giá thấp hơn. Amazon từng làm việc đó và nuốt chửng Diapers.com. Lore đánh cược lần này Amazon đơn giản là quá nhiều thứ phải ôm đồm. Công ty của Bezos bỏ ra hàng tỉ đô la để mở rộng mạng lưới tại Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi vẫn phải gồng gánh mảng kinh doanh điện toán đám mây và mảng phần cứng đắt đỏ như điện thoại Kindle Fire. Bezos có thể giảm giá để cạnh tranh với Jet nhưng làm vậy có thể càng khiến Amazon rớt nhanh hơn khi mà các nhà đầu tư bắt đầu mất kiên nhẫn: giá cổ phiếu của Amazon giảm 21% vào năm 2014.
Dù gì đi nữa thì Lore cũng cần nhiều vốn. Ông đã nói chuyện với Google Ventures và các nhà đầu tư khác về việc gây quỹ lần thứ hai. Ông cũng tìm kiếm đối tác nước ngoài – Alibaba của Trung Quốc và Rakuten của Nhật Bản – khi cả hai đều muốn tiến vào thị trường Mỹ.