Những ai đã từng đi mua giày cũ thì chẳng lạ gì với những tuyến đường Âu Cơ ở quận Tân Bình, Phổ Quang ở quận Phú Nhuận, Nguyễn Xí và Phan Văn Trị ở quận Gò Vấp, hay Lê Thị Hồng Gấm và Trần Quang Khải ở quận 1, TPHCM. Hàng chục cửa hàng chuyên mua bán, sửa chữa giày cũ phục vụ nhóm khách hàng này.
Cũ chân người, mới chân ta
Khu chợ giày cũ nằm trên đường Âu Cơ có phần nổi trội hơn so với hàng trăm điểm bán lớn nhỏ rải rác trong thành phố. Ở khu vực này có đến cả chục cửa hàng bán giày dép cũ nằm san sát nhau, có nơi có cửa hiệu hẳn hoi, có chỗ chỉ là tấm bạt trải trên vỉa hè, dưới gốc cây trứng cá.
Ghé vào cửa hàng N., người bán hàng đon đả chào, tung chiêu tiếp thị “toàn giày xịn, mua đi, giảm giá cho”. Những đôi giày “xịn” đã qua sử dụng mang nhãn hiệu một số hãng giày có tiếng trong nước như Hồng Thạnh, Đông Hải, Vũ Chầm và Vina Giầy. Dĩ nhiên những đôi giày này đã được chủ cửa hàng sửa chữa, “mông má” lại cho sạch sẽ. Hỏi giá đôi giày hiệu Hồng Thạnh, bà chủ cửa hàng nói: “Đôi đó thợ vừa sửa xong, lấy rẻ trăm hai (120.000 đồng)”. Đúng là, so với giày mới, đôi giày này rẻ hơn nhiều. Mặc dù là giày cũ, nhưng người bán cam kết bảo hành ba tháng khi thấy khách tỏ vẻ không tin vào chất lượng giày.
Không chỉ có giày trong nước, trong các cửa tiệm, kể cả những “cửa hàng” với tấm vải bạt vỉa hè, người có nhu cầu có thể tìm thấy những đôi giày mang thương hiệu nước ngoài như Kenneth Cole New York, Lumiani... mà tính theo giá trị trường hiện nay tại Việt Nam phải bỏ ra 1,5-2 triệu đồng mới mua được. Hỏi về nguồn gốc những đôi giày “hàng hiệu” của Mỹ này, ông chủ cửa tiệm cho biết mấy đôi giày này là của mấy người Việt kiều về thăm quê, mang lâu ngày chán, nên bán lại để mua giày khác. Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng đôi giày ngoại này ông chào bán chỉ 150.000 đồng.
Ở khu chợ giày cũ trên đường Nguyễn Xí quận Bình Thạnh, đoạn gần trường Thủy lợi 4, không khí nhộn nhịp không kém, mặc dù số lượng tiệm hàng ít hơn khu vực đường Âu Cơ. Chủ một tiệm giày tên Bình cho biết nhà ông ở quận 4 và đã buôn bán giày ở khu vực này mấy năm qua. Sáng nào cũng vậy, khoảng 5 giờ là ông chạy ra chợ giày cũ trên đường Lê Thị Hồng Gấm lấy hàng chở ra đây bán tới chiều mới về nhà. Khách hàng của ông chủ yếu là dân lao động, sinh viên và những người đi tập thể dục. Một người khách tên Hồng đang lựa mua giày tập thể dục, cho biết chị hay chọn mua giày cũ vì giày vẫn bền tốt mà giá thì chỉ vài chục ngàn đồng, trong khi giày mới có giá vài trăm ngàn đồng.
Tài nghệ “tút” giày
Giày hư, dép cũ được những cửa tiệm ở các chợ giày nói trên mua lại với giá rẻ, rồi qua bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, những đôi giày dép này bóng loáng như mới. Những đôi giày được “tút” lại chủ yếu là phần đế được thay mới, sau đó được mài sao cho lớp đế mới và lớp da giày cũ dính chặt vào nhau. Sau công đoạn dán keo và thay miếng lót mới là đánh xi cho bóng. Với những người có tay nghề, thời gian để “dọn dẹp” một đôi giày cũ thành đôi giày mới chỉ mất hơn một giờ, còn những người yếu tay nghề hơn phải mất vài giờ.
Anh Minh, một chủ tiệm kiêm thợ sửa giày cũ trên đường Phổ Quang ở quận Tân Bình, cho biết sửa giày cũng như thợ may, phải có kinh nghiệm, lòng yêu nghề, tính kiên nhẫn thì sản phẩm mới đẹp. Nói rồi anh này cho xem đôi giày hiệu Hồng Thạnh vừa được thay đế và miếng lót mới, không một vết trầy xước, nhìn không khác gì giày mới.
Được biết, tiền công sửa một đôi giày cũ dao động trong khoảng 20.000-40.000 đồng. Mặc dù tiền công không nhiều, những người thợ vẫn cần mẫn với công việc, một phần vì yêu nghề, một phần vì mưu sinh. Có người vào nghề tóc còn xanh, nay đầu đã hai thứ tóc như ông thợ sửa giày dưới chân cầu Băng Ky, hay người phụ nữ sửa giày trên vỉa hè cạnh Lăng Ông Bà Chiểu.
Chủ cửa tiệm giày cũ Lê Thi tại góc đường Phan Văn Trị-Trần Quý Cáp ở quận Bình Thạnh cho biết đã hoạt động hơn 20 năm nay. Giày cũ sau khi mua được sửa chữa lại để bán cho thợ hồ, người thích mang giày cũ vì giá chỉ trăm ngàn đồng trở lại, với “chất lượng chỉ thua giày mới ở chỗ là... giày cũ!”, ông chủ tiệm dí dỏm.
Xài đồ cũ là một chuyện không ai muốn, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để bỏ ra vài trăm hay vài triệu đồng để mua một đôi giày mới. Đó là lý do những tiệm giày cũ vẫn có đất sống khi hàng ngày vẫn có nhiều người tìm đến.
Tấn Phú
Đây chính là tư duy, là lý do và cũng là nguyên nhân kéo lùi sự phát triển đất nước.
Ghê chưa cứ như nhà đạo đức học