(SGTT) - Vùng đất Kim Long (quận Phú Xuân, thành phố Huế) vốn nổi danh với món bánh in. Đây là thức bánh truyền thống mà người Huế trước dành để cúng ông bà, sau là để mời khách trong những ngày Tết.
- Điểm qua loạt sự kiện Năm du lịch quốc gia và Festival Huế 2025
- ‘Nam thanh nữ tú’ xứ Huế check-in chùa Từ Hiếu dịp giáp Tết
- Phong vị Tết Huế xưa trong hoàng cung triều Nguyễn
Tương truyền từ xa xưa, vào mỗi dịp Tết, người dân Kim Long lại làm ra những mẻ bánh ngọt dâng lên vua chúa triều Nguyễn. Loại bánh này được làm từ đậu xanh và đường, có vị ngọt, mùi thơm nên vua chúa rất thích. Từ đó, món bánh in còn được người dân gọi là bánh “tiến vua”.
Nằm trên đường Phạm Thị Liên, cơ sở sản xuất bánh Kim Long 2 của bà Mai Thị Thúy Liên thêm rộn ràng ngày giáp Tết Nguyên Đán. Tiếng chày, máy giã bột và mùi thơm phức của đậu xanh hòa quyện tạo nên không khí nhộn nhịp.
Loại bánh ngũ sắc đậu xanh có in hình chữ Thọ được cơ sở bà Liên sản xuất phục vụ Tết với số lượng vài ngàn cái/ngày, bánh có giá 1.500 đồng/cái.
Để làm được món bánh này, người thợ phải qua các công đoạn, gồm đãi đậu, hầm đậu, giã nhuyễn đậu, in bánh theo khuôn, sấy bánh và gói bánh bằng giấy bóng ngũ sắc. Đậu xanh phải được chọn kỹ, từng hạt mẩy, tròn, đều nhau. Khi đãi vỏ, không được mạnh tay và phải vuốt từng chút một để đậu không bị nát.
Ngày Tết, bánh in được người dân Huế bày biện cẩn thận, dâng cúng lên bàn thờ gia tiên. Họ xem đây là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Mang tính trang trọng, ý nghĩa nên người làm bánh luôn vui vẻ gắn bó với nghề, lưu giữ giá trị truyền thống qua món bánh mà ông cha để lại.