(SGTT) - Bên cạnh các yếu tố về chất lượng dịch vụ, tour xe đạp được xem là thành công khi đảm bảo được tính an toàn trên hành trình và quan trọng, trong hành trình, người hướng dẫn sẽ phải mang lại cho khách sự thích thú, thăng hoa trong cảm xúc.
- Kỷ niệm “không thể nào quên” với đường tour 50km đi Nam Cát Tiên bằng xe đạp
- Mời đón xem tọa đàm “Du lịch bằng xe đạp: Tiềm năng còn bỏ ngỏ”
- Ngao du Sài Gòn bằng xe đạp, tại sao không?
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trần Văn Đản, chuyên gia xây dựng, thiết kế và tổ chức tour xe đạp tại Hà Nội, cho biết, cũng như các hình thức du lịch khác, hướng dẫn viên luôn đảm nhận vai trò quan trọng trong hành trình du lịch của khách.
“Hướng dẫn viên không chỉ là đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp mà còn là linh hồn trên đường tour du lịch; đặc biệt tour xe đạp, vai trò của người hướng dẫn (leader) rất quan trọng”, ông Đản chia sẻ.
Theo ông Đản, du lịch bằng xe đạp là hình thức du lịch có điều kiện, tối thiểu khách phải biết đạp xe. Người hướng dẫn tour, theo quy định vẫn phải đáp ứng đủ điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên.
Ngoài việc am hiểu tường tận về giá trị lịch sử, văn hóa của điểm tham quan để giới thiệu cho khách trong hành trình, người hướng dẫn còn phải có kỹ năng trong việc xử lý các tình huống bất ngờ trên đường tour xe đạp.
“Trên hành trình đường tour, những đoạn đường cần tăng tốc để vượt, tránh nguy hiểm hay những vị trí có view đẹp để khách dừng check-in… hướng dẫn viên tour xe đạp đều phải biết và nắm rõ như lòng bàn tay”, ông Đản nói thêm.
Những điều ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng nó sẽ tạo nên cảm xúc cho du khách. Đó cũng là sự khác biệt của tour du lịch bằng xe đạp so với đạp xe thông thường.
Ngoài ra, theo ông Đản, làm hướng dẫn viên cho tour xe đạp “vất vả” hơn các tour tham quan đơn thuần. “Trên hành trình đạp xe, ngay cả khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó cũng khó có thể khẳng định chiếc xe đó sẽ không bị sự cố”, ông Đản cho biết.
Vì thế, người hướng dẫn, ngoài yếu tố chuyên nghiệp, am hiểu và yêu thích xe đạp thì nhất định “phải biết sửa xe”. Biết và hiểu về xe đạp, sửa chữa những hỏng hóc cơ bản khi gặp phải trên hành trình như thay xăm, chỉnh phanh, đề, nối xích đứt... vì không dễ để tìm được nơi sửa xe trên đường đi, ngay tại vị trí xe bị hỏng.
Ông Đản chia sẻ thêm, tour du lịch bằng xe đạp thường gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường. Các tour đạp trong nội thành sẽ gắn với các điểm di tích lịch sử, văn hóa; tìm hiểu về làng nghề truyền thống khám phá ẩm thực đặc trưng.
Trong khi đó, với các tour mang tính chất mạo hiểm, đòi hỏi kỹ thuật thì thường hướng tới thiên nhiên, nơi hoang sơ, hẻo lánh… Hình thức du lịch này thường kết hợp trekking, đạp xe đường đèo hoặc đạp địa hình.
Vì thế, ngoài việc mang lại cảm xúc cho khách du lịch, yếu tố an toàn trên đường tour cũng được các doanh nghiệp triển khai, người làm tour du lịch bằng xe đạp đặc biệt lưu tâm.
“Trong suốt hành trình, yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu”, ông Đản khẳng định. Điều đó không phải chỉ những ai làm tour du lịch mới lưu ý mà ngay cả người dân, những người có sở thích đạp xe để thể dục cũng chú ý.
“Nó như là yếu tố then chốt, cùng với sự chuyên nghiệp và am hiểu của người hướng dẫn mới góp phần tạo nên sự thành công của tour du lịch bằng xe đạp”, ông Đản nói thêm.
Một video về tour du lịch bằng xe đạp (Mai Châu - Pù Luông - Cúc Phương - Ninh Bình vào tháng 10-2020) cung cấp bởi anh Minh Thái, Công ty du lịch Mr Biker Saigon.
Nguyễn Nam
Mời đón xem tọa đàm “Du lịch bằng xe đạp: Tiềm năng còn bỏ ngỏ”
Trong bối cảnh du lịch như hiện nay, khi mà khách du lịch quốc tế chưa thể vào Việt Nam, nguồn khách nội địa đang là nguồn duy nhất của các hãng lữ hành trong nước. Cùng với xu hướng du lịch thiên về chăm sóc sức khỏe, phát triển tinh thần và thể lực, hình thức du lịch bằng xe đạp sẽ là thị trường ngách đầy tiềm năng trong thời gian tới và mở ra cơ hội lớn để phát triển loại hình du lịch bằng xe đạp (biking tour).
Tiềm năng và cơ hội của biking tour là gì; Người Việt Nam sẽ đón nhận ra sao và loại hình du lịch này phù hợp với hình thức khám phá nội thành, nội tỉnh như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch, được livestream trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị vào lúc 9:30 Thứ Năm, ngày 23-9.
Khách mời trong chương trình sẽ có:
- Ông Trần Văn Đản, chuyên gia xây dựng, thiết kế và tổ chức tour xe đạp tại Hà Nội
- Ông Hàng Minh Thái, Giám đốc Công ty du lịch Mr Biker Saigon
- Ông Huỳnh Quyết Thắng, đại diện câu lạc bộ xe đạp Cào Cào Adventures, chuyên gia xây dựng, thiết kế và tổ chức tour xe đạp tại TPHCM.
Các khách mời đều là những người có đam mê, am hiểu về xe đạp; đồng thời cũng là các chuyên gia trong việc xây dựng tour xe đạp gắn liền với khám phá cảnh đẹp thiên nhiên và trải nghiệm ẩm thực vùng miền của các địa phương. Cùng trò chuyện với các khách mời là bà Phan Yến Ly, chuyên gia xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch.
Đây là chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage của VTC News và Đài truyền hình Hậu Giang.