(SGTT) - Trong hai ngày (10 và 11-12), hơn 2.000 chuyên gia y tế trong nước và quốc tế, 80 báo cáo viên với hơn 100 bài báo cáo đã được chia sẻ và thảo luận tại sự kiện “Hội nghị khoa học kỹ thuật Hoàn Mỹ và Mayo Clinic” được tổ chức lần đầu tiên trên nền tảng trực tuyến.
- Hơn 100 nhân viên Hoàn Mỹ chung sức cùng tuyến đầu chống Covid-19
- Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức chuyển đổi bình thường trở lại
- Không thiếu thuốc điều trị Covid-19, việc mua bán thuốc molnupiravir là bất hợp pháp
Đây là diễn đàn thiết thực giúp các chuyên gia y tế trong và ngoài hệ thống Hoàn Mỹ cùng nhau chia sẻ các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và cập nhật những bước tiến mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giúp giải quyết các khó khăn và thách thức do dịch Covid-19 đã và đang tác động đến ngành y tế và sức khỏe cộng đồng.
Với chủ đề “Tối ưu hóa chăm sóc y tế trong giai đoạn bình thường mới”, tại hội nghị, các chuyên gia y tế đã cùng nhau chia sẻ kiến thức và kỹ năng trong công tác khám chữa bệnh; đồng thời, tập trung thảo luận về các vấn đề phòng ngừa, chăm sóc, và điều trị liên quan đến Covid-19.
Bênh cạnh đó, hội nghị còn cập nhật bước tiến mới trong điều trị và chăm sóc, các ứng dụng khoa học công nghệ ở mọi chuyên khoa cùng với những cải tiến chất lượng đã áp dụng thành công tại nhiều bệnh viện.
Phát biểu tại hội nghị, Thầy thuốc nhân dân PGS. TS. BS. Lê Thị Anh Thư, Giám đốc Y khoa cấp cao Tập đoàn Hoàn Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn y khoa, cho biết y học là ngành luôn thay đổi. Đặc biệt, trong thời kỳ Covid-19, có rất nhiều thay đổi về quan điểm trong chăm sóc, điều trị, và ngay cả trong thiết kế, tổ chức quản lý người bệnh.
Y học gia đình, y học từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin 4.0, bệnh án điện tử trở nên rất cần thiết để giảm thiểu tác hại của bệnh dịch, nâng cao chất lượng điều trị trong bệnh viện cũng như ngoài cộng đồng…
Trước lo ngại về dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, TS. Otsu Satoko, Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện y tế cộng đồng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa và kiểm soát Covid-19, cũng như các bệnh khác tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Trong bất kỳ các tình huống nào, WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực của ngành y tế, nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nói chung và đối với Covid-19 nói riêng.
Đồng quan điểm cần thích ứng an toàn với Covid-19, PGS. TS. BS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, chi biết: “Bộ Y tế đang cùng với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược trong giai đoạn mới theo phương châm hành động chung sống an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong phòng chống Covid-19 tại Việt Nam".
Theo ông Khuê, để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1800 với nhiều nhóm giải pháp y tế từ nhóm các giải pháp y tế cơ sở, y tế dự phòng, trách nhiệm điều trị, vắc-xin, thuốc và các nhóm giải pháp liên quan khác. Toàn hệ thống khám chữa bệnh Việt Nam phải thực hiện nghiêm, không được lơ là chủ quan và thực hiện 5K, vắc-xin và áp dụng công nghệ.
Không chỉ chia sẻ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các chuyên gia y tế, y bác sĩ, lãnh đạo các bệnh viện còn thảo luận các chủ đề liên quan đến dược, kiểm soát chất lượng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế.
Trong hai ngày liên tiếp, hội nghị đã mang đến các chuỗi sự kiện “Workshop: Dược - Kiểm soát nhiễm khuẩn - Quản lý chất lượng - Nghiên cứu khoa học” và “Phiên toàn thể hội nghị” bao gồm “Phiên đề Covid-19”, “Phiên đề Non Covid-19” và các phiên đề báo cáo nghiên cứu khoa học và cải tiến chất lượng ở tất cả các chuyên khoa.
Ngoài ra, các triển lãm “ảo” và hội nghị vệ tinh từ các công ty đối tác trong toàn quốc cũng đã thu hút nhiều người tham dự.
Minh Thảo