Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Hội An và lời cầu chúc hồi sinh trong an toàn

Đối với thành phố du lịch Hội An (Quảng Nam), Tết Nguyên đán được xem là cơ hội vàng để phục hồi ngành công nghiệp không khói này. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát một lần nữa đe dọa “đóng băng” hoạt động du lịch của Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng. Trước khó khăn này, địa phương và doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị về hạ tầng và dịch vụ, kỳ vọng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Hội An sẽ có một khởi đầu mới để quay trở lại những ngày nhộn nhịp trong an toàn.

Trong những tháng cuối năm 2020, ông Trần Thái Do, người luôn tự hào là doanh nhân của Hội An, dành cả thời gian và tâm huyết cho “đứa con tinh thần” của mình là Chợ Tết Xưa. Sự kiện được dự kiến diễn ra từ 23 tháng Chạp đến mồng 5 Tết Tân Sửu tại không gian xanh ngoài trời tại Caman Village (bên cạnh Silk Sense Resort).

Tuy nhiên, tuân thủ theo các quy định về phòng chống dịch bệnh, ban tổ chức đã dừng hoạt động Chợ Tết Xưa từ ngày 27 tháng Chạp (ngày 8-2). "Đặt sự an toàn của mọi người lên trên hết - trong đó có đội ngũ nhân sự của Chợ Tết Xưa - trước sự bùng phát của dịch Covid-19, chúng tôi quyết định kết thúc sớm sự kiện", ông Do chia sẻ thêm rằng tuy diễn ra ngắn ngủi chỉ vài ngày nhưng Chợ Tết Xưa đã kịp mang lại không gian du xuân thú vị và đáng nhớ cho du khách.

Chương trình Chợ Tết xưa tái hiện lại khung cảnh chợ Tết của Hội An thời xưa, với chủ đề “Hội An Hưng Thịnh” qua cách bày trí không gian chợ, vật phẩm, mặt hàng buôn bán và phương thức giao thương (áo dài và tiền xu).

Chăm chút cho từng cổng làng, cổng chợ, các gian nhà (mô phỏng quầy bán hàng chợ Tết xưa), gánh hàng rong, không gian thầy đồ vẽ thư pháp… ông Do mong muốn người tham gia chợ có cảm giác về lại Hội An xưa. “Thông qua không gian chợ Tết và đồng xu vàng đặc trưng thời xưa, tôi muốn cổ xúy cho một Hội An hưng thịnh đã từng có khi là thương cảng sầm uất”, ông Do chia sẻ. “Tôi muốn dựa vào xưa để mang lại hy vọng cho hiện tại”.

Bên cạnh đó, không lợi nhuận, không rác thải nhựa, bắt buộc mang áo dài và sử dụng đồng xu (quy đổi từ tiền thật) là những nét đặc biệt của không gian chợ Tết xưa mà vị doanh nhân này đang mong muốn. Ông mong đọng lại trong lòng du khách khi tham gia không gian này là sự vui vẻ, đẹp đẽ và thướt tha qua hình ảnh áo dài.

Cái hay khác của không gian này, theo ông Do mô tả, đó là sự quy tụ một số nhà hàng, thương hiệu mang cùng giá trị để bán những sản phẩm, dịch vụ giàu truyền thống, văn hóa Hội An đến du khách. Nhà hàng với các món “Ăn để nhớ” là một ví dụ. Tại không gian nhà hàng được bài trí theo phong cách làng quê này, các món ăn được chế biến theo tiêu chí giảm rác thải và “từ nông trại đến bàn ăn”. Đặc biệt, mỗi món ăn là một câu chuyện về ký ức, văn hóa “đi ra” từ cuốn sách “Ăn để nhớ” mà người tham gia có thể tìm đọc và trải nghiệm.

Ông Do mong muốn không gian Hội An xưa và hưng thịnh này tại Caman Village của mình được lan tỏa lâu dài đến với du khách cả nước. Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi dịch bệnh được kiểm soát, không gian này có thể được chỉnh sửa, thay đổi một chút cho phù hợp với hoàn cảnh, với mong muốn mỗi du khách đến với Hội An sẽ thấm và hiểu được văn hóa nơi đây. Và năm 2022, Chợ Tết Xưa sẽ trở lại.

Nếu Caman Village là không gian văn hóa xưa thì Coco Casa mang dáng dấp một Hội An hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống, manh tính cộng đồng.

Sau những lần thất bại trong đầu tư lĩnh vực nhà hàng, doanh nhân trẻ Lê Ngọc Thuận đã rút ra được nhiều bài học, cần phải thay đổi. Và anh quyết định chuyển hướng, kết hợp ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc với mong muốn nhà hàng không đơn thuần chỉ dừng lại ăn uống. “Coco Casa ra đời từ đây”, anh Thuận nói và chia sẻ cách đây hơn 2 tháng Coco Casa ra đời với sứ mệnh mang đến sản phẩm mới cho du lịch Hội An hậu Covid, với không gian ẩm thực, âm nhạc và nghệ thuật cộng đồng giúp khách đến trải nghiệm văn hoá có chiều sâu.

Vào thời gian khai trương đó, với sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp địa phương, nhạc sĩ, nghệ sĩ và những đóng góp của các mạnh thường quân, Coco Casa của ông Lê Ngọc Thuận giúp CHIA, một tổ chức từ thiện, quyên góp được gần 45 triệu đồng để hỗ trợ cho trẻ em gặp khó khăn tại miền Trung. Anh Thuận cũng quyên góp được một số tiền để cùng các doanh nghiệp khác “dọn dẹp” lại biển An Bàng bị tàn phá bởi 13 cơn bão, lũ.

Anh Thuận tự hào rằng sau 2 tháng, các chương trình diễn ra tại Coco Casa được cộng đồng du lịch trong nước và bạn bè quốc tế làm việc tại Hội An và Đà Nẵng hưởng ứng và đến trải nghiệm với số lượng 200-300 khách mỗi lễ hội.

“Điều này đã chứng minh chúng tôi đi đúng hướng và hợp xu thế của du lịch mới cho chặng đường tiếp đến”, vị doanh nhân này chia sẻ sự kiện chợ “Nghệ thuật hoàng hôn cuối tuần” trong dịp Tết Tân Sửu là một minh chứng. Đây sẽ là chương trình lễ hội đi xuyên suốt trong chặng đường 2021 và từng bước nâng cấp phát triển để tạo ra chợ nghệ thuật hoàng hôn cuối tuần với quy mô và cách tổ chức chuyên nghiệp nhằm góp phần tạo ra điểm đến cho khách du lịch trong tương lai gần.

Với tuổi đời lâu hơn một chút so với hai không gian du lịch văn hóa, cộng đồng trên, Chợ phiên Làng Chài Tân Thành đang dần trở thành một điểm đến quen thuộc vào mỗi cuối tuần của khách du lịch cũng như người dân. Họ đến để tìm mua những vật dụng có thể là “cũ người mới ta” hay nhu yếu phẩm cần thiết. Và chợ phiên không chỉ có thế.

Chia sẻ với TBKTSG Online, ông Lê Quốc Việt – chủ khách sạn Santa Sea Villa Hội An và là một trong những thành viên sáng lập chợ phiên này, cho biết sau hơn 3 tháng, hoạt động của chợ phiên Làng Chài Tân Thành vẫn trung thành, nhất quán với tôn chỉ, mục đích ban đầu là chợ đồ cũ, chợ đồ thủ công, mỹ nghệ và đồ nhà làm. Gần đây, chợ có được UBND thành phố Hội An đề nghị hỗ trợ thêm cho các cửa hàng trong phố cổ Hội An để giải quyết hàng tồn đọng, thanh lý đồ cũ và hỗ trợ thêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP Quảng Nam (chương trình mỗi địa phương 1 sản phẩm)

“Để tích cực tạo hình ảnh, thương hiệu cũng như bản sắc của chợ là chợ phiên đồ cũ, đồ thủ công mỹ nghệ, BTC đang tích cực quảng bá, thu hút bà con nhân dân thành phố Hội An và Đà Nẵng cũng như các huyện lân cận mang đồ cũ, đồ thanh lý của nhà đến bán, giao lưu và trao đổi tại chợ”, anh Việt nói và cho biết thêm ban tổ chức cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đường phố để chợ thực sự là sân chơi, nơi giao lưu văn hóa cho khách du lịch và người dân địa phương, là nơi khách du lịch giao lưu, tìm hiểu văn hóa đặc thù của làng Chài và của Hội An nói chung.

Theo chia sẻ từ anh Việt, cộng đồng doanh nghiệp ở đây rất vui vì đã đóng góp được chút công sức cho sinh khí của làng chài, cho cộng đồng du lịch Tân Thành nhất là khi thấy từ các bà, các chị và người dân phường Cẩm An hồ hởi, háo hức đến chợ và khoe “Người Cẩm An giờ được đi du lịch Cẩm An” cũng như những vị khách nước ngoài vui vẻ, đắm mình trong không khí Noel và Tết Dương lịch ngay tại cộng đồng.

Nói về các chương trình dịp Tết sắp tới, vị doanh nhân này chia sẻ các doanh nghiệp tại đây sẽ cùng nhau chung tay tạo ra các gói sản phẩm đặc thù mới để hấp dẫn đối tượng khách du lịch yêu văn hóa truyền thống đến với Hội An, đó là combo tour “Trải nghiệm chợ Tết Hội An”, du khách sẽ được thăm làng hoa An Mỹ, làng quất Cẩm Hà, được đi chợ hoa ngày tết, mua sắm các đặc sản đặc trưng Quảng Nam và cùng tận hưởng không khí những ngày giáp tết  tại làng Chài, cùng đi mua sắm, trang trí nhà cửa, gói bánh chưng và đi chợ phiên… và có thể là cùng đón giao thừa với cộng đồng làng chài.

Tiếp đó, khi vào mùa du lịch hè, cộng đồng cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động mới để khách du lịch được tương tác nhiều hơn nữa với cộng đồng như tham gia các hoạt động kéo lưới cá buổi sáng, bắt còng buổi chiều, câu mực buổi đêm, được đan, vá lưới, thưởng thức các món hải sản tươi sống do chính mình đánh bắt…

“Bên cạnh đó, nếu điều kiện cho phép, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với chính quyền và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức các sự kiện mang tính lễ hội như lễ hội cát, nghệ thuật đá sỏi, lễ hội diều, với mong mỏi vào năm mới, du lịch khởi sắc hơn”, anh Việt chia sẻ.

Được biết, UBND thành phố Hội An quyết định từ cuối tháng 1 năm 2021, chợ phiên Làng Chài Tân Thành được chính thức tổ chức định kỳ vào 2 ngày cuối tuần, thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần, thay vì chỉ thứ 7 như trước kia.
Có thể nói với ba không gian mang màu sắc khác nhau, họ - các doanh nhân – đang tạo ra điểm đến mới, sản phẩm mới cho du lịch Hội An hậu Covid, xua tan sự ảm đạm, u ám của bóng ma Covid và những thiên tai liên tiếp trong năm 2020, cùng nhau gắn kết cộng đồng, góp phần giúp Hội An trở lại và lợi hại hơn xưa.

Hay theo như cách nói của anh Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, ba không gian này chứng tỏ sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp tại Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Họ vẫn tìm cách vận động, đón đầu cơ hội để có một tương lai tốt hơn thay vì “nằm ngủ đông”.

Và họ vẫn vận động trong trạng thái bình thường mới để mang một sinh khí mới cho Hội An.

Nhân Tâm

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tour du lịch thích ứng thời tiết: Không nên chỉ là...

1
(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với...

Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung

2
(SGTT) - Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên,...

Du lịch miền Bắc ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ

0
(SGTT) - Bão Yagi không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, mà còn khiến ngành du lịch miền...

Loạt tour du lịch miền Bắc bị hoãn, hủy do ảnh...

0
(SGTT) – Ghi nhận tại một số doanh nghiệp lữ hành, bão Yagi và hệ quả sau bão đã khiến nhiều tour du lịch...

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Hội An lắp camera giám sát an ninh và cảnh báo...

0
Thành phố Hội An chính thức đưa vào hoạt động hệ thống camera thông minh tại các điểm nóng trong khu phố cổ nhằm...

Kết nối