(SGTT) - Nhiều em học sinh ở TPHCM vẫn đang trong một kỳ nghỉ mà cư dân mạng gọi đùa là “tết Corona” với nhiều hoạt động vui chơi và thư giãn khác nhau.
Nghỉ học dài ngày từ sau tết Nguyên đán, một số gia đình cho biết thời khóa biểu của con em của họ có nhiều sự thay đổi, chủ yếu là ở giờ giấc ăn ngủ. Nhiều học sinh cấp hai, ba tự ra ngoài gặp gỡ bạn bè để cùng chơi thể thao, ôn bài để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày vào học lại. Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, ở lứa tuổi nào cũng cần ăn uống cân bằng dinh dưỡng theo thể trạng và tích cực vận động để có sức khỏe tốt trong mùa dịch, nắng nóng.
Thích nghi với nếp sinh hoạt mới
Chị N.H.Thảo (ngụ tại quận Thủ Đức) có hai con đang học cấp 1. Việc nghỉ học dài ngày khiến vợ chồng chị cũng phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt theo con. Khi đi học, mỗi sáng chị và chồng sẽ dậy sớm lúc khoảng 05:30 để vợ nấu ăn sáng, chồng giúp hai con chuẩn bị áo quần, sách vở rồi cùng đi học, đi làm lúc 06:30. Mỗi tối, các con sẽ học cùng bố mẹ một tiếng, đến đúng 09:30 sẽ chuẩn bị đi ngủ. “Nhưng Tết xong các con đã quen ngủ muộn, lại tiếp tục không đi học nên các con càng ngủ và thức dậy rất trễ. Có hôm, bé lớn nhà tôi còn bỏ ăn sáng vì dậy lúc 10g sáng! Bé nhỏ thì mới học lớp một nên tôi còn có thể điều chỉnh theo ý mình”, chị Thảo kể.
Tương tự với trường hợp của chị Thảo, chị Nguyễn Ngọc Mai Phương (ngụ tại quận 1) cũng có hai con trai đang học cấp 1. Hai con của chị cũng thay đổi đồng hồ sinh học khi tự động ngủ trễ hơn vì sáng không phải dậy sớm, đồng thời cũng xem ti vi nhiều hơn. Chị cũng không đưa con ra ngoài chơi nhiều vì sợ dịch, chỉ đưa con đến nhà họ hàng, chơi với anh em trong nhà cho đỡ buồn. Chị nói thêm: “Tôi còn mua thêm một con cún con để cho hai cháu chơi khi ở nhà. Rồi tôi cho con tự học tiếng Anh tại nhà trên trang web của trường Anh ngữ tụi nhỏ đang theo học trước khi có dịch”.
Chị Nguyễn Minh Hằng (ngụ tại quận 3) cũng sợ bệnh dịch nên cho con nghỉ ở nhà. Chị có động viên con tự học ở nhà nhưng các con chị cũng ít khi hợp tác. Nhà trường mà con chị theo học cũng không bắt buộc học sinh học bài nhiều. Nếu con thấy buồn chán, chị vẫn cho con đến nhà bạn cùng lớp chơi hoặc đi siêu thị, ăn uống bên ngoài. Nhờ đã rèn cho con cách tự chăm sóc khi ở nhà một mình, nên chị Hằng khá yên tâm về giờ ăn của con, nhưng giờ ngủ thì hai con vẫn dậy trễ hơn lúc còn đi học.
Thư giãn và ôn luyện tích cực
TPHCM thời điểm này đang là mùa khô, nên những hoạt động ngoài trời vẫn rất thu hút học sinh để tận hưởng kỳ nghỉ dài. Một số nhóm học sinh cấp 2, 3 vẫn tự ra ngoài vui chơi cùng nhau với các hoạt động lành mạnh như chơi thể thao hay đơn giản là cùng học bài.
Nhóm học sinh nữ lớp 9, trường THCS Hiệp Bình (quận Thủ Đức) thường xuyên rủ nhau ra các khu công viên cây xanh trong khu vực để cùng đạp xe và trò chuyện. Em Quỳnh Như (cũng trong nhóm này) cho biết thầy cô gửi bài đều đặn hằng tuần qua các nhóm chat trên mạng xã hội để lớp chép bài. Em cùng các bạn thường hẹn nhau đi uống nước trong xóm và cùng chạy xe đạp để vận động, vì ở nhà không có gì chơi ngoài xem ti vi. Nói về dịch bệnh, em Quỳnh Như nghĩ rằng các bạn đều ở khu vực gần nhà nên cũng không quá lo lắng. Một số bạn bè của em cũng thường tụ tập để chơi đá bóng để rèn sức khỏe theo lời dặn của giáo viên chủ nhiệm.
Nhóm học sinh lớp 12, trường THPT Gia Định thì vẫn tự ôn luyện bài vở ở nhà để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. Các em cho biết đều đã tự đi được xe máy hoặc xe buýt nên vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau để ôn bài và trò chuyện. Em M.T chia sẻ: “Thầy cô bên trường có đăng bài tập vào các nhóm, rồi cho tụi em giải đề nên cả nhóm hay tụ tập cùng ôn với nhau. Do đều biết bạn bè không đi đâu khỏi thành phố nên tụi em cũng yên tâm về khả năng tránh lây bệnh”.
Cũng như nhiều bạn sinh viên khác, bạn Thùy Linh (19 tuổi) vẫn ở quê chưa vào lại TPHCM vì vẫn chờ thông báo cụ thể. Ở nhà, Linh vẫn có thể tận hưởng những ngày này một cách bổ ích bằng việc đọc sách mình thích. Còn bạn Thúy An (19 tuổi) thì ở nhà phụ bố mẹ dọn dẹp: “Nhà em là nhà vườn nên cũng khá ẩm thấp, um tùm. Mùa dịch này thì phải giữ nhà cửa thông thoáng, nên em tranh thủ ở nhà giúp bố mẹ dọn dẹp thường xuyên”.
Ăn uống đầy đủ, thể thao đúng cách
Hiện các em học sinh cấp 3 đã được đi học, những em nhỏ hơn cũng chuẩn bị trở lại trường lớp. Để học sinh được bảo đảm về sức khỏe, phụ huynh cần chú ý về chế độ dinh dưỡng và vận động của con, tránh tình trạng ăn uống trái giờ giấc hay lười vận động.
Theo các khuyến nghị của Bộ Y tế, mỗi người nên áp dụng các biện pháp vệ sinh thân thể và tăng cường sức khỏe để phòng chống bệnh dịch.
TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – nhấn mạnh cách để tăng cường sức khỏe trong mùa dịch như sau: “Cần ăn uống đầy đủ (theo tháp dinh dưỡng), đặc biệt là bổ sung đủ đạm và các chất cần thiết cho hệ miễn dịch như vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm… Nên uống đủ nước, ngủ đủ giấc, vận động thể thao hằng ngày, suy nghĩ tích cực và duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe”.
Trong thời gian nghỉ học dài ngày, việc học sinh tự giải trí ở nhà hoặc ra ngoài cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nguy hiểm. Đây cũng là vấn đề các bậc phụ huynh lên lưu ý để đảm bảo an toàn cho con, kể cả khi ở nhà.
Theo BS. Trương Hữu Khanh Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng phụ huynh nên lưu ý, trong thời gian trẻ nghỉ học cần để mắt đến trẻ nhiều hơn. “Gần đây, nhiều trẻ vào cấp cứu do bị phỏng nước sôi, điện giật, nuốt dị vật, té ngã cầu thang… Nếu con mình có thói quen ngậm đồ chơi, hay chơi những vật nhỏ phải quan sát kỹ”.
“Khi bé có dấu hiệu đau bụng, sốt, than mệt sau khi chơi đồ chơi, người lớn không nên la mắng mà hãy tìm cách hỏi bé, hoặc đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kịp thời phát hiện và xử lý”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Nếu không có nhiều thời gian cùng trẻ vui chơi, vận động, người lớn có thể tham khảo một số bài tập để cả nhà cùng tập luyện. Cách này vừa giúp tăng thể lực cho cả gia đình, vừa tạo không khí gắn kết, tình cảm khi trẻ phải ở nhà một mình nhiều ngày, ít được gặp gỡ bạn bè. Những động tác tập thể lực đơn giản từ trung tâm yoga – thể lực tổng hợp Trâu Vàng Fitness (quận 7) dưới đây có thể là gợi ý cho các gia đình có ý định cùng nhau tập luyện.
Cap.: Học sinh mầm non, phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 11) trên địa bàn TPHCM sẽ nghỉ học đến hết ngày 15-3.
4 động tác tập luyện đơn giản
1. Bước rướn dài (Lunges)
Tác dụng: động tác tập trung vào phần thân dưới để phát triển các nhóm cơ chính là mông, đùi. Các nhóm cơ phụ dùng để giữ thăng bằng như vai, tay, bụng, cổ chân cũng sẽ được kích hoạt và trở nên săn chắc.
Hướng dẫn: Bắt đầu bằng từ vị trí đứng, hai chân rộng bằng vai. Từ từ hạ thấp cơ thể với một chân làm trụ, một chân bước rướn về phía sau - hơi chếch ra ngoài - cho tới khi đầu gối chân sau hạ thấp gần mặt đất. Chân nào đưa ra sau thi tay phía đó vung tới trước, tạo sự thăng bằng cho cơ thể (giống như vung tay khi bước đi hay chạy bộ).
Lưu ý: Đối với chân trụ trước, đầu gối đưa nhẹ tới trước theo hướng mũi chân, không nên đẩy nhiều tới trước vượt qua ngón chân dễ gây chấn thương đầu gối.
2. Chống đẩy kiểu rắn (Cobra Push Up)
Tác dụng: động tác khỏe cho phần thân trên giúp săn chắc cánh tay và vai. Ngoài ra, động tác còn có tác dụng tuyệt vời là làm giãn cơ ngực và bụng, chữa gù lưng và giảm đau cột sống lưng.
Hướng dẫn: Bắt đầu từ vị trí nằm sấp, hai bàn tay giữ dưới hai vai, hai cùi chỏ ép người - hướng lên trời, hai chân giữ sát nhau. Từ từ đẩy nâng cao người với hai cùi chỏ giữ sát cơ thể - cho tới khi gần thẳng tay, hai vai giữ xa tai - không rụt cổ. Từ từ hạ người với hai cùi chỏ giữ sát cơ thể, hai vai giữ xa tai, cho tới khi ngực gần chạm mặt đất.
Lưu ý: Ở tư thế bắt đầu, vị trí đặt bàn tay có thể di chuyển tới phía trước, ngang dưới cổ, cằm, hoặc trán để động tác trở nên dễ hơn khi bạn mới tập hoặc chưa có độ dẻo của lưng.
3. Chú chó săn (Bird – Dog)
Tác dụng: động tác này giúp làm khỏe mạnh cơ lưng, vai sau, và mông - những nhóm cơ cực quan trọng trong việc giữ thẳng lưng khi đi đứng và ngồi, giúp bảo vệ đốt sống cổ, lưng dưới và cải thiện chiều cao.
Hướng dẫn: bắt đầu từ vị trí chống chắc người trên hai bàn tay chống dưới vai và đầu gối chống dưới hông, siết cố định cơ bụng. Từ từ duỗi một tay thẳng tới phía trước. Khi ổn định ở tư thế duỗi một tay phía trước, từ từ duỗi chân phía đối diện thẳng ra phía sau. Giữ tư thế này một vài giây rồi từ từ hạ về vị trí cũ, sau đó đổi bên. Siết chặt cơ bụng giữ ổn định cơ thể trong suốt động tác.
Lưu ý: Tập trung cố định, hạn chế để hông bị lệch và cơ thể bị xoay sẽ gây mất tác dụng của động tác.
4. Con bọ lật (Dead – Bug)
Tác dụng: động tác này giúp làm săn chắc cơ bụng.
Hướng dẫn: bắt đầu từ vị trí nằm ngửa với hai tay duỗi thẳng lên trời, co chân lên và giữ khớp hông, đầu gối gập 90 độ. Khi thực hiện, từ từ duỗi tay trái qua đầu đồng thời chân phải duỗi thẳng. Sau đó đưa tay trái và chân phải về vị trí ban đầu. Thực hiện tương tự với tay trái chân phải.
Mỗi động tác thực hiện trong vòng 45 giây, nghỉ 15 giây rồi chuyển qua động tác tiếp theo.
Yến Nhi