(SGTTO) - Hoa không chỉ dùng để trang trí, một số loài hoa còn có thể ăn được và là nguyên liệu để chế biến những món ăn ngon, bổ dưỡng.
Tổ chức Worldkings vừa công nhận nền ẩm thực Việt Nam đạt năm kỷ lục thế giới, trong đó có kỷ lục là quốc gia có nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loài hoa nhất. Theo thống kê của tổ chức này, Việt Nam có khoảng 272 món được làm từ 43 loài hoa khác nhau - và con số này vẫn tiếp tục được cập nhật liên tục. Tuy nhiên, chỉ có một số loài hoa được dùng phổ biến trong các bữa ăn gia đình.
Hoa thiên lý
Hoa thiên lý là một loài thực vật dạng dây leo, hay mọc ở cây bụi. Ngày nay mọi người có thể mua cây giống thiên lý về trồng. Đây cũng là thực phẩm bổ dưỡng, có công dụng chữa bệnh. Trong hoa thiên lý có chứa chất đạm, chất xơ, đường, phốt pho, canxi, sắt, beta-caroten, kẽm và các vitamin B1, PP, C, E.
Theo đông y, hoa thiên lý là vị thuốc an thần, giúp trị chứng mất ngủ, bồi bổ sức khỏe, chống viêm, giải nhiệt, giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt, phòng ngừa mẩn ngứa.
So với các loài hoa ăn được, thiên lý có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn gồm các món xào, món canh, món cháo, món chay, món gỏi, món luộc. Phổ biến là bò xào hoa thiên lý, canh thiên lý thịt băm, canh chua thiên lý, gỏi nghêu thiên lý, cháo thịt bò thiên lý... hay lạ miệng như bánh hỏi thịt heo ram nước tương với hoa thiên lý.
Hoa bí đỏ
Trong hoa bí có các chất Ca, Fe, Mg, K, vitamin A, C và nhiều vitamin khác. Cả hoa bí đỏ tươi và khô đều được đông y hay dùng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu, trị ho, vàng da, bệnh kiết lỵ, hỗ trợ điều trị viêm kết mạc và các chứng sưng viêm, phòng bệnh loãng xương, tăng cường thị lực ở người lớn tuổi.
Trong hoa bí đỏ còn có chất beta – carotene giúp điều trị viêm hạch ác tính, kháng ung thư, chống lão hóa tế bào hiệu quả, nâng cao hệ miễn dịch giúp cơ thể phòng vệ tốt hơn.
Hoa bí đỏ được chế biến thành món luộc, xào, hấp, nấu canh, đặc biệt là chiên. Do hoa bí có bầu hoa dài, có thể nhồi thịt nên hay dùng làm món hoa nhồi chiên hoặc nấu canh. Món canh có thể nấu chung với tôm khô, nghêu, hến, cua hoặc xào chung cùng với thịt bò, thịt heo đều ngon miệng.
Món luộc đơn giản nhất, nhưng chỉ luộc vừa đủ chín (khoảng 2-3 phút), là vớt ra để nguội, vắt bớt nước (không vắt quá khô) rồi chấm nước kho thịt, kho cá, nước mắm tỏi, chanh ớt, hoặc chấm vừng đen ăn với cơm nóng rất ngon. Không luộc hoa bí chín quá vì sẽ mất vitamin C. Hoa bí luộc giữ được dinh dưỡng cao trị âm hư, khô cổ, khan tiếng, táo bón.
Các món hoa bí phổ biến như canh hoa bí nấu sườn, canh cua đồng nấu hoa bí, hoa bí hấp giò sống, hoa bí nhồi tôm, cá chiên giòn, hoa bí chiên giòn. Tuy nhiên, không nên ăn các món này quá hai bữa/tuần, vì dư vitamin A, khiến da chóp mũi, lòng bàn tay, bàn chân dễ có màu vàng.
Đặc biệt, không bảo quản món ăn đã nấu trong tủ lạnh lâu vì không an toàn khi ăn.
Hoa chuối
Hoa chuối rất giàu sắt, chất xơ và các chất kháng khuẩn cũng như kháng viêm. Loại hoa này giúp hỗ trợ điều trị thiếu máu, điều hòa kinh nguyệt, giảm táo bón, giảm viêm, nhiễm trùng, hỗ trợ điều trị tiểu đường, cải thiện khả năng tiết sữa sau sinh.
Gỏi hoa chuối tai heo chua ngọt, hoa chuối luộc, hoa chuối nấu cá lóc, hoa chuối xào tỏi chua ngọt, canh chua hoa chuối nấu nghêu, hoa chuối nấu ốc, hoa chuối sườn non, thịt ba chỉ, đậu phụ, bún bung hoa chuối, các món chay…
Hoa điên điển
Hoa điên điển còn gọi là hoa muồng rút hay hoa điền thanh rất phổ biến ở các vùng đầm lầy, ruộng nước ở vùng miền Tây Nam bộ.
Lá điên điển dùng để xổ giun, giảm đau, chống viêm, trị mụn nhọt, dịu da. Hoa điên điển có tác dụng chống oxy hóa và hạt thì giàu chất đạm, trị viêm ngứa da, điều kinh, giảm tiêu chảy, săn da.
Theo Đông y, hoa điên điển có vị đắng, ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, lợi tiểu và an thần, giúp trị táo bón, mất ngủ, chán ăn.
Lá điên điển dùng để làm gỏi, luộc ăn như rau hoặc nấu canh với cá rô, tép bạc. Hạt được dùng làm giá ăn rất bổ dưỡng. Riêng hoa điên điển được chế biến thành nhiều món ăn ngon, tạo nên sự đặc sắc cho món ăn miền Tây sông nước như canh chua điên điển cá bông lau hay cá linh, gỏi điên điển tôm thịt, điên điển xào bò, bánh xèo, bánh khọt, canh điển cá rô đồng hay lạ miệng có điên điển muối chua hay trộn dừa nạo.
Không phải loài hoa nào cũng ăn được, do đó người dùng nên chọn loài hoa phổ biến hoặc tìm hiểu kỹ trước khi ăn. Cần rửa sạch hoa để loại bỏ bụi bẩn, đất cát, tạp chất. Để loại bỏ thuốc trừ sâu, cần ngâm hoa trong nước pha với chút muối hoặc giấm hoặc nước vo gạo.
Quỳnh Châu