Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Hình dáng cây cầu giúp rút ngắn quãng đường từ 10km còn 100m ở Nhà Bè

Xe - Phương tiệnChuyển động 360Hình dáng cây cầu giúp rút ngắn quãng đường từ 10km còn...
(SGTT) - Cầu Rạch Cây Khô khi hoàn thành giúp rút ngắn quãng đường đi lại giữa hai nửa xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM từ hơn 10km xuống còn 100m.
Dù chỉ cách nhau 100m nhưng người dân xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM phải đi đường vòng hơn 10km để qua bờ bên kia của xã. Trong ảnh thể hiện lộ trình đường vòng hơn 10km (màu đỏ) khi chưa có cầu và đường mới được rút ngắn xuống 100m (màu vàng) khi cầu được đưa vào sử dụng.
Cầu Rạch Cây Khô bắc qua rạch Ông Lớn, khởi công năm 2018, có vốn 500 tỉ đồng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực Nhà Bè quản lý. Cầu dài 485m, rộng 12,5m giúp nối liền hai nửa xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM và kết nối Nhà Bè với Bình Chánh.
Ông Lê Minh Trí, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực Nhà Bè quản lý, cho biết hiện dự án đã hoàn thành các hạng mục chính và đạt hơn 98% khối lượng thi công. Dự án đang trong giai đoạn nước rút với các hạng mục lắp taluy, đèn chiếu sáng, trải nhựa đường nhánh kết nối. “Dự kiến cầu sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8 và tổ chức thông xe dịp lễ 2-9”, ông Trí thông tin.
Theo ông Trí, cầu Rạch Cây Khô có vị trí quan trọng trên trục giao thông Đông – Tây của Nhà Bè. Khi đưa vào khai thác, cầu đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, hết cảnh “qua sông phải lụy đò”. Đồng thời, tăng tính kết nối cho Nhà Bè với các địa phương lân cận.
Hệ thống dải phân cách thép đang được công nhân thi công những công đoạn cuối.
Bề mặt cầu rộng 12,5m cho 2 làn xe chạy hai chiều, hiện đã xong hạng mục trải nhựa mặt cầu, lan can, thoát nước, đường dẫn.
Trong ảnh là vòng xoay giúp kết nối cầu với đường Nguyễn Bình. Thông qua trục này người dân có thể đi đến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Hữu Thọ.
Ông Nguyễn Văn Nam, người dân sống gần khu vực dự án chia sẻ, không chỉ ông mà người dân trong khu vực rất trông ngóng ngày khánh thành cầu.” Chưa có cầu thì mình phải đi đường vòng rất xa để qua bờ bên kia hoặc phải đi đò nguy hiểm. Bây giờ cầu xây xong rồi thì đi lại gần và dễ dàng hơn, đặc biệt là mấy đứa nhỏ học sinh”, ông Nam nói thêm.
Cầu Rạch Cây Khô được thiết kế có tĩnh không thuyền cao giúp tàu bè di chuyển dễ dàng hơn.
Trong ảnh là đầu cầu kết nối về hướng huyện Bình Chánh. Dự kiến giao thông xe được tổ chức nối với đường Nguyễn Văn Ràng theo hai chiều riêng biệt. Tuy nhiên, đường Nguyễn Văn Ràng có bề rộng khá hẹp nên tính kết nối chưa cao. Về vấn đề này, đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết, huyện đang xin chủ trương đầu tư nối dài đường Phạm Hùng đến cầu Rạch Cây Khô với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỉ đồng để giao thông đồng bộ với cầu.
Để tiết kiệm thời gian, người dân thường đi đò để qua bờ bên kia. Bến đò nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Ràng, giá vé 4.000 đồng/lượt (bao gồm cả xe) và hoạt động từ 6:00 giờ đến 19:00 giờ. Mỗi chuyến đò chở được khoảng 12 người, thời gian đợi đò từ 5-10 phút. Những lúc nước xuống thấp khiến đò mắc cạn thì phải tạm dừng hoạt động.
Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục