Trong văn hóa ẩm thực ngày tết, nhất là dịp tất niên, người Việt rất chú trọng vào mâm cỗ cúng. Tùy mỗi vùng miền mà một số món ăn trên mâm cỗ sẽ có sự thay đổi.
- Tinh tế món thịt đông trong mâm cỗ tết Bắc
- Dịch vụ nấu mâm cỗ Tết hút khách
- Ngày tết nghe đầu bếp kể chuyện mâm cơm ba miền
Theo đó, lễ cúng tất niên là nghi thức tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới đến. Đây còn bữa cơm cúng bái ông bà hay mâm cơm đoàn tụ chào đón những thành viên xa nhà trở về dịp tết.
Một số điểm chung ở mâm cúng tất niên ở ba miền là hương và đèn, tượng trưng cho mặt trời - mặt trăng và sự kết nối âm - dương; thêm nữa là mâm trái cây, ngũ quả cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Còn về món ăn, mâm cỗ tất niên ba miền sẽ có sự khác biệt.
Do điều kiện thời tiết nắng nóng, chia rõ hai mùa nắng - mưa, nên người miền Nam thường bày mâm cỗ tất niên gồm những món nguội. Đó là bánh tét kèm củ cải ngâm, canh nấu măng tươi, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, thịt heo luộc, dưa giá, nem, chả giò, củ kiệu.
Người miền Trung thường làm mâm cỗ cúng tất niên gồm một số món như giò lụa, thịt gà, thịt heo, măng khô, miến xào, ram, bánh chưng, bánh tét, dưa muối, dưa góp.
Người miền Bắc có sự cầu kỳ hơn trong mâm cúng tất niên khi bảo đảm quy tắc 4 tô - 4 đĩa đối với cỗ nhỏ, cỗ lớn thì 6-6 hoặc 8-8. Một số món ăn thường được chế biến là bánh chưng, hành muối, nem rán, móng giò hầm măng, miến nấu lòng gà, mọc nấm thả, bát bóng thả, thịt đông, nộm, gà tần...
Mâm cỗ cúng tất niên món chay không theo một nguyên tắc nhất định nào mà tùy thuộc người nấu. Thông thường, gồm một số món ăn như rau củ xào chay, giò chả chay, xôi gấc, canh rau củ nấu chay, đậu hũ chiên xào nấm tươi, miến xào chay...
- Cách bài trí mâm cỗ cúng tất niên: Mâm cỗ mặn bày ở bàn nhỏ, đặt dưới bàn thờ chính. Mâm ngũ quả, hoa tươi và đồ cúng đặt ở trên. Việc cúng lễ do gia chủ hoặc người lớn tuổi thực hiện.
Phúc An tổng hợp