Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Hết đường phân biệt trái cây nhập khẩu

Tự Phong

Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm nông sản nhập khẩu dán nhãn mác ghi xuất xứ từ nhiều nước khác nhau. Vấn đề là làm sao phân biệt được, bởi khi lột bỏ những nhãn mác đó đi thì người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được đâu là sản phẩm của nước nào.

Chỉ người mua nhầm

Điển hình nhất là những trái táo nhập khẩu được các doanh nghiệp dán nhãn là sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Úc hay New Zealand. Tương tự, những sản phẩm như nho, lê, cam... cũng được ghi xuất xứ nước ngoài. Các sản phẩm có dán tem, chỉ có điều khách hàng có thể lột ra một cách dễ dàng. Đối với nhiều người tiêu dùng, dù đã có nhiều năm đi chợ và siêu thị nhưng vẫn không thể phân biệt đâu là sản phẩm nhập khẩu từ nước này, đâu là sản phẩm nhập khẩu ở một nước kia.

“Đối với mặt hàng táo, nếu bỏ đi cái nhãn của nhà phân phối, tôi không thể phân biệt đâu là sản phẩm trồng ở Trung Quốc, Mỹ hay Úc... vì được giải thích đây là giống táo được nhiều nước cùng trồng. Nói chung, rất khó phân biệt bằng mắt thường nên chỉ còn tin tưởng vào nhà phân phối”, một người tiêu dùng tên Chuyên, 55 tuổi, ở quận Gò Vấp, TPHCM, nói.

Hầu như các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố đều có bán các loại trái cây nhập khẩu, phổ biến nhất là táo Mỹ, nho Nam Phi, lê Hàn Quốc. Ảnh: Uyên Viễn
Hầu như các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố đều có bán các loại trái cây nhập khẩu, phổ biến nhất là táo Mỹ, nho Nam Phi, lê Hàn Quốc. Ảnh: Uyên Viễn

Hầu như các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố đều có bán các loại trái cây nhập khẩu, phổ biến nhất là táo Mỹ, nho Nam Phi, lê Hàn Quốc. Theo một số siêu thị, nho Nam Phi loại xanh và đen không hạt có giá là 140.000 đồng/kg, cao gấp ba lần nho trồng ở Ninh Thuận. Nhìn vào giá bán, không ít người đã thắc mắc, tại sao nho Nam Phi vận chuyển một quãng đường xa như vậy lại có giá không quá cao, chỉ khoảng 7 đô la Mỹ/kg.

Chị Hương Bình, một người công tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tỏ ra nghi ngờ sản phẩm nho Nam Phi đang được bày bán, cho rằng đó có thể không phải là nho được trồng ở Nam Phi. “Để những sản phẩm tươi nhập khẩu được bán ở Việt Nam, nhiều công ty phải vận chuyển bằng đường hàng không, nghĩa là chi phí vận chuyển sẽ cao. Mức giá gần 7 đô la Mỹ/kg và sản phẩm nhìn tươi như loại sản xuất trong nước là không ổn vì cước phí vận chuyển cũng gần bằng giá bán”, chị Hương Bình nói.

Tại một số chợ truyền thống và cửa hàng rau quả trên địa bàn thành phố, các tiểu thương nói những mặt hàng như cà rốt, khoai tây, bắp cải... lấy từ Đà Lạt, hoặc các tỉnh phía Bắc; còn cam, quýt lấy từ các tỉnh miền Tây chứ không nhập từ Trung Quốc. Từ khi có thông tin rau quả nhập từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều siêu thị và chợ hạn chế bán những sản phẩm nhập từ quốc gia này. Mặc dù trước đó quầy hàng nào ở chợ cũng bán rau quả Trung Quốc vì giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại trong nước.

“Do các tiểu thương không bán các loại rau và trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc mà thay vào đó là sản phẩm tương tự lấy từ các tỉnh, thành trong nước, nên giá bán cũng cao hơn. Nhưng thực tế không phải người tiêu dùng nào cũng có thể phân biệt đâu là sản phẩm của Việt Nam, đâu là của Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ hay Úc... Vì thế, chỉ có người mua mới nhầm, còn người bán không bao giờ nhầm”, chị Bình nói.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện một đơn vị nhập khẩu và phân phối táo cho biết thường khi nhập khẩu sản phẩm của quốc gia nào thì ở bên ngoài bao bì đều có ghi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Khi bán các tiểu thương thường trưng ra sản phẩm có dán nhãn mã vạch và có ghi tên quốc gia nhập khẩu. Song, vị này cũng cho rằng, nếu lột bỏ nhãn đi thì chỉ có những ai tiếp xúc hàng ngày mới có thể nhận biết xuất xứ hàng hóa.

[box type="bio"] Theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, những hàng hóa là thực phẩm tươi như thủy sản, rau, quả khi đóng trong bao bì phải ghi nhãn mác hàng hóa. Tuy nhiên, nghị định không bắt buộc phải ghi nhãn đối với hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Như vậy, những sản phẩm trái cây đang bán hiện nay, các nhà phân phối có thể căn cứ vào đó mà không ghi nhãn mác.[/box]

Mã vạch thôi chưa đủ

Trên thị trường, hiện nhiều loại thực phẩm tươi sống đều có dán nhãn mác trên bao bì, và đa phần là những sản phẩm đạt VietGap (thực hành nông nghiệp tốt). Một số sản phẩm nhập khẩu có gắn nhãn mác với mã vạch để phân biệt hàng hóa nhập từ nước nào. Vấn đề là không phải người tiêu dùng nào cũng đọc được mã vạch, thậm chí nhiều người còn không biết mã vạch là gì.

Chị Thanh Hoài, nhà ở quận 1, thắc mắc trong trường hợp mua những sản phẩm này và ăn vào bị ngộ độc thì lúc đó người tiêu dùng sẽ kiện ai, kiện người bán hàng hay nhà sản xuất. Vì thế, để an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua hàng ở kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chọn mua những sản phẩm đạt VietGap, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, những mặt hàng này vẫn chiếm một lượng nhỏ trong tổng số lượng rau, trái cây và thực phẩm tươi sống mà người dân đang dùng hàng ngày. Trước đây, để giải bài toán “giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm”, Hội làm vườn Việt Nam nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý cần có một logo thống nhất cho sản phẩm VietGap. Người tiêu dùng nhìn vào logo này sẽ biết được sản phẩm sản xuất theo những tiêu chuẩn được kiểm soát và có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở kiến nghị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Trái cây nhập khẩu ‘đắt hàng’

0
(SGTT) - Cherry và nho nhập khẩu “đắt khách" khi vào mùa. Các cửa hàng trái cây cũng cho biết do vào mùa, giá...

Người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn trái cây nhập...

0
(SGTT) - Sau nhiều năm vắng bóng thị trường Việt Nam, trái đào và xuân đào của Úc đã được nhập khẩu trở lại....

Cơn sốt trái cây khổng lồ vào dịp cận Tết

0
(SGTT) - Gần đây, các loại trái cây khổng lồ như xoài Trung Quốc, táo Nhật, dâu tây Hàn Quốc, vú sữa Bến Tre...
thanh long vàng

Gần 1,2 triệu đồng một kilogram thanh long vỏ vàng

0
(SGTTO) - Một cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu tại TPHCM rao bán thanh long vỏ vàng với giá gần 1,2 triệu...

Nho kẹo đỏ, nho khô nguyên cành, cam Dolci nhập khẩu...

0
(SGTTO) - Các cửa hàng bán trái cây ngoại vừa nhập về nhiều loại trái cây đang vào mùa. Trong đó có một số...

Ra ngõ gặp trái cây nhập khẩu

0
(SGTT) - Thị trường trái cây nhập khẩu vốn nhộn nhịp trong mấy năm gần đây nay còn sôi động hơn. Nhiều người bán...

Kết nối