(SGTTO)- Sau ngôi nhà đầu tiên tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Ninh Thuận, ngôi nhà Hero House thứ hai đã được xây dựng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) với mục đích giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã.
Chiều 28-11, lễ cắt băng khánh thành nhà tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã Hero House do nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam xây dựng đã được tổ chức tại vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Hero House Bù Gia Mập được xây dựng với sự hỗ trợ thiết kế từ Công ty cổ phần Kiến Trúc Xây dựng Nhà Vui, đứng đầu là kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn; Công ty Insee Việt Nam tài trợ xi măng giả gỗ Conwood cho phần sàn ngoại thất, Công ty SolarBk tài trợ một hệ thống nước năng lượng mặt trời, Công ty công nghệ Wave Việt Nam hỗ trợ một bồn nước và một bồn tự hoại, Công ty Hưng Hoàng đầu tư thép, Công ty Peterson đầu tư các thiết bị gia dụng cần thiết cùng một số công ty, cá nhân khác. Tổng chi phí xây dựng ngôi nhà Hero House thứ 2 lên đến gần 1 tỉ đồng.
Trước đó, nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam đã xây dựng một ngôi nhà Hero House tại Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Chia sẻ lý do chọn Vườn quốc gia Bù Gia Mập lần này, anh Phùng Mỹ Trung, chuyên gia sinh vật rừng, người sáng lập nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam cho biết " Bù Gia Mập là một trong những Vườn quốc gia lớn tại Việt Nam, tại đây bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm. Mỗi ngôi nhà Hero House đều được xây dựng ngay trong vườn quốc gia và thiết kế rất nhiều cửa sổ để các bạn tình nguyện viên cảm nhận trực tiếp với thiên nhiên và động vật hoang dã, đồng thời thêm yêu văn hóa vùng miền tại đây"
Ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ sao trong 45 ngày, và được “ tái sử dụng” từ một nhà truyền thống 40 năm của người dân tộc S’tiêng. Sau đó, ngôi nhà được nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam giữ nguyên tất cả từ cách thiết kế đến màu sắc; di chuyển hai cây số về đến địa điểm hiện tại, theo nguyên tắc “dỡ ở đâu, gắn ở đó”. Ngôi nhà bằng gỗ gần 200 mét vuông tính cả khu vực hồ trước nhà, có thể chứa nhiều nhất 20 tình nguyện viên.
Đối tượng được sử dụng miễn phí Hero House đầu tiên là các bạn tình nguyện viên tham gia hoạt động bảo vệ động vật hoang dã. Đối tượng thứ hai là gia đình của những nhà tài trợ, những mạnh thường quân đã đóng góp cho ngôi nhà, cuối cùng là các đoàn tham quan, tìm hiểu về các động vật hoang dã và văn hóa dân tộc S’tiêng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Các tình nguyện viên khi tới đây sẽ được học về những loài động vật hoang dã như chà vá chân đen, vượn đen má vàng, cu li nhỏ, voọc ngũ sắc… và cả văn hóa của người S’tiêng để hiểu thêm về vùng đất này. Sau đó, tình nguyện viên sẽ được hướng dẫn để tiến hành chăm sóc, cho ăn, thu dọn chuồng trại, kiếm thức ăn… cho các loài động vật hoang dã. Đồng thời, từ việc hiểu thêm về văn hóa, các tình nguyện viên sẽ kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên cho khách tham quan du lịch tai Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Anh Châu Thanh Tân, một tình nguyện viên, chia sẻ "Có thêm một Hero House, là có thêm một cơ hội để những tình nguyện viên như chúng tôi có thể cùng nhau chung tay bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, đồng thời hỗ trợ quảng bá danh thắng của nước ta đến với khách tham quan tại nơi có Hero House; cụ thể lần này là Vườn quốc gia Bù Gia Mập".
Nhóm gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập từ tháng 8 năm 2015 với mục tiêu để trẻ em Việt Nam hình thành tình yêu và nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm có gần 14.000 thành viên. Hoạt động chính của nhóm là tổ chức các chương trình tìm hiểu, học tập, bảo tồn thiên nhiên hoang dã Việt Nam. Link đăng ký tham gia nhóm https://www.facebook.com/groups/giadinhemyeuthiennhienvietnam
Về anh Phùng Mỹ Trung Là người sáng lập trang “sinh vật rừng Việt Nam”, đây là trang web đầu tiên tại Việt Nam cho phép tìm kiếm, tra cứu các loài động thực vật, côn trùng rừng Việt Nam. Anh từng đạt Giải nhất Trí tuệ Việt Nam năm 2000 với phần mềm CD-Room “ sinh vật rừng Việt Nam”, Giải thưởng Vifotex 2005 và Giải thưởng “ Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn 2006.
Phùng My