(SGTT) - Vừa qua, ngày 17-4, xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Nghệ thuật trình diễn dân gian hát tuồng bội.
- Nghệ thuật lân sư rồng của người Hoa ở TPHCM là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Lễ hội đền Thánh Nguyễn là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Hát tuồng bội xuất hiện tại Hưng Trạch từ thế kỷ XVI, là loại hình nghệ thuật dành cho giới quý tộc cung đình, trí thức thượng lưu, nhưng cũng đồng thời trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần quen thuộc của công chúng bình dân.
Các tích tuồng mang đậm tư tưởng nhân văn, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nghĩa tình vợ chồng, mùa màng tươi tốt, với âm sắc trầm hùng mà sâu lắng, có sức lay động lòng người.
Hát tuồng bội hiện diện trong đời sống tinh thần người dân Hưng Trạch góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí và khát vọng xây dựng quê hương.
Lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa (thuộc loại hình lễ hội truyền thống), Hát tuồng bội xã Hưng Trạch (Bố Trạch) và Hát sắc bùa huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian).
Làn điệu tuồng nhiều lối như: Nam ai, nam bình, nam dựng, tẩu mã, sa mạc, than, hà khắc, nói lối, trống quân… mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt trong cách phát âm, lối nhả chữ luyến láy mà dứt khoát, mạnh mẽ của người dân ở Khương Hà đã tạo nên nét đặc biệt so với ở các nơi khác.
Tỉnh Quảng Bình hiện có hai di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm Hát ca trù của người Việt (gồm hát nhà trò, hát ả đào) và Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam (gồm chơi bài chòi).Ngoài ra, Quảng Bình còn có 13 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Hò khoan Lệ Thủy, Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, Lễ hội cầu ngư của ngư dân ven biển, Lễ hội đập trống của người Ma Coong, Hò thuốc cá, Lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều, Lễ hội rằm tháng Ba Minh Hóa, Hát sắc bùa, Hát tuồng bội, Hát kiều, Hát ru Cảnh Dương, Lễ hội cầu mùa của người Nguồn (Minh Hóa) và Lễ hội mừng nhà mới của người Rục (ở Thượng Hóa, Minh Hóa).