(SGTT) - Nước Mỹ rộng hơn 30 lần Việt Nam, tưởng là bao la, bát ngát, hóa ra trong con mắt những người bệnh Covid-19 bị giam hãm giữa 4 bức tường cách ly, bầu trời nước Mỹ chỉ là một chiếc vung tròn nhỏ bé, đặc quánh những con virus cúm mà chỉ với tay lên là chạm phải chúng.
- Chủng virus lây Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất xuất hiện lần đầu ở Đông Nam Á
- Mỹ: nhu cầu đá khô tăng cao khi vắc xin Covid-19 chuẩn bị tung ra
- Mùa đông khắc nghiệt nước Mỹ
Ngày 2-1-2021, chúng tôi chạy lên vùng núi Davis, bang West Virginia, cách thành phố Louisville 660 km, ở cao điểm hơn 1.200 mét so với mặt nước biển. Ở đây có con sông Black River nước đen đục quanh năm vì lòng sông chứa nhiều thân cây gỗ mục, nhưng sông biết tạo cho mình một cảnh tượng hùng vĩ, khi chảy qua một ghềnh thác cũng với cái tên Black River Falls. Vùng cao nguyên này có nhiều con đường đi bộ đủ hấp dẫn du khách, trong đó có “Con đường nai chạy” (Deer run trail), chắc là người đi trekking có thể gặp những chú nai tơ ở bất cứ nơi nào.
Chuyến du ngoạn kéo dài 4 ngày, kể cả thời gian đi và về, và chúng tôi trở về nhà vào tối thứ Ba 5-1.
Ngày 8-1, tôi có những dấu hiệu cảm cúm nhẹ, ngứa cổ muốn ho, vội vàng sử dụng Tylenol liều trung bình (325mg x2), ra vườn bứt vội mấy tép sả đã ngã màu đen do mưa và tuyết, mang vào nấu với một ít lá chanh và thêm vài giọt dầu xanh. Khi hơi nóng của nồi xông vừa xộc vào mũi, tôi nghe một đoạn dài trong cổ họng rát bỏng cơ hồ không chịu đựng nổi, tưởng chừng như nó sắp nổ tung. Tôi cố nuốt nước bọt liên hồi để xoa dịu bớt cái rát bỏng đó. Thế rồi mọi việc cũng qua đi, từ đó cảm giác ngứa cổ biến mất hẳn.
Những ngày sau, nồi xông của tôi đầy đủ hơn, có sả tươi, rồi những gói xông làm sẵn, với đủ thứ như kinh giới, bạc hà, tía tô, hoắc hương… có bán trên thị trường của người Việt gần thành phố Louisville.
Ngày 9-1, tức ngày thứ hai sau những triệu chứng ban đầu, tôi vẫn trụ vững, sáng vẫn tập dịch cân kinh, chạy lòng vòng trong ngôi nhà rộng, đầu chỉ hơi bần thần, cơ thể hơi ớn lạnh một chút. Buổi chiều hôm ấy, nhờ con gái thoa dầu xung quanh lưng, sáng hôm vẫn tiếp tục tập thể dục.
Song, ngày hôm ấy, người bạn đồng hành của tôi trong chuyến đi West Virginia là cậu con rể cũng có những dấu hiệu cảm như tôi, có phần nặng hơn. Con rể lấy xe chở tôi đi xét nghiệm. Căn cứ vào thể trạng lúc bấy giờ, tôi vẫn không tin là mình đã dính Covid-19!
Vì có dấu hiệu cảm cúm, chúng tôi được xét nghiệm nhanh trong 20 phút thay vì trong 2 ngày như những người không có triệu chứng. Kết quả là cả hai đều được xác định positive (dương tính) với Covid-19!
Tôi giương mắt nhìn bà bác sĩ người Mỹ khoảng hơn 50 tuổi, không tin, rồi cũng phải tin, với cái bản án đang treo lơ lửng trên đầu mình.
So với những người bị nhiễm Covid-19, tôi không có tất cả những dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh quái ác này: không bị sốt vật vã 38-39 độ C trở lên; không tức ngực, khó thở; độ bão hòa oxy trong máu (oxygen saturation) của một người bình thường dao động trong khoảng 95-99% thì chỉ số oxygen cơ quan xét nghiệm đo cho tôi ngày hôm đó là 98%; không ho một tiếng nào; cảm giác về mùi có sút giảm, song có lẽ do bị ngạt mũi nhiều hơn.
Bằng sự lạc quan tối thiểu, tôi tự xếp mình vào thành phần 80% những trường hợp bị Covid-19 tự chữa khỏi. Điều này được trợ lực bởi hai yếu tố về thể chất mà tôi may mắn vượt trội hơn nhiều người cùng độ tuổi: trong hơn 30 năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy sức đề kháng của cơ thể tôi vẫn còn khá cao, một vài lần bị cảm nhẹ thì chỉ sau vài viên Paracetamol là đủ để trở lại tình trạng bình thường; dù ở độ tuổi U80, nội tạng của tôi, gọi nôm na là tim, gan, phèo, phổi… chưa mắc một bệnh nền nào.
Có lẽ chính nhờ vào hai yếu tố trên mà con Covid-19 không thể - hay chưa thể - xuyên thủng các “phòng tuyến” của tôi chăng?
Dù vậy, với căn bệnh khủng khiếp này, không ai có thể nói trước được điều gì. Kinh nghiệm cho thấy nhiều thầy thuốc trẻ tuổi đã bị nó quật ngã rất nhanh và không bao giờ trở dậy được nữa. Tôi biết có trường hợp một người chỉ sau một lần đi hớt tóc, bị nhiễm virus, về nhà chỉ 3-4 ngày sau là tử vong!
Vì thế, kể từ ngày 10-1 được chính thức xác định đã nhiễm Covid-19, tôi sống trong sự phập phồng, lo sợ một biến chứng có thể ập đến với mình, vào một giữa khuya hay một buổi sáng vừa trở dậy.
Ngày 16-1, khi đang tiếp tục chống chọi với con virus đến ngày thứ 8 thì tôi tiếp nhận tin nữ danh ca Lệ Thu đã ra đi vì chính căn bệnh mà tôi đang mắc phải. Dù không bất ngờ, tôi vẫn cảm thấy rất buồn về tin này, vội gượng dậy, viết những dòng tưởng nhớ chị, bày tỏ nỗi hàm ơn đối với một giọng ca đã mang lại bao nhiêu kỷ niệm suốt một quãng đời tuổi trẻ của tôi.
Song tôi kịp dừng lại nửa chừng với căn bệnh của mình, không dám đi xa hơn, vì thật không có gì thê lương cho bằng cảnh tượng một người đang bị Covid -19 đe dọa mạng sống lại đang viết về một người vừa vĩnh viễn ra đi vì chính con virus này!
Nhưng tôi đã không che giấu được hoàn toàn những cảm xúc của mình. Lắng nghe lại những Tình Khúc Thứ Nhất, Hoài Cảm… qua giọng hát của Lệ Thu, tôi đã không kìm nén được những giọt nước mắt, một nửa dành tưởng niệm một tài danh đã vĩnh viễn ra đi, một nửa còn lại để khóc cho thân phận của chính mình.
Và sau bài viết về sự ra đi của người nữ ca sĩ đáng ngưỡng mộ ấy, tôi trở lại với những lo nghĩ, những nỗi sợ hãi không tên, với một tương lai có thể thật gần gũi hay thật xa vời. Có những lúc bi quan, mình tự ví mình với anh tử tội mà người cai ngục có thể mở cửa ngục vào một đêm hôm khuya khoắt nào đó, để chẳng bao giờ quay về nơi cũ nữa.
Rồi ngày thứ 8 qua đi, ngày thứ 9 qua đi. Bỗng nhiên trong buổi trưa ngày thứ 10, một điều kỳ lạ xuất hiện. Đang lơ mơ nửa thức, nửa ngủ, tôi chợt nghe đâu đây sực nức mùi thơm của nồi cá kho vừa nấu chín. Rồi bỗng nhiên sau 3-4 ngày liền không động đến một món ăn nào, tôi đâm ra thèm một miếng bánh tráng mềm, cuốn với miếng cá lóc nướng trui.
Bánh tráng không sẵn, cá lóc không có, song sự thức tỉnh của khứu giác và vị giác là điều kỳ diệu mà hiếm có một bệnh nhân Covid-19 nào đã trải qua. Chiều hôm ấy, tôi ăn được một ít thức ăn nhẹ với cảm giác của người đang tìm thấy lại hương vị cũ.
Những ngày sau đó, cảm giác thèm ăn tăng lên, và những bữa ăn tiếp tục nhiều hơn lên. 14 ngày như một con số định mệnh của người bị dương tính với “nàng Covi”, khi bước vào ngày thứ 15, tôi cảm thấy tự tin hơn, những nỗi lo sợ biến chứng bất ngờ cũng giảm dần.
Có một thông tin cũng khá mới, đó là con virus Covid-19 biến thể này có thể luồn sâu vào não và phá hỏng bộ nhớ của người bệnh. Nếu chính xác thì đây là tin thật khủng khiếp! May mà mình vẫn còn nhớ hôm ấy là sinh nhật của tôi và vẫn còn nhận ra những bài viết của mình trên mạng xã hội để kết nối với bạn bè.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn tên thật là Lê Văn Cẩn, còn có bút danh khác như Lê Nguyễn, Hoàng Chi, Minh Chiếm, Nhật Nam… Ông là cây bút quen thuộc trên các tờ báo, tạp chí nhiều năm nay. Ông có nhiều tác phẩm đã xuất bản. Các tác phẩm/dịch phẩm đã xuất bản: Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa; Thành cổ Sài Gòn và các vấn đề về triều Nguyễn; Xã hội Đại Việt theo bút ký của người nước ngoài; Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc; Akio Morita và Sony – Kiến tạo nền giải trí tương lai; Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử; Những điều có thể bạn chưa biết; Vận hành toàn cầu hóa (dịch)
Lê Nguyễn