THÚY AN -
Với xấp xỉ 21 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm 2014, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu hàng may mặc. Thế nhưng ở thị trường trong nước, các thương hiệu nội địa đang đuối sức trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, nhất là hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày càng co cụm
Một số người trong ngành cho biết, vấn đề nan giải của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc thời trang hiện nay là sự tràn lan của hàng Trung Quốc trên thị trường nội địa. Nói như ông Nguyễn Tường Vũ, Giám đốc điều hành sản xuất Công ty May Việt Thy, rằng hiện nay chỉ cần bước chân ra phố là thấy hàng Trung Quốc.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, cuộc chiến trên thị trường thời trang nội địa hiện nay chủ yếu là về giá, mà ở đó thương hiệu trong nước đang ở thế yếu. Phần lớn các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài nên đầu vào thường bị động về giá cả, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Hơn nữa, công nghệ sản xuất và chất lượng lao động trong nước còn tương đối thấp là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn về giá bán.
Một đối thủ nặng ký nữa là hàng Thái Lan. Hàng may mặc từ quốc gia này vừa có giá bán không cao hơn hàng Việt Nam là mấy, vừa được tiếng chất lượng tốt, mẫu đẹp. Cứ nhìn vào hội chợ hàng Thái Lan một năm tổ chức vài lần tại TPHCM là thấy. Hội chợ nào cũng nườm nượp người dân đi mua sắm.
Chưa hết, thương mại điện tử phát triển đang tạo thêm cầu nối cho các thương hiệu nước ngoài tràn vào Việt Nam. Trên các trang web mua bán trực tuyến lớn như zendo, zalora, những sản phẩm có giá vài trăm ngàn đồng với mẫu mã thường xuyên thay đổi, hay những đợt khuyến mãi lớn để giải phóng hàng tồn đã khiến nhiều người tiêu dùng tìm đến. Điều này đang đặt các thương hiệu thời trang trong nước trước các đối thủ cạnh tranh là những thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TPHCM, cho biết sức tiêu thụ kém khiến doanh thu của các doanh nghiệp giảm liên tục. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng cửa hàng để tiết kiệm chi phí. Một số doanh nghiệp đóng cửa, chuyển sang kinh doanh ở lĩnh vực khác. Thương hiệu thời trang Ninomax từng có hệ thống phân phối lên đến 200 cửa hàng, nay giảm xuống chỉ còn 50 cửa hàng. Còn thương hiệu Việt Thy từng phát triển mạng lưới phân phối ra khắp các tỉnh, thành, nay chỉ tập trung vào các kênh phân phối siêu thị và trung tâm thương mại. Hay thương hiệu Foci một thời đã phát triển đến 80 cửa hàng trên toàn quốc, nay gần như đã rút chân khỏi thị trường thời trang.
Áp lực gia tăng
Viễn cảnh thuế xuất nhập khẩu bằng 0 đang mở đường cho nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài vào Việt Nam khi các hiệp định thương mại và cộng đồng kinh tế chung ASEAN có hiệu lực từ cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực sẽ tiếp tục gia tăng lên các doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hiện chưa tìm ra giải pháp căn cơ, chủ yếu vẫn là thu hẹp phạm vi kinh doanh để giảm chi phí, đồng thời tung các chương trình khuyến mãi để kích thích tiêu thụ.
Theo ông Hồng, khâu thiết kế sản phẩm của các thương hiệu Việt là khá tốt, song các doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến vấn đề chất lượng nguyên liệu và giá cả để thu hút tiêu dùng. Một đại diện doanh nghiệp thời trang khá nổi tiếng cho rằng nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực để đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng với giá cạnh tranh và dịch vụ hỗ trợ tốt hơn. “Dù rất khó khăn, nhưng bằng mọi giá phải giữ được thương hiệu Việt”, vị này nói.
Theo một số doanh nghiệp, hiện họ đang phải đơn độc trong cuộc chiến với hàng ngoại, đặc biệt là hàng lậu. Họ sẽ không đủ sức nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong việc hạn chế hàng trôi nổi. Bằng không, các thương hiệu Việt Nam sẽ còn vất vả tìm chỗ đứng trên sân nhà.