Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Hàng không Trung Quốc hồi phục và vượt các hãng Mỹ

China Southern Airlines đã có lợi nhuận trở lại trong quý 3, đồng thời vượt qua hai gã khổng lồ Delta Airlines và American Airlines của Mỹ để trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới. Trong khi đó, các hãng hàng không giá rẻ ở Trung Quốc lại có kết quả kinh doanh tốt hơn các hãng truyền thống.

China Southern Airlines đạt lợi nhuận trong quý 3 và trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới từ cuối tháng 10-2020. Ảnh: Wikimedia Commons

Các nhà phân tích cho rằng các hãng Trung Quốc về tổng quát sẽ đạt lợi nhuận khả quan trong nửa cuối năm 2020, nhưng chung quy vẫn lỗ bởi những tổn thất nặng nề trong nửa đầu năm nay.

Lợi nhuận giảm 70% nhưng cả thế giới quan tâm

China Southern Airlines công bố mức lợi nhuận tối 30-10. Đây là cột mốc được cả ngành hàng không và các hãng thông tấn trên thế giới ghi nhận: Các hãng lớn trên toàn cầu đang cắn răng chịu trận khi lượng khách bay suy giảm, trong khi đó các hãng hàng không Trung Quốc đang tiến tới hồi phục dần.

Hãng hàng không có trụ sở ở Quảng Châu ghi nhận mức lợi nhuận ròng 711 triệu nhân dân tệ, khoảng 106 triệu đô la Mỹ, trong quý 3 vừa rồi, tức giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số giảm 40% còn 26,38 tỉ nhân dân tệ, nhưng các biện pháp cắt giảm chi phí bao gồm giảm tiêu thụ năng lượng và giá dầu rẻ hơn góp phần vực dậy hãng bay.

Đồng nội tệ mạnh hơn đồng đô xanh cũng giảm bớt gánh nặng cho các khoản chi lớn như máy bay và năng lượng được mua bằng đô la. Các khoản lỗ lớn trong nửa đầu năm 2020 khiến China Southern chịu mức lỗ ròng 7,46 tỉ nhân dân tệ trong chín tháng đầu năm, dù rằng hãng bay có lãi trong quý 3.

Hai hãng hàng không quốc doanh lớn khác, Air China và China Eastern Airlines, không thể đạt lợi nhuận trong quý 3. Doanh số của cả hai giảm 50%, và lỗ ròng đạt 670 triệu tệ với Air China và 563 triệu tệ đối với China Eastern. Nhưng kinh doanh của cả hai đã cải thiện nhiều sau khi Air China lỗ đến 9,43 tỉ tệ, còn China Eastern lỗ 8,54 tỉ tệ trong nửa đầu năm nay.

Sự phục hồi sớm từ đại dịch của Trung Quốc khiến chính phủ nước này cho phép thị trường hàng không nội địa hoạt động trở lại sớm hơn các nơi khác trên thế giới. Lưu lượng khách nội địa trong tháng 9 chỉ thấp hơn 2% so với năm trước – theo số liệu của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

Cả ba hãng bay chính của nhà nước đều ghi nhận mức tăng trưởng hành khách trong tháng 9, mức tăng lần đầu kể từ tháng 12-2019 khi dịch bùng phát ở Trung Quốc. Chuyên gia ngành hàng không Stanley Hui Hon-chung nói với Nikkei Asia rằng sự hồi phục đi lại hàng không ở Trung Quốc là “tuyệt vời”.

Hui từng là CEO của hãng Dragonair, sau đổi thành Cathay Dragon và bất ngờ bị hãng mẹ Cathay Pacific Airways xóa sổ hôm 21-10. Hiện ông là cố vấn cho hãng bay mới đang trong quá trình thành lập Greater Bay Airlines ở Hồng Kông. Ông cũng là thành viên độc lập trong ban giám đốc của Air China.

Sự hồi phục ở Trung Quốc tương phản hoàn toàn với tình hình trong khu vực và toàn cầu. Hiệp hội các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương (AAPA) cho biết chỉ có 1,1 triệu hành khách quốc tế bay trên các tuyến trong khu vực trong tháng 9 – tức chỉ 3,6% con số của tháng 9 năm ngoái. “Các hãng hàng không đang chật vật để tồn tại bởi lượng khách quốc tế vẫn đang giảm mạnh do các giới hạn đi lại”, Tổng Giám đốc AAPA Subhas Menon nhận định.

Bầu trời đã quang đãng?

Các hãng bay nhỏ của Trung Quốc có kết quả kinh doanh tốt hơn các hãng lớn. Spring Airlines, hãng bay giá rẻ tư nhân có trụ sở ở Thượng Hải, tối 30-10 cũng công bố mức lợi nhuận 259 triệu nhân dân tệ trong quý 3, giảm 70% so với năm trước. Doanh số giảm 37% còn 2,78 tỉ tệ, bởi Spring ít phụ thuộc vào các đường bay quốc tế hơn so với ba hãng lớn của nhà nước.

Khách trong nước cũng chọn bay hãng giá rẻ như Spring, giúp hãng vận chuyển 2,03 triệu khách trong tháng 9, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng khách trong 9 tháng đầu năm của hãng này chỉ giảm 1% so với con số năm trước.

Tương tự, hãng bay Juneyao Airlines cũng ở Thượng Hải có mức lợi nhuận 195 triệu tệ trong quý 3, giảm 70% so với năm trước. China Express Airlines, hãng bay tư đặt trụ sở ở Trùng Khánh, có quý 3 có lãi, giúp mức lãi ròng trong 9 tháng của hãng này đạt 171 triệu tệ, tức chỉ giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng bầu trời vẫn đầy mây mù khủng hoảng đối với một số hãng bay đại lục. Hainan Airlines, đang niêm yết trên sàn Thượng Hải và thuộc tập đoàn HNA Group đang cạn vốn, ghi nhận mức lỗ đến 3,8 tỉ tệ. Đây là mức lỗ lớn nhất của các hãng bay đã lên sàn ở Trung Quốc.

Hãng bay này đã không thể tận dụng được đợt bùng nổ du lịch ở đảo Hải Nam trong vài tháng qua. Không thể bay ra nước ngoài, du khách nội địa đã đổ xô về Hải Nam – nơi vẫn mở các cửa hàng miễn thuế để thu hút du khách.

Ngay cả ba hãng lớn của Trung Quốc vẫn đối diện nguy cơ lỗ ròng trong nguyên năm 2020. “Xét đến tình trạng bất định của dịch bệnh và ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch với ngành hàng không, kết quả kinh doanh của tập đoàn trong nguyên năm nay chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề”, Chủ tịch Air China Cai Jianjiang phát biểu.

Trong khi đó, Chủ tịch China Eastern Liu Shaoyong cũng nói rằng hãng bay này vẫn đang đối diện “tình hình tồi tệ chưa từng có”. Thậm chí, Chủ tịch Wang Changshun của China Southern vẫn cảnh báo rằng “hoạt động của toàn tập đoàn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay” dù rằng hãng này đã có lãi trong quý 3.

Kỳ nghỉ vàng 8 ngày vào đầu tháng 10 vừa rồi có thể giúp ngành hàng không và lữ hành Trung Quốc đạt lợi nhuận lớn hơn trong quý cuối 2020. Ảnh: Reuters
Trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới

Hồi tháng 1 năm nay, OAG dự báo thị trường hàng không Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành lớn nhất toàn cầu vào năm 2024. Toàn ngành thì chưa, nhưng đơn lẻ thì China Southern đã làm được.

Số liệu của hãng dữ liệu hàng không OAG ở Anh công bố cuối tháng 10 cho thấy: Tính đến ngày 26-10, China Southern đã nỗ lực đưa năng lực vận chuyển về như mức trước dịch Covid-19 với số chỗ định kỳ là 2.580.529 – chỉ thấp hơn 10% con số trước dịch 2.877.703.

Các hãng bay lớn của Trung Quốc như Air China và China Eastern Airlines cũng hồi phục gần mức năng lực trước khi dịch bùng phát. Trong khi đó, các hãng hàng không toàn cầu vẫn duy trì năng lực thấp do các đợt phong tỏa và làn sóng bùng phát lần thứ hai ở nhiều nước.

Dữ liệu của OAG ghi nhận năng lực của các hãng lớn trên toàn cầu giảm 50% so với hồi tháng 1-2020. Gã khổng lồ American Airlines giảm từ 4,8 triệu chỗ trong tháng 1 xuống còn 2,4 triệu chỗ trong tuần lễ cuối tháng 10. Các số liệu mới như cú sốc bởi các hãng hàng không Mỹ luôn giữ vị trí dẫn đầu kể từ khi ngành công nghiệp hàng không xuất hiện.

Trang EurAsian Times bình luận: “Cay đắng nhất là chỉ một tuần trước đó, hãng hàng không Delta Airlines vẫn làm lễ ăn mừng trở thành hãng lớn nhất thế giới. Nhưng sau ngày 26-10, Delta bị đẩy xuống hạng ba, xếp sau China Southern và American Airlines”. Tình hình sắp tới sẽ còn tệ hơn khi OAG dự báo các hãng bay lớn sẽ chỉ duy trì cao nhất 30% năng lực trong mùa đông.

Trong bối cảnh đó, China Southern và các hãng hàng không lớn của Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm giữ ngôi đầu bảng của hàng không thế giới. Wu Guoxiang, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế và thương nghiệp của China Southern, khẳng định với South China Morning Post rằng: “Chúng tôi sẽ là hãng lớn nhất thế giới trong 3-5 năm tới. Chúng tôi cần khả năng linh hoạt để điều hành hãng bay theo phương hướng của mình”.

Tuy vậy, chuyên trang hàng không Simple Flying dẫn lời các nhà phân tích rằng China Southern chỉ tiếp tục duy trì vị trí của mình trong vài tháng cho đến khi các hãng bay Mỹ hồi phục. Và tình hình tùy thuộc vào số ca nhiễm và các đợt bùng phát mới.

“Với các ca tái nhiễm mới ở Trung Quốc cũng như các nước khác và tình hình các nước mở rộng hay kéo dài phong tỏa, chúng ta vẫn phải chờ đợi để đánh giá rằng các hãng bay Trung Quốc có thể duy trì đà hồi phục và tăng trưởng chỉ dựa vào thị trường nội địa hay không”, nhà phân tích Anindya Biswas của hãng nghiên cứu GlobalData nhận định.

Ricky Hồ

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đề xuất đầu tư đường băng số 2 và san nền...

0
(SGTT) -  Đường băng số 2 có giá trị đầu tư hơn 3.455 tỉ đồng do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn...

Giá vé máy bay trong nước giảm mạnh

0
(SGTT) - Sau thời gian cao điểm mùa Hè, giá vé máy bay trong nước đã có sự điều chỉnh giảm nhẹ, dao động...

ACV muốn sớm xây dựng đường băng số 2 của sân...

0
(SGTT) - Theo chủ đầu tư ACV, với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, việc có hai đường băng...

Thiếu máy bay mới làm chậm lộ trình Net-Zero của ngành...

0
(SGTT) - Các vấn đề dai dẳng gồm thiếu máy bay, gián đoạn chuỗi cung ứng, áp lực khử carbon sẽ là tâm điểm...

Dù tăng chuyến nhưng vé máy bay Tết vẫn khan hiếm,...

0
(SGTT) - Dù các hãng bay đã tăng ghế cung ứng, tăng cường bay đêm nhưng giá vé Tết Nguyên đán 2024 vẫn ở...

Hàng không tiếp tục tăng hơn 66.200 ghế phục vụ cao...

0
(SGTT) - Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO tiếp tục tăng hơn 66.200 ghế, tương đương hơn 310 chuyến bay...

Kết nối