Chậm nhất là đến tháng 12-2014, tất cả các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường sẽ gắn tem nhãn có biểu trưng (logo) của chương trình trên các bao bì, sản phẩm của mình.
Tạo an tâm cho người tiêu dùng
Theo số liệu từ Sở Công Thương TPHCM, tính đến hết tháng 7 vừa qua, toàn thành phố có 8.479 điểm bán hàng bình ổn. Trong đó, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (gồm lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) có doanh thu đạt 3.487,1 tỉ đồng tăng 9,24% so cùng kỳ năm trước.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sử dụng biểu trưng chương trình bình ổn của TPHCM vào sáng 28-8, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết sẽ áp dụng dán tem nhãn cho hàng bình ổn thị trường. Việc gắn tem nhãn có biểu trưng của chương trình sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt sản phẩm nào thuộc diện bình ổn.
Theo bà Đào, chỉ doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn mới được sử dụng biểu trưng này. “Để tránh tình trạng làm giả, làm nhái hay sử dụng không đúng mục đích của tem nhãn có biểu trưng bình ổn thị trường, Sở Công Thương TPHCM đã thành lập bốn tổ kiểm tra, thường xuyên đi kiểm tra. Song song đó, doanh nghiệp cũng nâng cao ý thức tự kiểm tra, kiểm soát”, bà Đào nói.
Ông Phan Văn Thuận, Phó tổng giám đốc, Trưởng chi nhánh miền Nam Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, cho biết thực tế chi phí của việc gắn tem nhãn có biểu trưng bình ổn trên các bao bì, sản phẩm không nhiều, nên cũng không ảnh hưởng gì đến lợi nhuận của công ty. “Quan trọng hơn, việc tham gia chương trình bình ổn thị trường nói chung, việc gắn tem nhãn có biểu trưng nói riêng khiến doanh nghiệp có ý thức hơn đối với người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng, giá cả sản phẩm. Việc làm đó cũng khiến người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng sản phẩm của công ty”, ông Thuận cho biết.
Giá thấp hơn thị trường 5-15%
Về giá cả các mặt hàng bình ổn, bà Lê Ngọc Đào cũng cho hay, sau khi triển khai, giá bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm và mặt hàng dược phẩm trong chương trình bình ổn thị trường thấp hơn giá thị trường ít nhất 5-10%, các mặt hàng mùa khai trường thấp hơn giá thị trường ít nhất 10-15%. Các mặt hàng sữa thì doanh nghiệp đã kê khai giá và bán đúng giá quy định do Bộ và Sở Tài chính phê duyệt.
Theo Sở Công Thương TPHCM, năm nay có 76 doanh nghiệp tham giam chương trình bình ổn thị trường, tăng 12 doanh nghiệp so với năm 2013. Trong đó, có 68 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (37 doanh nghiệp lương thực thực phẩm, 15 doanh nghiệp sản xuất dụng cụ học tập, 4 doanh nghiệp sữa và 12 doanh nghiệp dược phẩm) và 8 tổ chức tín dụng (Sacombank, Eximbank, MBBank, DongABank, HDBank, Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt, BIDV chi nhánh Bến Thành, Vietinbank chi nhánh 7). Đây cũng là năm đầu tiên thành phố đưa vào sử dụng biểu trưng chương trình bình ổn thị trường và không sử dụng nguồn vốn ngân sách. “Đến nay, có 68/68 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều đã đăng ký sử dụng logo trên băng rôn, bảng chỉ dẫn, bảng niêm yết giá tại các điểm bán bình ổn thị trường”, một đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết.
Cũng theo Sở Công Thương TPHCM, dựa vào xu hướng thị hiếu người tiêu dùng và khả năng cung ứng của doanh nghiệp, Sở đã xây dựng sản lượng hàng hóa chương trình bình ổn năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015, dự kiến đáp ứng 25-70% nhu cầu thị trường.
Vũ Yến