(SGTT) - Với việc mở ra các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Dao đỏ, Hà Giang kỳ vọng ngành nghề này sẽ được gìn giữ, phát triển cũng như cải thiện kinh tế cho người dân.
- Du lịch Hà Giang sẽ được số hóa
- Công nhận 3 điểm du lịch mới của Hà Giang
- Ngắm Hà Giang bốn mùa tươi đẹp qua ống kính nhiếp ảnh gia
Mới đây, huyện Hoàng Su Phì đã mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Dao đỏ nhằm bảo tồn nghề thêu truyền thống, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số và giúp người dân có thêm thu nhập.
Qua tìm hiểu, huyện Hoàng Su Phì không chỉ thu hút du khách trong nước và cả nước ngoài bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của những thửa ruộng bậc thang mà vùng đất này còn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống như người Nùng, Dao, Mông… Và trong đó, nghề trồng bông dệt vải, thêu thổ cẩm là điểm nhấn văn hóa của nhiều dân tộc.
Cụ thể, đối với người Dao đỏ, nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa, truyền thống nhưng nó đang ngày bị mai một bởi sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc. Chính vì thế, cuối năm vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang và UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn thêu, dệt thổ cẩm của người Dao đỏ gắn với việc phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch.
Chia sẻ trên TTXVN, ông Triệu Vàn Khuân, Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, cho biết đồng bào người dân tộc Dao chiếm 67% dân số trong xã. Tuy nhiên, do tác động của đời sống hiện đại, thói quen sinh hoạt mà có thời gian người Dao chủ yếu mặc quần áo phổ thông. Qua đó, nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống cũng bị ảnh hưởng.
"Với sự quan tâm của Nhà nước với các dự án, mô hình về ngành nghề này mà hiện nay dệt thổ cẩm của đồng bào đã được khôi phục, nhiều người Dao đã mặc trang phục của dân tộc mình thay vì là quần áo công nghiệp", ông Khuân cho biết thêm.
Được biết, trước đây, các bà, các chị trong xã chủ yếu thêu, dệt ở nhà. Từ khi có nhà văn hóa cộng đồng, những người phụ nữ trong xã tập trung ra đây để làm. Do đó, hoạt động truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm cũng thuận lợi hơn. Chưa kể, sản phẩm thủ công được trưng bày, giới thiệu tại nhà cộng đồng, du khách đến cũng dễ tìm thấy. Tại đây, hàng trăm lượt học viên là người dân tộc Dao đỏ trên địa bàn xã Thông Nguyên đã được truyền dạy nghề.
Như vậy, với việc mở các lớp dạy truyền nghề dệt thổ cẩm, Hà Giang không chỉ bảo tồn được nét đẹp văn hóa này mà còn cải thiện kinh tế cho người dân tộc thiểu số.
Trước đó, tỉnh Lai Châu cũng đã có những chương trình, kế hoạch để vận động người dân tộc Lự (một trong 16 dân tộc ít người ở Việt Nam với dân số dưới 10.000 người) bảo tồn và phát triển ngành nghề dệt thổ cẩm của mình.
Với điều kiện khí hậu đặc trưng, Hoàng Su Phì (Hà Giang) có cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, những thửa ruộng bậc thang hay nhiều di tích, di sản được xếp hạng cấp quốc gia.
Phúc An tổng hợp