T.THU -
Thu nhập không ổn định, cũng như không có lương chuyển hàng tháng vào tài khoản cá nhân, lại hay có nhu cầu đột xuất về sử dụng tiền, nên mỗi khi có khoản thu nhập nào không cần dùng đến ngay, chị Trang (quận 5, TPHCM) đều nhờ chồng gửi tài khoản thẻ. Đây là cách tiết kiệm của chị.
Với cách làm trên, tài khoản chỉ là một nơi giữ tiền cho chị Trang vì mức lãi suất gần như không có. Hiện lãi suất không kỳ hạn hiện được hầu hết các ngân hàng áp dụng ở mức 0,3-0,5%/năm, riêng Ngân hàng Xây Dựng đang áp dụng lãi suất cao hơn, là 1%/năm. Theo tư vấn của một số nhân viên ngân hàng, với trường hợp trên, cách tốt nhất là khách hàng nên tùy theo tình hình thu nhập và chi tiêu để chọn kỳ hạn có lợi nhất. Bởi lẽ, chỉ cần rút trước hạn, dù chỉ trước có một ngày, khách hàng sẽ chịu lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
Hiện ở hầu hết các ngân hàng đều cho phép khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn thấp nhất là 7-14 ngày với lãi suất 1%/năm. Với kỳ hạn tiền gửi dài hơn một chút, tức kỳ hạn một tháng, lãi suất được các ngân hàng đưa ra có mức 4-5,4%/năm, tùy từng ngân hàng. Trong đó, với lãi suất cho tiền gửi kỳ hạn một tháng, Ngân hàng Xây Dựng (CB) đang có lãi suất là 5,4%/năm.
Ngoài ra, về tình hình lãi suất tiền gửi, từ đầu tháng 11-2015 đến nay, nhiều ngân hàng lần lượt tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng) lên 0,2-0,8%. Cụ thể, Sacombank tăng lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thêm 0,2-0,3% so với trước. Theo đó, hiện lãi suất tiền gửi 1-2 tháng của ngân hàng này là 4,8%/năm, các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng lần lượt là 5,2%, 5,25% và 5,3%/năm.
Vào khoảng giữa tháng 12-2015, BIDV cũng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng, với mức tăng khá cao, 0,5-0,8%. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng được ngân hàng này tăng từ 4%/năm lên 4,8%/năm, lãi suất với tiền gửi kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,7%/năm lên 5%/năm.
Một số ngân hàng khác như Vietinbank, VPBank, Saigonbank cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Từ đầu tháng 11-2015, Vietinbank cũng tăng nhẹ lãi suất huy động 0,2%-0,5%. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng được tăng từ 4,5%/năm lên 4,8%/năm, kỳ hạn 2-3 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 5%/năm...
Theo tư vấn của ngân hàng, giả sử sau khi xác định tình hình thu nhập và chi tiêu, khách hàng quyết định chọn kỳ hạn tiết kiệm một tháng thì đến lần nộp tiền sau, khách hàng nên đợi đến khi hết kỳ hạn một tháng rồi hẳn gửi thêm tiền vào. Bởi lẽ khi ấy, ngân hàng chỉ cần ghi chú thêm số tiền mới gửi sau vào sổ tiết kiệm cũ, thay vì phải làm một sổ mới. Nếu không, khách hàng sẽ có nhiều sổ tiết kiệm và khó quản lý.