(SGTT) - Cuộc chiến giành thị phần Đông Nam Á giữa Grab và Go-Jek chưa chấm dứt thì Grab đang tiến gần hơn với vai trò mới trong mảng công nghệ tài chính - fintech.
Mới đây, tờ Reuters (Anh) đưa tin Grab đang xúc tiến xin giấy phép hoạt động ngân hàng số tại Singapore. Nếu mọi chuyện thuận lợi, Grab sẽ là một trong số hai hoặc ba ngân hàng số đầu tiên tại quốc đảo sư tử. Liệu các tổ chức tín dụng truyền thống sẽ ứng xử như thế nào trước một ứng dụng gọi xe thống lĩnh thị trường được chắp thêm đôi cánh mới là mảng tài chính?
Từ chạy xe ôm đến buôn vốn
Hồi tháng 5 vừa qua, Cơ quan tiền tệ Singapore (Monetary Authority của Singapore -MAS) cho biết đang nghiên cứu khả năng cho phép các công ty không phải ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực chỉ ngân hàng số. Hoạt động này chỉ cung cấp trực tuyến các sản phẩm là tài khoản tiết kiệm, cho vay cá nhân và bảo hiểm du lịch. Trước đó không lâu, tại thị trường Hồng Kông, hàng loạt những tên tuổi quen thuộc đã được cấp giấy phép thí điểm tương tự, chẳng hạn như Ant Financial của Alibaba hay Xiaomi.
Có thể xem đây là một trong những bước đi quan trọng trong tham vọng trở thành “siêu ứng dụng” của Grab tại thị trường khu vực, không chỉ đơn thuần là ứng dụng đặt xe nữa.
Bản báo cáo về nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Temasek – Google vào cuối năm ngoái nhận định việc phát triển các dịch vụ tài chính sẽ là trọng tâm tiếp theo, sau lĩnh vực đặt xe và giao thức ăn của Grab hay Go-Jek.
Tại thị trường Đông Nam Á, Go-Jek và Grab đã bắt đầu cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến, gọi là GoPay và GrabPay, được khách hàng đón nhận do thuận lợi và đặc biệt là vì kèm theo khuyến mãi tưng bừng. Năm ngoái, Grab đã bắt tay với công ty Credit Saison (Nhật Bản) để bắt đầu thử nghiệm cung cấp các khoản vay tài chính tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á. Khi khách hàng dần quen với ví điện tử, Grab gần đây nhảy vào khâu thanh toán hóa đơn với những chương trình khuyến mãi lớn để hút khách hàng, như cách chơi quen thuộc từ trước đến nay.
Cũ lẫn mới đều mở rộng hệ sinh thái
Thống kê cho thấy đa phần các công ty công nghệ tài chính (fintech)hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Mặc dù khâu thanh toán khá hấp dẫn trong thời điểm này, nhưng lĩnh vực hái ra tiền lại là các sản phẩm tài chính cá nhân, như vay tiêu dùng, bảo hiểm hay quản lý tài sản, vì mang lại tỉ suất lợi nhuận cao hơn.
Một ví dụ điển hình là Ant Financial, công ty con của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) được định giá lên đến 150 tỉ đô la Mỹ. Mảng kinh doanh nổi tiếng nhất của Ant là Alipay, ứng dụng thanh toán phổ biến ở Trung Quốc. Các mảng kinh doanh có tỉ suất lợi nhuận cao hơn là cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ, quản lý tài sản và các dịch vụ đầu tư khác. Theo ước tính của ngân hàng Barclays (Anh) được Reuters dẫn lại, doanh thu của Alipay chiếm khoảng 55% trong tổng doanh thu 8,9 tỉ đô la Mỹ của Ant.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty tài chính và các ngân hàng với các “hệ sinh thái” từ ứng dụng gọi xe tiếp tục là thách thức trong tương lai, bởi ứng dụng gọi xe không chỉ có các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp (như chuyển tiền, cho vay, sản phẩm đầu tư, bảo hiểm…) mà còn có lợi thế khác về dữ liệu và chi phí.
Trong thời gian qua, các ứng dụng gọi xe vẫn ở trong cuộc đua “thu thập” dữ liệu người sử dụng, không chỉ là dữ liệu hồ sơ đăng ký, mà còn là thói quen đi lại, ăn uống, tiêu xài, để rồi sau đó là sự kết nối mở rộng các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm để phục vụ cho “cộng đồng” này. Các “hệ sinh thái” này nắm dữ liệu giao dịch của khách hàng, bắt đầu chấm điểm tín dụng, thống kê và phân tích, đưa ra các khoản vay phù hợp với quy mô tiếp cận lớn và chi phí thấp hơn là các mô hình cho vay truyền thống. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, nếu Grab tham gia cho vay tiêu dùng thì sẽ trở thành một đối thủ cực kỳ khó chịu, bởi lượng giao dịch hàng ngày quá lớn.
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Công ty Tài chính FE Credit, từng cho biết đã ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn và trí thông minh nhận tạo vào phân tích dữ liệu hành vi khách hàng, nhưng điều này là chưa đủ. Sự hợp tác với GoBear, một trung gian giới thiệu sản phẩm tài chính với FE Credit có thể là một ví dụ cho việc các bên liên tục bắt tay để khai thác dữ liệu của nhau.
Mới đây, tại một cuộc hội thảo về ngân hàng số, ông Reet Chaudhuri, chuyên gia cao cấp mảng Thanh toán và Giao dịch, Công ty tư vấn quốc tế McKinsey (Mỹ), cho biết ngân hàng số là một mô hình kinh doanh bổ trợ cho ngân hàng truyền thống, nếu các nhà băng muốn mở rộng dữ liệu khách hàng. Các ngân hàng sẽ phải thay đổi dần theo hướng tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ tài chính truyền thống.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả các bên trong thời gian tới sẽ phải mở rộng hệ sinh thái của mình. Thị trường tài chính cá nhân tại Đông Nam Á do đó sẽ còn xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới, nhưng cũng sẽ xuất hiện thêm nhiều thương vụ mua bán sáp nhập giữa các bên với nhau. Trong bối cảnh bấy giờ, cơ quan quản lý các nước như Singapore, Malaysia và ngay cả Việt Nam có lẽ cũng nên tính toán đến việc sẽ ứng xử như thế nào với Grab – một ứng dụng gọi xe muốn hoạt động tài chính.
Dũng Nguyễn