(SGTT) – Thác J’rai Tang, Vực Phun, thác Cây Đu hay thác H’ly là những dòng thác đẹp, còn khá hoang sơ mà du khách có thể ghé thăm khi đến Phú Yên.
- Mùa thu hoạch cói tại làng nghề dệt chiếu hơn 100 năm ở Phú Yên
- Đi thuyền thúng khám phá hòn đảo có ngàn cột đá bazan ở Phú Yên
- Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ hơn 300 năm ở Phú Yên
Thác J’rai Tang
Theo trang TTĐT huyện Sông Hinh, thác J'rai Tang có chiều dài trên 1.500m, chiều rộng trung bình 400m. Dưới lòng thác có nhiều khối đá chồng lên nhau, có nơi bằng phẳng, rộng từ 3 – 5m², được dòng chảy bào mòn qua năm tháng.
Vì độ cao không chênh lệch lớn và có nhiều núi nên khi dòng nước đổ xuống uốn lượn tạo ra nhiều thác nhỏ, phía dưới thác là hồ nước sâu và rộng.
Thác H'Ly
Thác H’Ly nằm cạnh quốc lộ 19C, thuộc địa bàn xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, cách trung tâm thị trấn Hai Riêng khoảng 21km. Khu vực chính của thác có chiều cao khoảng 10m, phần phía trên thác tương đối bằng phẳng nên khi vào mùa mưa, lượng nước chảy trên suối lớn từ độ cao cả chục mét, tung bọt trắng xóa.
Vực Phun
Nằm tại xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, Vực Phun là điểm đến còn hoang sơ, chưa nhiều người biết đến.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Phú Yên, những dòng suối từ đèo Cả tạo thành hợp lưu của sông Bánh Lái, từ đây, dòng nước "trườn" qua lớp đá granite, rồi đổ xuống tạo thành một vực sâu hoắm mà dân địa phương gọi là Vực Phun. Một số người còn gọi đây là “Vực Tròn”, vì hình dáng hốc đá dưới chân thác như một giếng tròn.
Vực Hòm
Thác Vực Hòm tọa lạc tại xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Điều đặc biệt ở thác Vực Hòm chính là kết cấu địa chất độc đáo. Theo đó, đá ở thác Vực Hòm có cấu trúc mạch dọc, tạo thành những khối thẳng đứng, có đôi chỗ đứt gãy, lõm vào như hang động, khá giống với mạch đá ở danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa.
Vực Song
Thác Vực Song không cao, chỉ khoảng 10 mét, nhưng vách thác dựng đứng gồm những trụ đá bazan ken sát vào nhau cũng giống kết cấu đá ở Gành Đá Đĩa – một danh thắng nổi tiếng. Nếu Gành Đá Dĩa có những hòn đá hình lục giác xếp chồng lên nhau, thì đá ở Vực Song lại là những thanh thẳng đứng được xếp cạnh nhau đều tăm tắp.
Thác Cây Đu
Nằm trong khu rừng xanh tươi ở xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, thác Cây Đu là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên hoang sơ.
Theo phòng Văn hóa, Thông tin thị xã Sông Cầu, thác Cây Đu cao khoảng 20 mét, với dòng nước chảy qua những tảng đá lớn tạo thành những dòng suối nhỏ. Thời gian tốt nhất để ghé thăm Thác Cây Đu là từ tháng 1 đến tháng 4, khi thời tiết có nắng đẹp, dòng thác trong xanh.
1. “Thác J’rai Tang có chiều dài trên 1.500m, chiều rộng trung bình 400m”
Nói đến một ngọn thác thì hai yếu tố quan trọng nhất là chiều cao và bề rộng của thác nước. Ở cái thác J’rai Tang này thông tin lại thiếu yếu tố quan trong nhất là chiều cao, dù chỉ là con số ước chừng? Một con thác dù rộng đến thế nào mà chiều cao hạn chế, thậm chí chiều rộng vượt trội rất nhiều với chiều cao (từ đỉnh thác đến đáy thác) thì chỉ đáng gọi là “ghềnh”.
Còn … chiều dài của thác trong bài thì nói về điều gì? Như đã nói, yếu tố quyết định nhất của một thác nước là chiều cao – chênh lệc độ cao giữa đỉnh thác và đáy thác. Chiều dài của thác chẳng nói lên điều gì. 1.500m ấy là đoạn trên đỉnh thác? Nó bằng phẳng hay nó dốc nghiêng? Nếu nó bằng phẳng thì có nghĩa lý gì với ngọn thác, vì cả 1.500m ấy căn bản giống điểm đỉnh thác mà thôi. Còn nếu 1.500m ấy mà dốc, thì chênh lệc cao độ của điểm đầu và điểm cuối là bao nhiêu? Một “ngọn thác” mà đỉnh thác cách đáy thác tới 1.500m chiều dài, thì dù chênh lệc độ cao tới vài trăm mét cũng khó lòng gọi là thác, may ra có một vài điểm có thể gọi là thác nhỏ.
2. “Một số người còn gọi đây (Vực Phun) là Vực Tròn”
Vực Phun là Vực Phun, Vực Tròn là Vực Tròn. Đây là hai thác nước khác nhau trên một dòng sông, giống như thác Vực Song và thác Vực Hòm vậy.
Báo lại nói là “một số người”? Một số người đó là những ai? Ở đâu mà nói vậy? Người địa phương cũng có thể không biết, vì cả Vực Tròn và Vực Phun đều ở nơi hẻo lánh.