QUANG CHUNG -
Sau sáu năm thí điểm tại TPHCM và một số tỉnh, thành, Quốc hội đã ra nghị quyết cho phép chế định Thừa phát lại được chính thức thực hiện trên phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-2016. Với nhiều người, cái tên thừa phát lại nghe lạ tai, thậm chí cũng chẳng biết nó thực hiện công việc gì trong cuộc sống.
Gửi giấy mời
Một văn phòng thừa phát lại ngay góc đường Nguyễn Hữu Cảnh-Phạm Viết Chánh, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
Ông Hoàng Đức Hoài, Thư ký Thừa phát lại quận Thủ Đức, kể có trường hợp bà A. có căn nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM cho một bà tên B. thuê lại. Đến tháng, bà B. không trả tiền nhà nên bị bà A. đuổi ra khỏi nhà. Bà B. làm đơn kiện chủ nhà ra tòa. Tòa ra giấy triệu tập bà A. thông qua Thừa phát lại.
Ông Hoài cho biết lúc ông thực hiện nhiệm vụ tống đạt (gửi giấy triệu tập), bà A. nổi đóa: “Thuê nhà tôi không trả tiền thì tôi đuổi ra khỏi nhà, chứ kiện tụng gì. Tôi có sai đâu mà tống đạt, mà triệu tập tôi?”. Để hạ hỏa cho đương sự, ông Hoài áp dụng nguyên tắc đương sự luôn luôn đúng, nói rằng bà làm như vậy là không trái quy định pháp luật, rằng giấy mời có tên là giấy triệu tập nghe nặng nề nhưng vì luật quy định như thế… Còn biên bản tống đạt nghe thấy ghê vậy chứ thực ra chỉ là việc giao nhận giấy tờ thôi!
Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện ông Hoài kể khi nói về công việc của thừa phát lại. Trước đây, thư ký tòa án, chuyên viên ở cơ quan thi hành án dân sự, thậm chí cả thẩm phán, chấp hành viên thường phải tự mình đi tống đạt giấy triệu tập, thư mời. Nay có thừa phát lại làm công việc này, tòa án và cơ quan thi hành án có thời gian và nhân lực để tập trung hơn vào công tác chuyên môn chính là xét xử và thi hành án.
[box] Thừa phát lại là một chế định hỗ trợ tư pháp (mới) nằm trong chủ trương xã hội hóa một số hoạt động trong công tác thi hành án dân sự. Các văn phòng thừa phát lại là một tổ chức ngoài Nhà nước nhưng các thừa phát lại được phép thực hiện một số công việc mang tích chất thực thi quyền lực Nhà nước. Cụ thể, các công việc đó là: (i) tống đạt văn bản giấy tờ theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án; (ii) lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác; (iii) xác minh điều kiện thi hành án; và (iv) trực tiếp tổ chức thi hành các bản án dân sự.[/box]
... và làm chứng
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ tống đạt, một công việc nữa của thừa phát lại là lập vi bằng – một tài liệu bằng văn bản, có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong đó, thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
Trong cuộc sống, một người có thể làm chứng cho một giao dịch hay một sự việc cụ thể nào đó. Nếu không may giao dịch phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp mời người đó mô tả lại những việc đã chứng kiến. Tuy nhiên, lời làm chứng về hành vi, sự kiện giao dịch đó đúng hay không phải kiểm tra lại. Còn thừa phát lại, khi đã lập vi bằng thì vi bằng về hành vi, sự kiện đó đương nhiên có giá trị chứng cứ theo luật định.
Ông Hoài kể, cuối tháng 8 vừa qua, đại diện một ngân hàng thương mại lớn tại TPHCM đã tìm đến Văn phòng Thừa phát lại quận Thủ Đức. Số là ngân hàng này có nhận thế chấp một số bồn dầu của một công ty để cho vay hơn 13 tỉ đồng. Trước khi nhận thế chấp, ngân hàng đã mời bên trung tâm kiểm định đến kiểm định số lượng và chất lượng dầu. Số bồn dầu được niêm phong lưu tại một kho hàng ở Thủ Đức.
Tuy nhiên, gần đây, khi kiểm tra đột xuất tài sản thế chấp thì ngân hàng phát hiện dấu niêm phong trên bồn dầu không còn nguyên vẹn. Nghi ngờ đã có người thực hiện hành vi rút bớt dầu nên ngân hàng lên phương án nhờ bên kiểm định đến để đo lại số lượng và kiểm tra chất lượng dầu. Thế là ngân hàng đã nhờ Thừa phát lại quận Thủ Đức lập vi bằng làm bằng chứng (có bên thế chấp chứng kiến).
Vị thư ký này giải thích, khi có thừa phát lại tư vấn về quy trình thực hiện công việc cũng như lập vi bằng cho quá trình đó, ngân hàng đã tránh được các rủi ro pháp lý cũng như việc bị bên công ty thế chấp khởi kiện vì việc thanh lý tài sản thế chấp không đúng quy định pháp luật. Việc nhờ văn phòng thừa phát lại lập vi bằng để có chứng cứ chứng minh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình là cần thiết.
Thực ra, không chỉ doanh nghiệp, một số người dân cũng đã tìm đến các văn phòng thừa phát lại khi “đụng chuyện” để bảo vệ quyền lợi của mình. Ông Hoài kể, có trường hợp gia đình bà C. xây bảy phòng trọ để cho thuê. Chưa kịp cho thuê thì nhà kế bên cũng xây mới làm nứt hết ba trong số bảy phòng trọ. Chủ thầu là ông H. và nhà kế bên đã nhiều lần thương lượng việc ký quỹ 100 triệu đồng để bồi thường tiền sửa chữa nhà cho bà C. nhưng không thành vì hai bên thiếu lòng tin lẫn nhau. Bên này e ngại bên kia bội ước sẽ gây thiệt hại cho mình, khiến công trình đình trệ.
Khi thừa phát lại đến lập vi bằng ghi nhận hiện trạng để công trình được tiếp tục thi công đã tư vấn cho ông H. và nhà kế bên thương lượng với bà C. để lập một biên bản thỏa thuận về việc bồi thường, đồng thời nhờ một bên thứ ba giữ tiền ký quỹ, cùng các điều kiện để rút tiền ra. Nhờ đó, các bên đã lập xong thỏa thuận, bà C. đã rút đơn tranh chấp, bên thi công tiếp tục xây dựng công trình, mâu thuẫn giữa hai nhà hàng xóm được giải quyết.
Theo Sở Tư pháp TPHCM, thừa phát lại đã tác động tích cực đến nhận thức của xã hội; đã xuất hiện thêm nhu cầu từ phía người dân, doanh nghiệp và thậm chí từ các cơ quan hành chính trong việc tống đạt các văn bản, thông báo mang tính chất dân sự (thông báo đòi tiền, thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng…); hoặc mang tính chất hành chính (thông báo của cơ quan nhà nước trong việc thu hồi đất, đền bù giải tỏa…).
Ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TPHCM – nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đầu tiên cả nước và hiện có 11 văn phòng thừa phát lại – cho rằng việc giao cho thừa phát lại thực hiện các công việc về tống đạt giấy tờ, tài liệu, xác minh điều kiện thi hành án, lập vi bằng và trực tiếp tổ chức thi hành án là đã góp phần giảm tải một số lượng lớn công việc của cơ quan tòa án cũng như cơ quan thi hành án dân sự.