Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Giao lưu trực tuyến: Tăng cường đề kháng mùa dịch

(SGTTO) - Ở kỳ trước, Sài Gòn Tiếp Thị thông qua tư vấn của bác sĩ đã giúp độc giả phân biệt các triệu chứng của Covid-19 với dị ứng và cảm cúm thông thường. Qua kỳ tư vấn trực tuyến này, chúng tôi muốn gửi đến độc giả thông điệp về việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân bởi lẽ, dịch bệnh Covid-19 có nhiều điều tương đồng với dị ứng và cảm cúm thông thường. Biểu hiện bệnh còn nhiều điều mà khoa học chưa lý giải được hết.

Tiếp nối mục tiêu này, Sài Gòn Tiếp Thị (thuộc Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn) với sự đồng hành của nhánh Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dung (Công ty TNHH Bayer Việt Nam) tổ chức chuỗi giao lưu trực tuyến về sức khỏe dành cho đông đảo bạn đọc quan tâm với chủ đề: “Tăng cường đề kháng mùa dịch”, nằm trong chuỗi tư vấn trực tuyến “Bảo vệ sức khỏe toàn diện”.

Tham gia tư vấn hôm nay (17-9) là Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM).

Ngay từ bây giờ, mời bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi cho chương trình qua email: toasoan@sgtiepthi.vn, số điện thoại 028 3821 4312 và hộp thư của Fanpage Sài Gòn Tiếp Thị.

Trước buổi giao lưu này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhỏ trong clip dưới đây, về ý thức nâng cao sức khỏe bản thân. Đôi khi, vì bận rộn hoặc ỷ lại vào tuổi trẻ mà mọi người chưa quan tâm chăm sóc sức khỏe của mình. Ngược lại, có những người luôn để ý đến việc xây dựng một hệ miễn dịch vững mạnh từ đó có sức khỏe tốt.

Chuyên đề “Tự chăm sóc sức khỏe vì tương lai khỏe mạnh” ra đời trong thời điểm sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân toàn thế giới. Đây là thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, vắc xin phòng bệnh Covid-19 chưa được phổ biến. Hơn lúc nào hết, tự chăm sóc sức khỏe sẽ là chìa khóa giúp con người vượt qua dịch bệnh. Xa hơn nữa, tự chăm sóc sức khỏe giúp chúng ta hạn chế nguy cơ mắc bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cùng tuổi thọ.

Tự chăm sóc sức khỏe cũng là phương pháp giúp thế giới đạt được mục tiêu số 3 trong số các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc: “Sức khỏe & Có cuộc sống tốt” (Good Health & Well-being).

Tự chăm sóc sức khỏe là việc nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng nghiêm túc thực hiện. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Tự chăm sóc Sức khỏe (Self-care) là khả năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, duy trì sức khỏe và ứng phó với bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể dù có hoặc không có sự hỗ trợ của dịch vụ y tế.

Những yếu tố làm giảm hấp thu hoặc làm tăng nhu cầu dinh dưỡng của chúng ta.

Để tự chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần ăn uống lành mạnh, tập thể dục và tiếp cận những dịch vụ y tế và nguồn cấp thuốc phù hợp là chìa khóa quan trọng trong việc tự chăm sóc sức khỏe, qua đó giúp ngăn ngừa ốm đau, bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đó là những điều cần làm trong dài hạn chứ không phải "ngày một ngày hai". Với việc chăm sóc sức khỏe mỗi ngày, mọi người có thể cải thiện điều kiện thể chất và tinh thần của mình cũng như ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc báo SGTT về tăng cường đề khánh mùa dịch.

Một bạn đọc hỏi làm thế nào tăng cường hệ miễn dịch?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1:

Thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế thức khuya, thuốc lá, rượu bia…; Tăng cường thể dục, thể thao; Chú ý dinh dưỡng cân bằng, hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường tiêu thụ các thức ăn có tác dụng chống oxy hóa, ăn uống đầy đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là Vitamin C, D kẽm….

Thưa bác sĩ, mọi người thường hay hỏi về hệ miễn dịch và sức đề kháng, vậy hai điều này nghĩa là gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Người ta thường hiểu, đề kháng là sức kháng cự của chúng ta với một điều gì đó. Trong y khoa, đề kháng là sức kháng cự với tác nhân gây bệnh. Điều này liên hệ với hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch là khả năng bảo vệ cơ thể với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Muốn có đề kháng tốt thì miễn dịch phải tốt. Hệ miễn dịch vốn dĩ có sẵn từ mẹ truyền sang hoặc bằng dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt cũng như tập luyện thể thao.

Nguồn nước, nguồn thức ăn. Ngoài ra, về sau còn có những nghiên cứu về vai trò của các vi chất như đường, mỡ, protein và cả vitamin. Vai trò của các vi lượng kẽm, sắt, coban tuy là hàm lượng trong cơ thể khá thấp nhưng vẫn rất quan trọng.

Cuối cùng là tiêm chủng. Việc giúp chúng ta tăng sức đề kháng trước các tác nhân gây hại cho cơ thể lây lan rất nhanh. Hệ miễn dịch tiềm năng ở nhiều cơ quan như da, đường tiêu hóa, đường hô hấp, cả một hệ thống huyết học. Đó là những khái niệm giúp chúng ta hiểu thêm về sự tồn tại và phát triển của chúng ta nhờ vào hệ miễn dịch và sức đề kháng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bạn đọc hỏi: Mọi người thường uống nước chanh, nước cam để tăng cường vitamin C, tăng sức đề kháng. Vậy vai trò của Vitamin C là gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Hệ miễn dịch có sẵn trong cơ thể nhưng nếu mình không có nguồn cung cấp cơ bản như vi chất, vitamin… thì sẽ không thể tạo ra miễn dịch. Nếu mình có sẵn hệ miễn dịch tốt thì cơ thể sẽ chống lại được tác nhân gây bệnh, do đó cần tăng cường sức đề kháng.

Vai trò của vitamin C trong việc tăng cường sức đề kháng? 3 vitamin chính là vitamin C, D, A rất quan trọng trong việc tạo ra kháng thể. Do đó, người ta thường hiểu là ăn trái cây, uống nước và ăn thực phẩm có chứa vitamin C va A. Sau này, người ta đã sản xuất ra vitamin C, D, A nên tiện lợi hơn. Các thực phẩm tự nhiên rất tốt cho cơ thể song không phải ai cũng có cách tiếp cận được. Ví dụ những người có hệ tiêu hóa không thể phân hủy rau xanh để cung cấp vitamin. Bởi vậy, chúng ta có thể sử dụng các viên uống nhưng phải hợp lý.

Có rất nhiều vitamin khác để tăng cường sức đề kháng. Vitamin D và kẽm quan trọng thế nào? Ba vitamin người ta nhắc đến nhiều là D, A, C. Nhưng chỉ cần thiếu chất kẽm có thể làm cho em bé bị tiêu chảy. Kẽm là yếu tố quan trọng để tạo ra kháng thể. D không chỉ để hấp thu canxi chống còi xương, mà còn giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Mùa dịch vừa qua, tôi được nhiều người khuyên nên bổ sung thêm vitamin C từ thuốc và thức ăn để tăng cường sức đề kháng do tôi đã lớn tuổi (60 tuổi) và có bệnh lý nền. Vậy xin hỏi lời khuyên như vậy có đúng không, liều lượng và cách dùng mỗi ngày hay thế nào? (Bạn đọc Tố Hà)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đây là độ tuổi có khả năng hấp thu và chuyển hoá giảm đi nhiều, nên không phải độ tuổi này chỉ cần ăn đúng món là sẽ đủ vitamin. Chúng ta phải xem tình trạng họ hấp thu thế nào, ăn ngon miệng hay không, rồi mới tính đến chuyện bổ sung vitamin qua đường uống. Trung bình lượng cung cấp vitamin cho mỗi người là 1 gam/ngày. Người già có độ hấp thu vitamin bằng đường ăn giảm đi rất nhiều. Nếu đang bị bệnh, ăn không ngon miệng, hệ tiêu hóa kém, người lớn tuổi cần bổ sung vitamin C qua đường uống, nhưng không nên uống buổi tối vì có thể gây khó ngủ.

Mắc mưa ảnh hưởng thế nào tới sức đề kháng của cơ thể?

Tôi rất dễ mệt mỗi lần đến bệnh viện (dù chỉ khám bệnh vài phút) hoặc chỉ cần mắc mưa sơ sơ (hơi dính nước mưa một chút) thì đã mệt mỏi cả ngày như người dầm mưa. Có phải sức đề kháng của tôi yếu không? (Bạn đọc Thúy An gửi email đến tòa soạn)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Điều đó khá đúng. Cùng đi ngoài đường, cùng chế độ sinh hoạt tại sao có người bệnh có người không bệnh. Căn cơ có thể do việc sinh hoạt không hợp lý như thức khuya, không uống đủ nước. Sức đề kháng cần có độ bền và duy trì thông qua tập luyện, ăn uống đủ chất, uống đủ nước và ngủ đủ. Do đó, bạn cần coi lại sinh hoạt, thu xếp công việc để có đủ thời gian uống nước và ngủ đủ giấc cũng như chế độ ăn uống.

Nếu ăn uống không đủ chất thì cần bổ sung bằng đường uống bởi có rất nhiều sản phẩm giúp bổ sung chất. Làm tốt những điều này mà bạn vẫn dễ bệnh và hay mệt mỏi thì mới nghĩ tới việc chủng ngừa.

Nếu chúng ta không chú ý đến việc tăng cường sức đề kháng, lâu dần, sức đề kháng có thể không còn tốt như trước. Chúng ta cần chú ý đến sức khỏe và khi bệnh thì cần uống thuốc. Bệnh vặt có thể làm giảm năng suất lao động và về lâu dài, điều này không tốt cho xã hội.

Tôi đang trong quá trình giảm cân nên phải ăn kiêng. Tuy vậy, tôi cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, e rằng hệ miễn dịch bị ảnh hưởng và sẽ dễ mắc bệnh. Tôi phải làm sao thưa bác sĩ? (p.huy***@gmail.com)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Giảm cân là một quá trình, không thể nào giảm cân nhanh ngoại trừ một số trường hợp ép cân (vận động viên thi đấu…). Nếu bạn giảm cân mà thấy cơ thể mệt là đã sai phương pháp. Bạn cần điều chỉnh lại quá trình giảm cân của mình.

Hiện tại việc giảm cân có những phương pháp giúp cơ thể có cảm giác no nhưng không bổ sung năng lượng, do đó chúng ta phải tìm hiểu kỹ khi áp dụng một phương pháp nào đó. Giảm cân nhưng chúng ta phải chú ý cung cấp đủ vitamin cần thiết cho cơ thể tăng sức đề kháng, phải làm cho cho lượng năng lượng tiêu hao cao hơn lượng nạp vào cơ thể. Đôi khi người ta chỉ tính toán lượng năng lượng tiêu hao nhưng không tính đến lượng vi chất nạp vào.

Do đó, chúng ta khi quyết định điều gì liên quan dinh dưỡng như cắt đi, ăn thêm… thì phải chú ý yếu tố vi chất, nếu quên đi một thời gian cơ thể sẽ bị thiếu.

Bé nhà mình 8 tuổi. Để tăng cường sức đề kháng cho con, mỗi sáng, sau khi ăn sáng mình đều cho con uống 2 trái cam (vắt được khoảng 200ml nước). Lượng nước cam như vậy mỗi ngày là có nhiều so với tuổi của bé không ạ? (Thường bé uống không hết, nhưng mình lại sợ ít) (độc giả Anh Phương gửi tin nhắn đến Fanpage)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cho bé uống nước ép trái cây là điều cần chú ý. Em bé dưới 2 tuổi không nên uống nước ép trái cây bởi nước ép đã hết chất xơ trong xác. Nếu chúng ta cho uống nước ép, thứ nước có năng lượng cao sẽ làm bé bỏ ăn và không đủ năng lượng, không đủ chất. Với em bé 8 tuổi này, vẫn có thể uống nước ép. Chúng ta cần tính toán đến việc vận động và các thói quen sinh hoạt của bé để không bị dư năng lượng do uống nước ép. Nhớ là không uống gần bữa chính.

Con trai tôi cơ địa dị ứng, thời tiết thay đổi rất hay chảy nước mũi trong. Theo bác sĩ thì có biện pháp nào không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Một người bị dị ứng cũng giống như “trời cho” cái mà mình không thích. Chúng ta phải tìm ra tác nhân gây dị ứng, ví dụ quan sát phòng ngủ có những chất gì, như dị ứng thú nhồi bông, nệm không sạch…

Nếu trường hợp nặng thì chúng ta nên đi khám, xét nghiệm. Dị ứng cũng song hành với việc có ngày chúng ta sẽ không bị triệu chứng nào cả, do sức đề kháng tốt hơn những ngày khác.

Chúng ta phải tìm hiểu xem những lúc mệt yếu cơ thể có bị nhiều hơn không. Chúng ta phải tìm hiểu thói quen sinh hoạt của người bị dị ứng, cho họ uống đủ nước, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Nếu sáng chúng ta hay hắt hơi thì nên uống một ly nước ấm để làm ấm, sẽ xảy ra khó dị ứng hơn.

Thưa bác sĩ, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo tăng sức đề kháng cho cơ thể. Xin hỏi bác sĩ có nên dùng những sản phẩm này không? có cần phải làm những xét nhiệm gì để biết sản phẩm có phù hợp với cơ thể mình trước khi sử dụng không? (độc giả Anh Phương bình luận trên Fanpage)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thật ra, thực phẩm chức năng là một sự phát triển của khoa học giúp chúng ta cung cấp điều cơ thể thiếu. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu kĩ thực phẩm chức năng và thương hiệu của thực phẩm chức năng. Có những loại thực phẩm chức năng là kết quả của nghiên cứu kĩ lưỡng. Có những loại thực phẩm chức năng không hoàn toàn tốt.

Bên cạnh thuốc, thực phẩm chức năng có đóng góp cho việc tăng cường sức đề kháng, sử dụng trong trường hợp mắc bệnh mãn tính nên cũng có những ý nghĩa đối với cuộc sống. Hãy tìm hiểu kỹ và là một người tiêu dùng thông minh.

Bạn đọc hỏi: Tôi phải tăng cường uống các viên sủi bổ sung vitamin nên như thế nào, có bị sỏi thận không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Chúng ta phải hình dung được mức độ tan của viên sủi. Viên sủi khi hoà vào nước đã hoà tan rồi. Đây là một hình thức để hấp thu nhanh, có nhiều thành phần nhưng chủ yếu là vitamin C. Những loại này có hướng dẫn cụ thể và chúng ta cần tuân thủ liều lượng, ngoại trừ trường hợp phải bổ sung nhanh.

Tôi thường bị choáng khi đứng lên, nhức mỏi lưng và tập trung kém, dễ xao nhãng. Nhiều người nói là do tôi bị stress nhưng tôi lại nghĩ do sức đề kháng của mình kém. Vậy lý do nào mới đúng. Tôi nên bổ sung chất gì để tình trạng này thuyên giảm? (Bạn đọc Hồng Nhung)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, bạn phải coi lại huyết áp của mình, có thể bạn đã bị hạ huyết áp hoặc cơ thể không hấp thụ đủ dinh dưỡng, bị stress… Nếu bạn bị mất ngủ kéo dài, cơ thể sẽ mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc, cũng dẫn tới tập trung kém. Nếu tình trạng không nghiêm trọng, chúng ta có thể tự tìm hiểu, còn nếu thường xuyên chúng ta nên đi khám. Bạn nên tự kiểm nghiệm lại những nguyên nhân gây nhức mỏi, tập trung kém, để từ đó bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý.

Thực tế, những người làm việc văn phòng ít có thói quen uống nước, thường cố gắng làm việc cho xong mà không chú ý uống đủ nước. Do đó, chúng ta có thể đặt nước, trái cây trước mặt để dùng, từ đó góp phần tăng cường sức đề kháng.

Bác là bác sĩ nhi nhưng tôi rất mong bác tư vấn giúp tôi: chế độ ăn, uống như thế nào để tăng sức đề kháng cho người cao tuổi có tiền sử đau bao tử, tiểu đường và cao huyết áp. Vì gia đình tôi thật sự lo lắng cho bố tôi bởi ông ăn uống rất dè chừng và kiêng đủ thứ nên tôi sợ không đủ chất và sẽ thiếu đề kháng. Xin chân thành cảm ơn bác Sĩ (Độc giả Đào Bích Châu gửi tin nhắn vào Fanpage SGTT)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Tiểu đường và cao huyết áp là bệnh thường gặp với người lớn. Chúng ta cần có kế hoạch thăm khám đúng bác sĩ, tái khám và uống thuốc đúng. Không phải khi mắc bệnh, không khám bác sĩ, tự nhịn ăn mặn, không ăn mỡ, không ăn đường, tăng vận động mà giảm bệnh. Đã có nhiều trường hợp tự ăn kiêng làm thiếu muối, thiếu vi chất làm ảnh hưởng đến cơ thể. Do đó, bạn cần đi thăm khám bác sĩ để bố bạn được tư vấn về chế độ ăn uống và luyện tập.

Con trai tôi hiện đang uống sữa mỗi ngày để trị vết loét dạ dày, chỉ uống sữa chứ không ăn. Như vậy cháu có bị suy giảm hệ miễn dịch hay không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Không bao giờ sữa có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều sẽ không thể ăn uống được. Dù chúng ta có bỏ vi chất vào sữa cũng không thể đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Trong nguyên tắc chữa bệnh đau dạ dày, không có chuyện phải uống sữa thường xuyên.

Trẻ em cũng ít khó khả năng mắc bệnh dạ dày, vì vậy cần thăm khám đầy đủ để tìm ra nguyên nhân bệnh, không tự ý điều trị. Cũng có tình trạng có một số đứa trẻ thích uống sữa vì tâm lý sợ xa mẹ, ngay cả ban đêm. Vì vậy chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định áp dụng phương pháp điều trị bệnh cho trẻ.

Một số người có thói quen uống thuốc trước bữa ăn, có ảnh hưởng gì không thưa bác sĩ. Chúng ta nên uống thuốc như thế nào cho phù hợp?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Giữa trẻ em và người lớn có nguyên tắc uống thuốc khác nhau. Trẻ em uống thuốc sau khi ăn sẽ dễ bị ói, còn người lớn không nên uống buổi tối sẽ có thể gây khó ngủ. Chúng ta cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về thời điểm uống thuốc. Bên cạnh đó, người Việt thường hay áp dụng những phương pháp, trào lưu ăn uống của nước ngoài nhưng chưa chắc những phương pháp đó là đúng và còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người.

Ví dụ, người Việt sống ở xứ nhiệt đới, nhiệt độ cao nên uống nước đá sẽ bị đau họng, còn những người sống ở xứ ôn đới uống nước lạnh là phù hợp. Mỗi vùng có khí hậu khác nhau, không nên máy móc áp dụng.

Có lần tôi bị giời leo, anh tôi là bác sĩ bảo rằng tôi bị suy yếu hệ miễn dịch nên virus Zona tấn công. Vậy có phải mỗi lần bị giời leo tức là tôi đang bị suy yếu hệ miễn dịch? Lúc đó tôi nên làm gì? Ngoài virus Zona, còn virus gì có thể tấn công tôi khi sức đề kháng của tôi kém thưa bác sĩ? (Độc giả (ng.huynhtri****@gmail.com) gửi mail đến tòa soạn)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Câu này khá chính xác nhưng virus đó không phải Zona mà là virus dòng Herpes. Virus dòng Herpes có thể gây bệnh cấp tính và mãn tính. Mãn tính tức là nấp trong hệ thần kinh của mình, khi mình yếu nó bò ra. Dân gian thường gọi những bệnh mụn rộp là giời leo hoặc Zona thần kinh.

Trong y khoa, có hai kiểu mụn rộp do virus Herpes (liên quan tới sức đề kháng) hoặc mụn rộp do virus thủy đậu. Mụn rộp thường xuyên tái lại tại đúng một chỗ do Herpes là liên quan đến sức đề kháng do chúng ra sinh hoạt không điều độ như thức khuya, uống không đủ nước… Và lúc này chúng ta nên bôi thuốc Acyclovir pommade chuyên trị virus và điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt. Đừng để bội nhiễm nếu không sẽ khó chịu và bị ảnh hưởng thẩm mỹ.

Thực phẩm thiên nhiên và thực phẩm chức năng ảnh hưởng như thế nào đến miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Muốn có sức đề kháng tốt phải có hệ miễn dịch tốt. Càng lớn sức đề kháng càng giảm. Chúng ta dùng thực phẩm để bổ sung, là vật liệu tạo kháng thể chứ không trực tiếp tạo ra kháng thể, do đó không tính đến yếu tố “đặc hiệu” trong thực phẩm.

Tôi muốn uống viên sủi để bổ sung vitamin C cho cơ thể. Nhưng tôi còn sử dụng nhiều thực phẩm chức năng khác như thuốc chống dị ứng và dầu cá sáng mắt. Vậy tôi nên làm gì để chắc rằng các loại thực phẩm chức năng này không có tác dụng gây kị nhau? (bapema****@gmail.com)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thực phẩm chức năng có công thức, nồng độ. Nếu dùng hai loại cùng có vitamin C thì chúng ta phải đo đếm nồng độ, phải tìm hiểu kỹ. Tốt nhất chúng ta nên dùng một loại đã có vitamin đầy đủ.

Cháu tôi chưa đầy 1 tháng tuổi, tôi lo mang mầm bệnh từ bên ngoài về lây cho cháu vì trẻ em có sức đề kháng yếu, tôi phải làm sao? (Độc giả Trường An có email truonganhuynh…@gmail.com gửi mail tới tòa soạn)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Trẻ em dưới 3 tháng thì nên hạn chế người thăm và tiếp xúc gần. Bởi sự tiềm tàng tác nhân gây bệnh từ bên ngoài mang vào sẽ làm trẻ dễ bệnh. Người lớn ra ngoài nên có trách nhiệm về việc phòng tránh lây bệnh cho đứa nhỏ. Để tăng cường sức đề kháng cho em bé dưới 3 tháng thì chỉ nên bú mẹ. Trẻ em nhỏ chưa đến tuổi đến trường thường có sức đề kháng kém. Nếu người lớn làm những công việc tiếp xúc nhiều với trẻ em bên ngoài như giáo viên mầm non, y tá… Khi về nhà nên thay quần áo, vệ sinh cá nhân rồi mới chăm sóc bé.

Ngoài bổ sung vitamin C bằng thực phẩm tự nhiên từ trái cây, rau củ. Việc sử dụng viên sủi C như thế nào cho hiệu quả. Vì tôi được biết, lạm dụng quá nhiều không tốt, có thể gây sỏi thận. Vậy liều lượng sử dụng như thế nào cho đạt hiệu quả. (Độc giả Thục Yến gửi tin nhắn trên fanpage SGTT)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Vitamin C không liên quan đến sự hấp thu. Những người có bệnh tiêu hóa đặc biệt mới có vấn đề hấp thu vitamin C. Sự khác biệt về lượng hấp thu vitamin C có thể khác biệt giữa người lớn và trẻ em. Thường chúng ta chỉ nên bổ sung khoảng 1 gram, vượt qua ngưỡng đó thì chúng ta nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Nếu chỉ ăn các loại thực phẩm thông thường thì có đủ bổ sung vitamin cho cơ thể không? (Bạn đọc Thiên Thảo)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Việc ăn uống như thế nào là tuỳ theo lứa tuổi. Lứa tuổi đang hấp thu chuyển hoá tốt như tuổi thanh thiếu niên sẽ chế độ ăn đa dạng do quá trình chuyển hoá nhanh, nhưng chúng ta càng lớn tuổi sự chuyển hoá của cơ thể càng kém. Nếu chúng ta lớn tuổi, ăn không đủ chất thì phải kết hợp uống để nạp thêm vitamin. Chúng ta có thể viết công thức ăn bao nhiêu trái cây, uống bao nhiêu nước mỗi ngày để tuân thủ.

Tôi thường hay thức khuya đến 1-2g sáng, liệu sức đề kháng của tôi có bị ảnh hưởng không? (Bạn đọc hỏi trên website)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Giấc ngủ quan trọng đối với sức khoẻ. Chúng ta mất sức đề kháng là do đam mê và thói quen, ví dụ nếu thích coi phim đến khuya thì dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Y học đo lường giấc ngủ từ 21g đến 2g sáng là rất quan trọng đối với cơ thể, chúng ta ngủ đủ thì tế bào bạch cầu mới tái tạo tăng sức đề kháng. Thói quen này sẽ dẫn tới việc mất ngủ triền miên, sức đề kháng càng giảm. Do đó, thời gian 1,5 tiếng trước khi ngủ rất quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ của mỗi người. Công việc khuya sẽ không hiệu quả bằng lúc sáng sớm, do đó không nên làm ráng cho xong. Nhưng đến khoảng độ tuổi trung niên chúng ta mới nhận ra được điều này.

Thưa bác sĩ, tôi đang mang thai tuần thứ 10, tôi uống vitamin C để tăng cường sức đề kháng có được không ạ? Và nếu uống thì vào thời gian nào trong ngày là tốt nhất? (độc giả Khương Hải bình luận trên trang web sgtiepthi.vn)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Không sao cả. Phụ nữ mang thai ngoài cung cấp vitamin thông thường thì cần cung cấp thêm canxi và sắt. Trẻ em trong bụng mà thiếu canxi và sắt sẽ khó phát triển bình thường. Các vitamin khác như vitamin C thì có thể bổ sung bình thường.

Tập thể dục thể thao sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tôi không tập thể dục mà chỉ áp dụng việc đếm bước đi bộ bằng thiết bị vòng đeo tay thông minh. Vậy tôi nên vận động bao nhiêu bước chân mỗi ngày? (Bạn đọc hỏi qua fanpage)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thông thường nếu bạn không vận động gì khác ngoài đi bộ thì mỗi ngày nên đi khoảng 8.000 bước chân. Các công ty ở nước ngoài thường áp dụng cách này để nhân viên có sức khoẻ, tạo năng suất lao động cao, quay trở lại cống hiến cho doanh nghiệp.

Thói quen của người Việt thường ít đi bộ, ít vận động, bước ra đường vài trăm mét cũng leo lên xe máy. Do đó nếu được chúng ta nên tập thói quen đi bộ, vận động thường xuyên mỗi ngày để cơ thể khoẻ hơn.

Tập thể dục có giúp cải thiện hệ miễn dịch không thưa bác sĩ? Vì sao? (độc giả Triều bình luận trên trang web sgtiepthi.vn)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Vận động đúng sẽ giảm được bệnh vặt và cả bệnh ung thư. Trong cơ thể thỉnh thoảng có những tế bào bất thường. Nếu sức đề kháng tốt chúng ta có thể tiêu diệt được tế bào đó khi nó chưa nhân lên. Ngày nay, có cả ngành y khoa vận động về tập làm sao cho đủ, phù hợp với lứa tuổi…

Nói chung, để tăng cường sức đề kháng hãy nghĩ tới 3 việc: tim phòng vắc xin, dinh dưỡng (đạm, đường, mỡ, vi chất, vitamin) cuối cùng là vận động.

Để tăng cường sức đề kháng mùa dịch thì mọi người đều nghĩ ngay là sẽ ăn, uống thật nhiều loại thức ăn, trái cây có vị chua như nước chanh, cam, thơm (dứa), vitamin C, ... nhưng những người bị đau bao tử như em thì không ăn được đồ chua. Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách cung cấp vitamin C nhiều dành cho người bị đau bao tử như em ạ? Em cảm ơn. (độc giả Kiều Trinh hỏi trên Fanpage)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Không ăn được thì hãy uống vitamin C. Hãy uống sau khi ăn no. Chứ đừng pha nước chanh và bỏ đường vô thì sẽ bị dư đường. Hiện nay, tại Việt Nam, theo nghiên cứu, thói quen của người Việt còn sử dụng nhiều đường, nhất là hay ăn ngọt.

Sài Gòn Tiếp Thị

4 BÌNH LUẬN

  1. Thưa Bác sĩ, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo tăng sức đề kháng cho cơ thể. Xin hỏi Bác sĩ có nên dùng những sản phẩm này không? có cần phải làm những xét nhiệm gì để biết sản phẩm có phù hợp với cơ thể mình trước khi sử dụng không?

  2. Thưa bác sĩ,
    Tôi đang mang thai tuần thứ 10, tôi uống vitamin C để tăng cường sức đề kháng có được không ạ? Và nếu uống thì vào thời gian nào trong ngày là tốt nhất?

  3. Xin hỏi bác sĩ là nếu chỉ ăn các loại thực phẩm thông thường thì có đủ vitamin để cơ thể đủ đề kháng chống lại bệnh tật không? Ăn thế nào thì đủ chất ạ? Ở những người thế nào thì virus dễ xâm nhập ạ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mới lạ bánh cuốn Cao Bằng, dùng nước hầm xương thay...

0
(SGTT) - Dù chỉ mới mở bán thời gian gần đây nhưng quán ăn Thủy ở quận 7 lại thu hút sự quan tâm...

Đầu tư vào đất nông nghiệp vùng ven: Được gì và...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu tìm kiếm một không gian sống gần gũi với thiên nhiên...

Giá vé metro Bến Thành – Suối Tiên từ 6.000 đến...

0
(SGTT) - TPHCM vừa công bố giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, vé đi metro có giá từ 6.000...

Mới lạ tô súp cua cô Bông tại chợ Thiếc, gần...

0
(SGTT) - Tọa lạc trong khu chợ Thiếc, quận 11, quầy súp cô Bông đến nay đã hơn 20 năm phục vụ thực khách...

Nở rộ xu hướng thuê mua áo dài gia đình, hội...

0
(SGTT) - Cận Tết, thay vì lựa chọn chụp ảnh chân dung mang tính cá nhân hoá như mọi năm, năm nay nhiều bạn...

Doanh nghiệp xây dựng dân dụng tất bật mùa cuối năm

0
(SGTT) - Thời điểm cuối năm, các công ty xây dựng dân dụng đang trong "cuộc đua" nước rút để hoàn thành hàng loạt...

Kết nối