Thứ tư, Tháng mười một 6, 2024

Giao lưu trực tuyến: Phân biệt triệu chứng dị ứng, cảm cúm và nghi nhiễm Covid-19

(SGTTO) - Giai đoạn giao mùa thường nhiều người bị cảm lạnh, cúm, dị ứng với các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi. Trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra, những triệu chứng này khiến chúng ta hoang mang, lo lắng không biết có phải mình đã mắc Covid-19 hay không?

Vì vậy, Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng nhánh Chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng, Bayer Việt Nam, đồng tổ chức chuỗi giao lưu trực tuyến về sức khỏe dành cho bạn đọc quan tâm với chủ đề: “Phân biệt triệu chứng Covid-19 với dị ứng và cảm cúm thông thường”. Đây là một chủ đề nằm trong chuỗi tư vấn trực tuyến “Bảo vệ sức khỏe toàn diện”.

Tham gia tư vấn hôm nay (27-8-2020) là Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy - Đơn vị Dị ứng & Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ông cũng là giảng viên bộ môn Sinh lý – Sinh lý bệnh và Miễn dịch tại Đại Học Y Dược TPHCM.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy (bên trái) đang tư vấn cho bạn đọc. Ảnh: Trần Linh

Công việc hàng ngày của bạn có nhiều cuộc họp nối tiếp nhau. Bạn có cả "núi" dự án đang chất đống ở nhà cần giải quyết. "Deadline" trễ hẹn ghi đầy trong cuốn lịch. Để giải quyết tất cả những nhiệm vụ này, bạn phải bỏ bữa trưa, hủy lịch tập gym, và từ chối các buổi gặp gỡ, hẹn hò.

Làm việc tại nhà, giãn cách xã hội, cân bằng giữa công việc & cuộc sống, lo lắng về dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng ra sao tới mình và những người thân yêu. Tất cả những yếu tố này đang ảnh hưởng tới chúng ta ở cả khía cạnh thể chất và tinh thần.

Nghe những điều này, bạn có thấy quen thuộc không? Làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua tình trạng này?

Tự chăm sóc bản thân là cách kiểm soát sức khỏe chủ động, thay vì thụ động chờ bệnh tới mới ứng phó. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa Tự chăm sóc (Self-care) là khả năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, duy trì sức khỏe và ứng phó với bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể dù có hoặc không có sự hỗ trợ của dịch vụ y tế.

Ăn uống lành mạnh, tập thể dục & tiếp cận những dịch vụ y tế và nguồn cấp thuốc phù hợp là chìa khóa quan trọng trong việc tự chăm sóc sức khỏe, qua đó giúp ngăn ngừa ốm đau, bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Với việc chăm sóc sức khỏe mỗi ngày, mọi người có thể cải thiện điều kiện thể chất và tinh thần của mình cũng như ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tự chăm sóc sức khỏe rõ ràng là giải pháp quan trọng giúp Thế giới đạt được Điều số 3 trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG # 3): Sức khỏe & Có cuộc sống tốt (Good Health & Well-being). Do vậy, Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức chương trình này với mong muốn tạo ra những thay đổi thực sự bằng cách cung cấp cho mọi người những thông tin hữu ích, các cơ hội tiếp cận và giải pháp phù hợp cho những “bệnh vặt” trong cuộc sống hàng ngày.

Trước buổi giao lưu trực tuyến này, Sài Gòn Tiếp Thị có một khảo sát nhỏ dưới đây về cách phân biệt giữa bệnh cảm thông thường và Covid-19:

Những ý kiến trên cho thấy đa phần có những cách để tự mình phân biệt các triệu chứng giữa Covid-19 và cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, để hiểu và phân biệt rõ thì không phải ai cũng có thể biết một cách tường tận. Chính vì thế, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy sẽ đồng hành cùng chương trình, giải đáp những câu hỏi từ bạn đọc ngay bây giờ.

Nhiều người lo lắng khi bị ho, sổ mũi hay đau họng bởi đây là những triệu chứng của Covid-19. Liệu họ có thực sự nhiễm virus hay chỉ đơn thuần bị cảm lạnh hoặc cúm hay dị ứng? (Tamsaigon...@gmail.com)

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Về mặt triệu chứng, cảm lạnh thông thường và viêm mũi dị ứng có một số triệu chứng tương tự như triệu chứng trên bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện các triệu chứng này là không giống nhau giữa các bệnh lý này.

Virus SARS-CoV-2 sau khi xâm nhập cơ thể sẽ tác động trước tiên tới phổi và thường gây sốt, ho khan, khó thở. Dưới đây là bảng so sánh các triệu chứng của Covid-19 so với các bệnh phổ biến khác có một số triệu chứng tương tự dễ bị nhầm lẫn.

Covid-19, cúm và cảm lạnh thường có ho, sốt. Trong khi đó, bệnh nhân viêm mũi dị ứng thường không sốt và hiếm khi ho, trừ khi có kèm hen suyễn.

Nếu bệnh nhân có hắt hơi, nghẹt mũi hay chảy nước mũi, nhiều khả năng có liên quan tới viêm mũi dị ứng hoặc cảm lạnh hơn là Covid-19 hay cúm.

Lưu ý, Covid-19 là bệnh lý lây từ người sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp, hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi. Do đó, người dân cần nghiêm tục thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình theo hướng dẫn từ Bộ Y tế như" đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên, tránh nơi đông người, hạn chế tiếp xúc gần giữa những người nhiễm bệnh và những người khác, kai báo y tế...

Tôi bị sổ mũi và đau họng, như vậy có phải đã mắc Covid-19 hay không? Có bao nhiêu triệu chứng trở lên mới có thể nghi ngờ bị Covid-19? (chilinh*****@gmail.com)

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Hiện nay, các triệu chứng của nhiễm SARS-CoV-2 cực kỳ thay đổi và mơ hồ, nhiều trường hợp chỉ là ho khan thôi cũng có xét nghiệm phết họng dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, nếu bạn có đi đến vùng dịch tễ, có tiếp xúc với người bệnh nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh thì phải khai báo y tế, liên lạc cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn cách ly và xét nghiệm nếu cần.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng mũi họng của bạn là mạn tính (kéo dài nhiều tuần nhiều tháng), thì có thể không phải nhiễm SARS-CoV-2. Một lần nữa, yếu tố dịch tễ là vô cùng quan trọng.

Tôi bị viêm mũi dị ứng khá lâu. Rất là nhạy cảm với bụi, nhờ bác sĩ tư vấn giúp có cách nào cải thiện sức khoẻ? Về lâu dài có cách nào điều trị hay "sống chung với lũ"? (p.huy***@gmail.com)

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Thông thường, tình trạng dị ứng do bụi rất thường gặp. Nguyên nhân chính là do bụi trong mạt nhà, nấm mốc, phấn hoa, phấn cỏ. 90% người bị dị ứng là do mạt nhà. Vậy để hạn chế tình trạng bệnh này là phải vệ sinh nhà cửa, mạt nhà sống nhiều trong nơi có gỗ, giấy, trên giường ngủ, chăn, gối, kệ sách cũ. Nên vệ sinh giường ngủ một tuần ít nhất hai lần, hút bụi, lau nhà thường xuyên.

Mùa dịch Covid 19, trên các kênh thông tin truyền thông có chia sẻ nhiều cách để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe bằng phương pháp sử dụng nước muối pha loãng để súc miệng, khò cổ họng, rửa mũi, nhỏ mắt. Vậy sự khác nhau giữa nước muối sinh lý tại các cửa hàng thuốc tây và nước muối tự pha loãng tại nhà như thế nào, nên sử dụng loại nào tốt nhất? (nguyenngocminhtam****@gmail.com)

Nước muối tại các nhà thuốc được pha theo quy chuẩn của Cục Dược và Bộ Y Tế quy định, nên đảm bảo tính vô khuẩn (không có vi khuẩn, virus hay vi nấm trong nước muối), đảm bảo đúng nồng độ của nó là 0,9%, không có tạp chất khác (ion khác, kim loại khác...). Nước muối pha tại nhà, dù có dùng nước uống (nước lọc hay nước đun sôi để nguội) thì vẫn có khả năng nhiễm khuẩn (mặc dù không đáng kể và thường không ảnh hưởng sức khỏe), nồng độ muối không đảm bảo, và có thể lẫn các ion khác hoặc kim loại khác do chất lượng nguồn nước mà mình sử dụng.

Như vậy, xét về mặt y tế thì nước muối sinh lý tại nhà thuốc là tốt hơn, tuy nhiên, việc súc nước muối có thể sử dụng nước tự pha ở nhà, nhưng cần dùng nguồn nước sạch (nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội) để pha, và tính toán để có nồng độ muối phù hợp.

Tôi bị đau họng, mệt mỏi.Tôi được biết một số bệnh nhân Covid-19 cũng có các triệu chứng này. Như vậy, phải có triệu chứng nào và phải có bao nhiêu triệu chứng trở lên thì mới xác nhận nhiễm Covid-19? (hoangtrang...@gmail.com).

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Trên thực tế, có vô vàn các tác nhân khác nhau có thể gây ra phản ứng dị ứng, tùy vào cơ địa của mỗi người, như phấn hoa, mạt bụi, vảy lông động vật, nấm mốc... Một người có thể dị ứng với một hoặc nhiều loại dị nguyên khác nhau.

Do đó, bản thân người bệnh, khi thấy mình có bệnh lý viêm mũi dị ứng, thì họ phải chú ý quan sát xem là khi họ ăn cái gì, hít phải khói bụi gì, có tiếp xúc với con vật, cây cối hay hoa cỏ gì không… để có thể khu trú và xác định dị nguyên dễ dàng hơn và có thể tránh tiếp xúc với các dị nguyên đó.

Làm sao để thuyên giảm tình trạng dị ứng, thưa bác sĩ (hanhan***@gmail.com)? 

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Trước hết, bạn cần xác định xem bạn bị dị ứng với tác nhân nào, dị nguyên nào và tránh tiếp xúc với các tác nhân đó.

Ví dụ, nếu bạn dị ứng với thú cưng như chó, mèo, thì tốt nhất là nên tránh xa, không nuôi các con vật này. Nếu vô tình tiếp xúc thì nên rửa tay sạch sẽ, tránh dụi tay lên mắt, mũi khi chưa rửa tay.

Nếu bạn dị ứng với nấm mốc, thì cần chú ý vệ sinh nhà cửa, nội thất sạch sẽ, lau dọn thường xuyên để tránh nấm mốc sinh trưởng và phát triển…

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức tại tòa soạn SGTT. Ảnh: Trần Linh

Khi có triệu chứng dị ứng, bạn có thể sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng này.

Thuốc kháng histamin H1 là loại thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay trong điều trị các bệnh lý dị ứng nói chung và trong điều trị viêm mũi dị ứng nói riêng do có tác dụng tốt trong làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như hăt hơi, sổ mũi, ngứa mũi và chảy nước mũi.

Các thuốc kháng histamin thế hệ cũ như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin,..có tác dụng phụ gây buồn ngủ do vậy bất tiện cho bệnh nhân phải tập trung làm việc, vận hành máy móc, lái tàu xe... Do đó, các thuốc kháng histamin thế hệ mới hơn như: loratadin, acrivastin, fexofenadin... thường được sử dụng hơn do không ảnh hưởng trên thần kinh trung ương, ít gây buồn ngủ hơn.

Trên bệnh nhân có viêm mũi dị ứng trung bình -nặng, người ta cũng có thể dùng thêm corticoid xịt mũi để giảm nhanh các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, phù niêm mạc, ngạt mũi. Các loại thường dùng hiện này như momethasone, Budesonide, Fluticasone...

Tôi là Ngọc Diệp, 53 tuổi, xin hỏi bị viêm mũi dị ứng theo thời tiết, dễ bị cảm nếu không uống thuốc dị ứng kịp thời. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi bị dị ứng ngứa toàn thân, không rõ nguyên nhân. Nếu để tình trạng dị ứng kéo dài, ngoài sự bất tiện trong cuộc sống, tôi có gặp biến chứng gì nguy hiểm không? Xin cám ơn bác sĩ. (bedieppham@yahoo.com.vn)

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Chị có hai tình trạng dị ứng là viêm mũi và nổi mề đay. Thông thường, chúng ta bị dị ứng bởi các dị ứng nguyên trong không khí. Còn nổi mề đay có thể có nguyên nhân hoặc không. Vậy chị Ngọc Diệp nên đi khám để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và được kê toa.

Về các biến chứng, theo thống kê, trong 50% bệnh nhân dị ứng có kèm hen suyễn. Ngược lại, trong 80% người bị hen suyễn là có dị ứng. Nếu viêm mũi dị ứng có sổ mũi, hắt hơi nhiều sẽ làm tắc xoang xung quanh mũi dẫn đến viêm xoang. Ổ xoang có vi trùng bên trong dẫn đến nóng, sốt, mệt mỏi.

Ngoài ra, niêm mạc mũi bị sưng lên làm chúng ta bị nóng, tập trung kém. Còn về mầy đay, có thể có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tóm lại, nên đi tìm nguyên nhân dị ứng, kiểm tra mũi và phổi có vấn đề gì hay không.

Tôi hay bị nổi mề đay khi trời lạnh, cần bổ sung chất gì để không gặp tình trạng này nữa? (Chị Nguyễn Thuỳ Anh, nhân viên văn phòng, 07771792..)

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Đó là tình trạng mày đay (dân gian hay gọi là mề đay)do nhiệt độ, có người nổi khi trời nóng, có người nổi khi trời lạnh. Đây là tình trạng hoàn toàn lành tính và tự phát, thường không có nguyên nhân gì đặc biệt, có thể do hệ thần kinh của bạn phản ứng quá mức với môi trường xung quanh, nên không cần quá lo lắng. Chỉ cần cố gắng giữ ấm cơ thể là đã giúp hạn chế tình trạng này rất nhiều.

Bệnh này không phải do thiếu dinh dưỡng hay dưỡng chất, không phải do gan yếu, gan nóng hay do nhiễm ký sinh trùng, nên bạn không cần phải bổ sung chất gì đặc biệt cả, chỉ cần ăn uống đầy đủ để giữ một cơ thể khỏe mạnh là được.

Gần đây, mình có thử dùng một số loại thuốc Nam để điều trị viêm mũi dị ứng và chưa thấy cải thiện gì? Liệu mình có nên đi khám bệnh viện uống xen kẽ cả hai hay chỉ uống thuốc Tây nếu đi khám. Hơi tiếc công uống bữa giờ ạ (Minh Hai, câu hỏi gửi qua fanpage SGTT).

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Viêm mũi có nhiều nguyên nhân: do dị ứng và không do dị ứng. Ngoài những nguyên nhân như dị ứng với khói bụi, mạt nhà…, viêm mũi còn có thể do cấu trúc: vách ngăn bị lệch, cuống mũi quá phát… Vậy bạn cần đi khám để xác định do nguyên nhân gì từ đó có biện pháp chữa trị phù hợp.

Thuốc Nam mà bạn nói không biết có thành phần gì, không biết nó có đánh trúng bệnh viêm mũi dị ứng của bạn hay không. Bạn nên đi khám để bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc đánh trúng nguyên nhân gây bệnh của mình.

Tôi thường bị buồn ngủ khi dùng thuốc trị dị ứng thì nên làm gì để cải thiện? (Tâm, sinh viên, 03622256..)
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Có những loại thuốc khi sử dụng sẽ gây buồn ngủ, nhưng giấc ngủ giả tạo và rất mệt, ngầy ngật, kém tập trung. Thường thì sẽ kê loại thuốc kháng histamin mới nhưng vẫn gây buồn ngủ đối với một số người hoặc gây buồn ngủ ít, thậm chí không có. Nếu gặp tình trạng buồn ngủ như vậy thì nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng của mình.

Tôi bị viêm mũi dị ứng cách đây vài năm. Kể từ đó, tôi dễ bị chảy nước mắt, kể cả khi không quá xúc động. Đây có phải triệu chứng của dị ứng? (htle***@gmail.com)
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Nếu hiện tại bạn vẫn còn bị dị ứng và bạn bị chảy nước mắt sau khi bị triệu chứng dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi thì đó có thể do bị chảy nước mắt là do dị ứng. Còn nếu không có triệu chứng dị ứng mà bạn bị chảy nước mắt thì có thể do nhìn nhiều vào màn hình máy tính… Khi tình trạng này kéo dài, bạn có thể đi khám để tìm ra nguyên nhân.
Tại sao buổi sáng thức dậy hay bị đóng đàm ở cổ họng và khoảng 2-3 tiếng sau mới hết. Việc này có đáng ngại không thưa bác sĩ? (đọc giả bình luận trên trang web SGTT)

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Đàm ở cổ họng buổi sáng thì người nào cũng có. Đó là cơ chế tự nhiên của phổi. Phổi tiết ra chất nhờn để đẩy ra ngoài để bắt dính vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp. Sau một đêm ngủ dậy hoặc sau khi đi đường xa về chúng ta bị đàm thì đó là điều bình thường. Nếu đàm không kèm triệu chứng gì khác hoặc không có các bệnh lý hen có sẵn, hay bạn không hút thuốc lá thì đó là đàm sinh lý bình thường. Đàm có màu kèm sốt thì có thể là do nhiễm trùng.

Vừa rồi, tôi cho bé nhà tôi đi chích ngừa tại một trung tâm chuyên biệt và mới được biết có rất nhiều vacxin phòng bệnh cúm mùa, có mũi cần tiêm nhắc hằng năm. Vậy theo bác sĩ có cần tiêm hết để phòng bị tốt cho sức khỏe hay ưu tiên mũi nào trước trong tình hình dịch như hiện nay (luchothuylinh@gmail.com).

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Khi có SARS-CoV-2 không có nghĩa các loại virus khác không tồn tại. Một năm thường có hai mùa cúm với những loại virus cúm khác nhau. Ngoài ra, các em bé có bệnh lý hô hấp nền như viêm mũi dị ứng, hen suyễn rất cần đi chính ngừa. Bởi các bệnh mãn tính sẽ bị nặng lên khi bị nhiễm cúm.

Tôi hay bị nổi mày đay khi trời lạnh, cần bổ sung chất gì để không gặp tình trạng này nữa? (nguyenhongnhung..@gmail.com)

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Đó là tình trạng mày đay do nhiệt độ, có người nổi khi trời nóng, có người nổi khi trời lạnh. Đây là tình trạng hoàn toàn lành tính và tự phát, thường không có nguyên nhân gì đặc biệt, có thể do hệ thần kinh của bạn phản ứng quá mức với môi trường xung quanh, nên không cần quá lo lắng. Chỉ cần cố gắng giữ ấm cơ thể là đã giúp hạn chế tình trạng này rất nhiều.

Bệnh này không phải do thiếu dinh dưỡng hay dưỡng chất, không phải do gan yếu, gan nóng hay do nhiễm ký sinh trùng, nên bạn không cần phải bổ sung chất gì đặc biệt cả, chỉ cần ăn uống đầy đủ để giữ một cơ thể khỏe mạnh là được.

Để sử dụng thuốc kháng histamin mà không bị buồn ngủ thì nên làm gì thưa bác sĩ? (bạn đọc gửi inbox cho Fanpage SGTT).

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy: Hiện nay, bác sĩ ít kê thuốc kháng histamin thế hệ cũ như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin bởi thuốc gây buồn ngủ, ít tập trung, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Bác sĩ bây giờ thường kê thuốc kháng histamin thế hệ mới như Cetirizine, Loratadin, Fexofenadin thường không gây buồn ngủ

Đại diện Sài Gòn Tiếp Thị tặng hoa cảm ơn Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy. Ảnh: Trần Linh

Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 11 giờ 30. Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi qua fanpage, email sẽ được chúng tôi chuyển đến bác sĩ và trả lời qua email cho bạn đọc.

Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi chương trình này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giao lưu trực tuyến trong chủ để này vào tháng 9-2020, mời quý bạn đọc đón xem.

Lưu ý: Chương trình giao lưu này trên www.sgtiepthi.vn không thay thế cho hướng dẫn y khoa. Vui lòng tham khảo ý kiến của các đơn vị y tế để có được chẩn đoán chính xác nhất.

Sài Gòn Tiếp Thị

9 BÌNH LUẬN

  1. Con trai tôi rất hay bị chảy mũi và ho khi vào lúc giao mùa hoặc ở phòng máy lạnh, vậy bé có dễ bị nhiễm covid-19 không thưa bác sĩ?

  2. Câu hỏi:
    1. Có thể cải thiện tình trạng dị ứng bằng cách tập luyện môn thể dục thể thao nào? Ăn thức ăn gì ?
    2. Có cách nào trị dứt điểm dị ứng không ạ?

  3. Người có cơ địa dị ứng nên kiêng ăn đồ ăn gì và hạn chế những loại vật dụng, cây cối gì ở môi trường sống?

  4. Chào bác sĩ, bé nhà em hiện 9 tuổi, cứ sáng nào ngủ dậy bé cũng ho 1 chặp rồi hết, e có đi khám thì bs nghe phổi bằng ống nghe bảo là phổi tốt, có hỏi em là bé có bị dị ứng gì không, bé em thì không dị ứng, khi 2 tuổi bé có bị “viêm phổi kẽ”, nằm viện điều trị nửa tháng. Phòng ngủ cũng thường xuyên vệ sinh. Bé bị như vậy cũng khá lâu (cả năm hơn). Bác sĩ cho em hỏi bé có cần phải chụp phim phổi gì không, mong bác cho lời khuyên. Cảm ơn bác sĩ

  5. Tôi hay dùng Terpin Codein để trị ho mỗi khi bị cảm cúm. Nhưng gần đây các nhà thuốc không bán loại thuốc này nữa. Nhờ bác sĩ giải thích vì sao và dùng loại thuốc nào thay thế?

  6. Việc xét nghiệm Covid-19 tốn nhiều thời gian chờ đợi, và cũng phải chờ lâu mới có kết quả, nếu có những triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, cảm cúm nhưng không có tiếp xúc với nguồn lây, có cần đi xét nghiệm không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đón mùa Thu Hà Nội tại những quán cà phê hoài...

0
(SGTT) - Mùa Thu là thời điểm lý tưởng để du khách khám phá những quán cà phê hoài cổ, nơi không chỉ phục...

TPHCM: Doanh số bán xe máy điện tăng vào cuối năm

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, thị trường xe máy điện tại TPHCM ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt về doanh số bán...

Tìm chút hương vị Việt tại Mặn Mòi ‘Michelin Bib Gourmand’

0
(SGTT) - Tọa lạc tại TP Thủ Đức, nhà hàng Mặn Mòi như một khu vườn thu nhỏ với cây xanh phủ bóng mát....

Những thách thức mới trong quản lý thương mại điện tử...

0
(SGTT) - Sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Shein và Temu đang đặt ra...

Muôn kiểu món nước tại quán ăn núp chợ ‘chồm hổm’...

0
(SGTT) - Chợ 'chồm hổm' Tân Phú, TP Thủ Đức là khu chợ dân sinh buôn bán nhiều mặt hàng thiết yếu trong cuộc...

Thử vị bánh mì bà Liễu 60 năm ‘tuổi’, giá chỉ...

0
(SGTT) - Với nguyên liệu tự chế biến cùng mức giá phải chăng, quầy bánh mì bà Liễu là điểm đến thân quen của...

Kết nối