Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Giao dịch thuật toán AI trước thách thức từ tin giả

Những giao dịch chứng khoán tự động được thực hiện bằng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) đang phải đối mặt với thách thức lớn từ những hình ảnh, thông tin giả mạo được tạo ra bởi AI. Điều này liệu có ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường?

Rủi ro từ những thông tin giả mạo được tạo bằng AI

Sáng 22-5, thị trường tài chính Mỹ đột ngột lao dốc. Một bức ảnh về vụ nổ tại Lầu Năm Góc ở Washington D.C. đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và tràn sang các trang web đầu tư nổi tiếng.

Các nhà đầu tư ban đầu tỏ ra lo ngại “Liệu đó có phải là một cuộc tấn công?” Thị trường chứng khoán – nơi thường có xu hướng suy yếu trong giai đoạn đầu của các cuộc xung đột quốc tế, là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên. Chỉ số S&P 500 ngay lập tức giảm 0,3% chỉ trong vòng 30 phút, thổi bay khoảng 500 tỉ đô la Mỹ. Các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ bắt đầu tăng giá.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, mọi thứ đã trở lại bình thường khi một dòng tweet lan truyền từ tài khoản Twitter được xác minh bằng dấu tích màu xanh, cho thấy hình ảnh của một vụ nổ như vậy chưa bao giờ xảy ra. Những bức ảnh này nhanh chóng được chứng minh là giả mạo, và có khả năng do AI tạo ra.

Vụ việc đã làm dấy lên câu hỏi của giới đầu tư về tác động của AI đối với sự ổn định của thị trường khi mà những hình ảnh giả đang ngày càng trở nên chân thực hơn, và dễ dàng được tạo ra hơn bao giờ hết.

Theo DW, sự bùng nổ của công nghệ AI đang làm gia tăng lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn. Thông tin sai lệch, deepfake – phương thức tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video giả mạo bằng AI, và cả mối đe dọa đối với tương lai con người, là một số chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận công khai liên quan đến công nghệ trong thời gian gần đây.

Hồi tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler đã lên tiếng cảnh báo, công nghệ AI có thể gây ra “rủi ro hệ thống” và thậm chí “châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo”. Ông và nhiều chuyên gia khác, tỏ ra đặc biệt cảnh giác với hậu quả từ những thứ mà AI có thể tạo ra.

Giao dịch thuật toán – con mồi của thông tin giả từ AI

Và trước làn sóng thông tin giả do AI tạo ra, một trong những đối tượng được cho là dễ tổn thương hơn cả lại chính là các quỹ phòng hộ và công ty giao dịch cực nhanh, chuyên sử dụng các thuật toán phức tạp kết hợp với một lượng lớn tin tức và phương tiện truyền thông xã hội, để tìm kiếm các tín hiệu biến động trên thị trường, từ đó đưa ra quyết định giao dịch một cách nhanh chóng.

Theo Financial Times, trong khi máy tính của các quỹ và công ty giao dịch định lượng này ngày càng trở nên lão luyện hơn trong việc loại bỏ những tin tức và bài đăng sai sự thật do con người tạo ra trên mạng xã hội, một số giám đốc điều hành tại các công ty giao dịch vẫn cảnh báo rằng, những thông tin sai lệch do AI tạo ra là một vấn đề hoàn toàn khác.

“AI chắc chắn sẽ mở ra khả năng xuất hiện nhiều nội dung sai lệch hơn trên môi trường thông tin, vốn đã trở nên rất khó quản lý”, ông Doug Greenig, nhà sáng lập quỹ phòng hộ Florin Court Capital cho biết.

Mối lo ngại đặc biệt của các nhà đầu tư là việc AI có khả năng nhanh chóng tạo ra những hình ảnh và câu chuyện có sức thuyết phục cao với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Điều này có thể tạo ra một lượng lớn cạm bẫy đối với các thuật toán giao dịch tự động.

Ông Peter Hafez, nhà khoa học dữ liệu hàng đầu của Công ty RavenPack, chuyên sử dụng AI để phân tích một lượng lớn dữ liệu cho các ngân hàng, quỹ phòng hộ và công ty giao dịch, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy hoạt động giao dịch bằng thuật toán đang phải đối mặt với hai thách thức lớn: hình ảnh giả mạo có thể đánh lừa một nhà báo, và báo cáo về hình ảnh giả mạo này có thể đánh lừa thuật toán”.

Bên cạnh đó, Financial Times cũng nhận định sự sụt giảm của thị trường có thể trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh giới đầu tư đang đối mặt với nhiều vấn đề đáng lo ngại, chẳng hạn như bế tắc về trần nợ công của Mỹ và ảnh hưởng của lãi suất cao hơn.

Ông Charles Henry Monchau, Giám đốc đầu tư Syz Bank cho biết, những yếu tố này đã dẫn đến sự gia tăng mức độ phổ biến của các lệnh giao dịch cắt lỗ dựa trên thuật toán. Theo đó, cổ phiếu sẽ được bán ra ngay khi giá giảm xuống một mức nhất định, bảo vệ các nhà đầu tư khỏi bị tổn thất lớn hơn.

Các doanh nghiệp tìm cách thích nghi với nguy cơ tin giả

Yin Luo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu định lượng tại tập đoàn dữ liệu Wolfe Research ở New York, dự đoán “trò chơi mèo vờn chuột” giữa các bên lan truyền tin tức giả mạo sẽ khiến thị trường chao đảo, và các công ty giao dịch định lượng sẽ phải cố gắng vượt qua vấn đề này.

Một giám đốc điều hành quỹ giao dịch định lượng có trụ sở tại London, Vương quốc Anh, cũng cho biết sự bùng nổ của AI có thể thúc đẩy các nhà giao dịch sử dụng dịch vụ tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau của các công ty dữ liệu để hạn chế rủi ro tin tức sai lệch.

Một chiến lược gia về định lượng tại một công ty đầu tư hàng đầu chia sẻ, các công ty đã kiểm tra và cân bằng lại việc thiết kế thuật toán để đảm bảo các điểm dữ liệu “nhạy cảm” sẽ không kích hoạt lệnh bán ồ ạt, đẩy giá cổ phiếu xuống sâu hơn. Nhiều công ty giao dịch định lượng dựa trên cơ sở các mô hình thị trường, thay vì tin tức và mạng xã hội, do vậy, thường có xu hướng xem xét các xu hướng biến động trong dài hạn và bỏ qua những biến động giá trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch dựa trên thuật toán cũng thực hiện một lượng lớn các giao dịch ở quy mô nhỏ, qua đó giảm thiểu tổn thất có thể xảy ra do những biến động giá bắt nguồn từ các nguồn thông tin không đáng tin cậy. Chiến lược gia này cho biết, việc học cách thích nghi là cần thiết, bởi “các dữ liệu sai lệch, cho dù là dưới bất kỳ hình thức nào, cũng là một mối lo ngại lớn, và sẽ tồn tại mãi mãi”.

Các doanh nghiệp đang cố gắng xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ AI và giao dịch cũng nhận thức được rằng, đây sẽ là một quá trình dài và đầy thách thức. Mike Zigmont, Trưởng bộ phận giao dịch tại Công ty Harvest Volatility có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Vấn đề được đặt ra là liệu những thông tin giả mạo như vậy có bị người tạo ra nó lợi dụng để kiếm lợi bất chính hay không? Sẽ có nhiều vụ việc như vậy trong thời gian dài, và thủ phạm sẽ tìm cách hưởng lợi từ thị trường”.

Giao dịch thuật toán có thể là chìa khóa cho sự ổn định của thị trường

Theo ông Adam Kobeissi, Tổng biên tập ấn phẩm công nghiệp The Kobeissi Letter, những biến động xảy ra một phần là do thị trường đang phản ứng ngày càng mạnh hơn với những tin tức nóng hổi. Chia sẻ với AP, ông cho biết: “Rất nhiều động thái xảy ra là do việc giao dịch theo thuật toán với tần suất cao. Thuật toán sẽ tổng hợp các dữ liệu đáng chú ý, sau đó tiến hành các giao dịch trên cơ sở một phần ngàn giây. Về cơ bản, nó giống như bạn đặt lệnh mỗi khi một thông tin đáng chú ý xuất hiện”.

Tuy nhiên, Giáo sư Nir Vulkan tại Đại học Oxford cho rằng, loại hành vi giao dịch này không có gì mới. Thị trường luôn phản ứng với những tin đồn và thông tin sai lệch, nhưng sẽ nhanh chóng sửa sai khi sự thật được phơi bày.

Giáo sư Vulkan không tin rằng giao dịch thuật toán là nguyên nhân chính dẫn tới những biến động thị trường trước sự lan truyền của các thông tin giả mạo. Lý do là bởi thị trường hiện tại sử dụng các giao dịch thuật toán tần suất thấp, nhiều hơn là các giao dịch thuật toán tần suất cao.

Với các giao dịch tần suất cao, các nhà giao dịch sẽ rời khỏi vị thế trong thời gian rất ngắn, có thể chỉ vài giây. Điều này khiến số vốn cần có để tiến hành giao dịch là khá nhỏ. Trong khi đó, với các giao dịch tần suất thấp, vị thế có thể được giữ lâu hơn nhiều, có thể là vài tuần, và đòi hỏi số vốn lớn hơn nhiều. Đây cũng là lựa chọn được các quỹ phòng hộ ưa chuộng. Giáo sư Vulkan cho biết “các khoản tiền lớn hầu hết được giao dịch ở tần suất thấp”.

Theo giáo sư Vulkan, hầu hết các quỹ phòng hộ sử dụng thuật toán trong giao dịch mà ông biết đều không rơi vào tình trạng hoảng loạn trước những biến động ngắn hạn như những gì đã xảy ra trong vụ tin giả về Lầu Năm Góc. Khi thị trường được điều chỉnh trở lại vào cuối ngày, các thuật toán cũng không bị ảnh hưởng. Do vậy, trong dài hạn, việc giao dịch bằng thuật toán có thể coi là chìa khóa quan trọng để đảm bảo sự ổn định của thị trường.

Lạc Diệp

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chỉ 22% doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng triển khai...

0
(SGTT) - Theo báo cáo của Cisco, chỉ có 22% doanh nghiệp tại Việt Nam được xác định là đã hoàn toàn sẵn sàng...

Nhiều bệnh viện ở TPHCM ứng dụng AI vào khâu điều...

0
(SGTT) - Trong thời gian vừa qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã phát triển các ứng dụng công nghệ, đưa trí...

Gắn mác AI tràn lan, người tiêu dùng cần tỉnh táo

0
(SGTT) - Lợi dụng sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo (AI), một số công ty đã phóng đại việc sử dụng AI...

AI – Thủ phạm khí thải mới

0
(SGTT) - Kể từ khi OpenAI cho ra mắt ChatGPT vào tháng 11-2022, thế giới chứng kiến một cuộc đua của các công ty...

Sử dụng AI trong hoạt động dự báo thời tiết và...

0
(SGTT) - Bằng cách hợp lý hóa quy trình chuyển dữ liệu thời tiết và khí hậu thành thông tin đầu vào, trí tuệ...

IMF: AI làm bất bình đẳng giàu nghèo trầm trọng hơn

0
(SGTT) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ công nghệ trí tuệ nhân tạo (...

Kết nối