(SGTT) - Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) xưa kia là trung tâm tôn giáo của vương quốc Champa trong suốt hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ IV đến cuối thế kỷ XV), với hàng loạt công trình đền, tháp kỳ vĩ.
- Trải nghiệm vùng đất Vĩnh Thạnh, Bình Định
- Thăm phố cổ Hội An nhớ ghé làng gốm Thanh Hà hơn 500 tuổi
- Tắm suối cầu Đồn Cả, ngắm tàu hỏa chạy ngang trời
Trung tâm tôn giáo Champa cổ
Thánh địa Mỹ Sơn là quần thể các đền tháp Champa được xây dựng trong một thung lũng nhỏ giữa rừng tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam – là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Các tài liệu khảo cổ chỉ ra rằng, những đền tháp đầu tiên được người Champa xây dựng từ đầu thế kỷ IV. Trải qua hơn 10 thế kỷ, được các triều đại nối tiếp xây tu bổ và xây dựng thêm, Mỹ Sơn đã trở thành một quần thể đền tháp rộng lớn và trở thành trung tâm tôn giáo của vương quốc cổ Champa trong một giai đoạn lịch sử dài.
Rơi vào quên lãng và được “hồi sinh” trở lại
Do những biến động về lịch sử, cuối thế kỷ XV, người Champa rút về phía Nam, thánh địa Mỹ Sơn bị rơi vào quên lãng và bị cây rừng che phủ trong hơn 4 thế kỷ. Tới năm 1885 nó mới được tình cờ “phát hiện” trở lại và được giới khoa học nghiên cứu, khám phá.
Vào thời điểm được tìm thấy, thánh địa Mỹ Sơn còn tới gần 70 kiến trúc đền tháp, tuy nhiên do sự tàn phá của chiến tranh, đã có thêm nhiều công trình bị sụp đổ. Ngày nay, được sự quan tâm của chính quyền và giới khoa học, Mỹ Sơn đang được bảo tồn và tu bổ khá kỹ lưỡng, nhằm gìn giữ một cách tốt nhất khối di sản vô cùng quý giá này.
Toàn bộ khu di tích Mỹ Sơn được che phủ cây cối tươi tốt và được bao quanh bởi các dãy núi, điều này khiến du khách có cảm giác vắng lặng, uy nghiêm tại thánh địa Mỹ Sơn.
Ngô Hòa Nam