Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Ghé thăm loạt di tích vừa được trùng tu ở Huế 

Du lịchHành trình - Điểm đếnGhé thăm loạt di tích vừa được trùng tu ở Huế 
(SGTT) - Khu lăng mộ Hoàng thái hậu Từ Dụ, điện Kiến Trung hay Hải Vân Quan… là loạt di tích vừa được trùng tu, mang diện mạo mới mà du khách có thể ghé thăm khi du lịch Thừa Thiên Huế trong dịp lễ 2-9.

Điện Kiến Trung

Ảnh: Hoàng Lê

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, điện Kiến Trung được vua Khải Định xây dựng để làm nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung. Điện Kiến Trung có kiến trúc độc đáo, mang phong cách của Pháp, Ý và cổ truyền của Việt Nam. Ngôi điện này đã bị chiến tranh phá hủy gần như hoàn toàn vào năm 1947, chỉ còn phần nền và hàng lan can trong khu vực Tử Cấm Thành Huế.

Sau gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo, vào đầu năm 2024, điện Kiến Trung chính thức hoàn thiện, mở cửa đón khách. Dự án trùng tu điện Kiến Trung gồm các hạng mục gia cố, phục hồi tường bao, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm tiền viên và hậu viên, các bậc cấp; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung hai tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 975m².

Ngoài ra, dự án còn tu bổ các công trình nhỏ xung quanh như đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh, hệ thống cây xanh, bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng...

Khu lăng mộ Hoàng thái hậu Từ Dụ

Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Lăng mộ Hoàng Thái hậu Từ Dụ còn được gọi là Xương Thọ lăng, được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20, nằm trong khuôn viên Lăng vua Thiệu Trị tại xã Thủy Bằng, thành phố Huế. Hoàng Thái hậu Từ Dụ, tên húy là Phạm Thị Hằng, là trưởng nữ của Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Bà vốn là Quý phi của vua Thiệu Trị, mẹ ruột của vua Tự Đức.

Lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dụ có bố cục theo hướng “nội quan, ngoại quách”. Đây là hình thức kiến trúc điển hình từ thời các vị chúa Nguyễn. Trải qua hơn 100 năm bị ảnh hưởng bởi thời gian và chiến tranh, lăng mộ của Hoàng thái hậu Từ Dụ từng bị xuống cấp.

Tháng 6 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức khánh thành dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Lăng mộ Hoàng Thái hậu Từ Dụ. Theo đó, du khách có thể ngắm nhìn diện mạo mới của nơi này trong kỳ nghỉ lễ 2-9 sắp tới.

Lăng vua Dục Đức

Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong

Tọa lạc ở thành phố Huế, di tích An Lăng (còn gọi là lăng Dục Đức) được xây dựng vào năm 1889, hiện là nơi an táng của vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân. So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn.

Theo Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế, khu vực lăng mộ hình chữ nhật, có diện tích gần 3.500m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Chính giữa Bửu Thành có một nhà Huỳnh Ốc dạng phương đình, thay thế cho nhà bia.

Điện Long Ân ở trung tâm khu vực lăng tẩm là công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện có ở Huế. Bên trong hiện có ba án thờ thờ bài vị của các vua Dục Đức và vợ (ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải). Lăng Dục Đức được công nhận là di tích cấp quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật vào năm 1997.

Năm 2018, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành công tác trùng tu, tôn tạo, đến nay đã hoàn tất và đã đưa vào khai thác, đón khách du lịch vào đầu tháng 8-2024.

Hải Vân Quan

Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Đầu tháng 8 năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng thành phố Đà Nẵng đã tổ chức mở cửa di tích Hải Vân Quan, đón du khách tham quan sau hơn 2 năm trùng tu. Hải Vân Quan được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1826, với mục đích kiểm soát tuyến đường bộ Bắc – Nam huyết mạch, bảo vệ vịnh Đà Nẵng và kinh thành Huế.

Nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan từng là một pháo đài quân sự kiên cố với hệ thống thành lũy, pháo đài và thần công.  Tuy nhiên, sau gần 200 năm, di tích này dần rơi vào tình trạng hoang phế. Đến năm 2017, Hải Vân Quan mới được công nhận là di tích cấp quốc gia và đến năm 2021, dự án trùng tu quy mô lớn với kinh phí hơn 40 tỉ đồng mới được triển khai bởi chính quyền Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Dự án trùng tu đã khoác lên Hải Vân Quan diện mạo mới khang trang, bề thế nhưng vẫn giữ được nét cổ kính vốn có.  Công trình được phục dựng dựa trên kiến trúc triều Nguyễn, kết hợp với những dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu.

Điện Thái Hòa

Ảnh: Visit Hue

Theo Cổng TTĐT Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế - nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong hơn 100 năm.

Được khởi công xây dựng vào năm 1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm, điện Thái Hòa là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế với kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc” (hai bộ mái  trên một mặt nền), trang trí pháp lam, trên lợp ngói hoàng lưu ly.

Trải qua hơn 200 năm, trước các tác động của thời gian, mặc dù được nhiều lần tu bổ, trùng tu, nhưng điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được được thực hiện vào cuối năm 2021.

Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, các hạng mục của dự án này đang dần hoàn thành những bước cuối cùng, dự kiến chính thức đón khách vào cuối năm nay. Theo đó, trong dịp lễ 2-9, du khách có thể tham quan, chụp ảnh bên ngoài điện.

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, du khách Việt Nam và người dân địa phương sẽ được miễn vé tham quan các điểm thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Thời gian mở cửa miễn phí từ 7:00 đến 17:30, ngày 2-9-2024.

Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục