(SGTT) - Đình Nội tọa lạc tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đây là nơi thờ danh nhân Chu Văn An – một nhà giáo mẫu mực, một nhà nho tiết tháo.
- Hà Nội công nhận Thụy Lâm là điểm du lịch mới
- Tìm về chùa Trung Hậu, chốn thanh tịnh nơi ngoại thành Hà Nội
- Ghé thăm làng Tranh Khúc – ‘thủ phủ’ bánh chưng Hà Nội ngày giáp Tết

Năm 1989, Đình Nội đã được xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Ngôi đình không chỉ có giá trị về mặt tâm linh mà còn là chứng tích lịch sử quý báu của vùng đất Thanh Liệt.
Đình Nội được dựng từ lâu đời và từng được Hội Tư văn của thôn Trung Hưng công đức xây dựng, sau đó trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, đình có quy mô gồm các hạng mục chính như thủy đình, đại bái, trung cung, hậu cung, tả – hữu vu, tạo thành một quần thể kiến trúc truyền thống đặc trưng.

Gian Đại bái gồm năm gian hai chái, mái ngói truyền thống, đỉnh nóc có hình hổ phù đội mặt trời lửa, miệng ngậm chữ Thọ – biểu tượng cho sự trường tồn và phúc lộc. Nội thất đình được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ với các bộ vì chồng rường, giá chiêng, kẻ ngồi, bẩy hiên..., được chạm khắc công phu với các họa tiết rồng, lá lật, hoa văn sóng nước.

Gian Hậu cung là nơi đặt khám thờ chính Chu Văn An, hai bên phối thờ hai hậu duệ của ông là cụ Chu Tam Tỉnh – đỗ Tiến sĩ năm 1431 và cụ Chu Đình Bảo – đỗ Tiến sĩ năm 1484. Trong đình còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối ca ngợi đạo đức và trí tuệ của Chu Văn An. Tiêu biểu là bức hoành "Túc thanh cao" – thể hiện sự kính trọng trước phẩm hạnh trong sáng, thanh cao của ông.

Năm 2009, Đình Nội được trùng tu, tôn tạo và mở rộng khuôn viên, trở thành công trình tiêu biểu chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngày nay, nơi đây là điểm đến văn hóa – tâm linh không thể bỏ qua đối với những ai yêu mến lịch sử dân tộc và truyền thống hiếu học của người Việt.

Hằng năm, xã Thanh Liệt đều tổ chức các hoạt động tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, tôn vinh những giá trị đạo đức và giáo dục mà ông để lại. Tên tuổi của ông cũng được đặt cho nhiều con đường, trường học trên khắp cả nước – như một cách tri ân đối với một bậc hiền triết, người thầy mẫu mực của dân tộc.