(SGTTO) - Hơn 30 năm nay, con hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận đã trở thành địa điểm quen thuộc cho những thực khách mê món phá lấu. “Phá lấu bà ngoại” một cái tên nghe thân thương khiến nhiều người ăn một lần sẽ hẹn có dịp quay lại đây.
Bà ngoại tên thật là Phạm Thị Hoa năm nay đã hơn 80 tuổi. Bà quê Tiền Giang nhưng lên TPHCM mưu sinh từ lâu lắm rồi. Trước kia bà vốn làm nghề nấu ăn cho các sự kiện như cưới, hỏi… chính vì cái nghề đó nên sau khi ra làm nghề nấu phá lấu bà có những kinh nghiệm nhất định trong việc nấu nướng.
Vậy nồi phá lấu của bà có gì đặc biệt mà 30 năm qua khiến nhiều thực khách phải quay trở lại không chỉ vài lần. Bí quyết đó cũng chính từ nghề nấu đám của bà tự nghĩ ra rồi làm nên hương vị riêng cho nồi phá lấu của mình.
Thông thường người ta nấu phá lấu thì dùng nước cốt dừa nhưng với bà ngoại thì bà lại dùng nước dừa xiêm tươi để tạo độ ngọt cho nồi phá lấu. Ngoài ra, vị chua của từng chén phá lấu khi bán cho khách thưởng thức nhiều người dùng me để tạo vị nhưng bà ngoại lại dùng tắc (quất) tươi.
Thật không ngoa khi nói rằng những chén phá lấu húp vội vàng với vị béo của nước cốt dừa, vị thơm của lòng non nấu kỹ, vị cay nhẹ của ớt thái nhuyễn và vị chua nhẹ của tắc đã góp phần tạo nên văn hóa ẩm thực của đường phố Sài thành mà biết bao thế hệ thấm đượm trong ký ức của mình.
Mỗi ngày bà ngoại dậy từ lúc 4 giờ sáng để đi chợ mua lòng với gia vị sau đó về nhà chế biến đến khoảng 10 giờ sáng thì nhờ người nhà chở đến con hẻm 96 Phan Đình Phùng để bán. Bán đến khi nào hết thì lại về nhà nghỉ nhưng thường tới khoảng ba giờ chiều là nồi phá lấu khoảng 13 ký lòng của bà đã được bán sạch. Ai đến muộn thì không có cơ hội thưởng thức chén phá lấu của bà.
Nhiều người thắc mặc tại sao ở cái tuổi này mà bà còn hàng ngày đi bán phá lấu chi cho mệt! Với những câu hỏi như vậy bà thường cười vui với khách nhưng cũng có lúc bà trả lời bán phá lấu là nghề của bà nhưng nó cũng là cái nghiệp, làm lâu rồi quen khó bỏ. Với lại ở nhà rảnh lại buồn, sinh ra mệt sinh bệnh nên bà vẫn đi bán mỗi ngày.
Đỗ Hoa