Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

Gặp gỡ nghệ nhân Vui Trần Clay: người làm đất sét nở hoa

Du lịchNgười đi vạn dặmGặp gỡ nghệ nhân Vui Trần Clay: người làm đất sét nở...

(SGTT) – Nghệ nhân đất sét Vui Trần Clay đã trở thành một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực các ngành nghề thủ công ở TPHCM. Với chị, tất cả bắt đầu chỉ bằng sự tình cờ nhưng được nuôi dưỡng và duy trì bằng niềm đam mê bất tận.

Vốn vào nghề là đôi bàn tay và niềm đam mê

Chị Trần Thị Tường Vui (hay còn được gọi là Vui Trần Clay) là một nghệ nhân chuyên tạo ra các sản phẩm nghệ thuật từ đất sét, đặc biệt là hoa từ đất sét. Đến nay, chị Vui đã có 10 năm làm công việc này.

Chị cho biết, loại hình nghệ thuật tạo hình hoa từ đất sét xuất xứ đầu tiên từ Nhật Bản, rồi sau đó phát triển rộng rãi ở Thái Lan và du nhập vào Việt Nam. “Năm 2008, trong một lần tình cờ xem được phóng sự về làm hoa đất sét, cảm thấy yêu thích với nghề này, mình quyết định theo học và đi theo nghề một cách nghiêm túc nhất”, chị Vui kể về hành trình vào nghề của mình.

Đến nay, chị Vui đã theo đuổi công việc tạo hình đất sét được 10 năm. Ảnh: Minh Hoàng

Vốn liếng bước vào nghề của chị Vui là sự tỉ mỉ và kéo léo của đôi bàn tay và niềm đam mê. Thời gian đầu khi bước vào nghề, chị cũng gặp không ít khó khăn bởi khi đó có rất ít cơ sở dạy loại hình này và kỹ thuật tạo hình ngày đó cũng chưa cao.

Có những lúc chị làm việc bằng tất cả đam mê, xuyên suốt từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau, khi có những đơn hàng đầu tiên. “Thời điểm mình học nghề này học phí rất mắc và người dạy cũng chỉ dạy chung chung. Mình phải tự mày mò làm sao để cho sắc hoa được tươi nhất và làm thế nào để cho sản phẩm có độ chắc chắn nhất định”, chị nói thêm.

Sáng tạo ra đất sét "thuần Việt"

Với mười năm theo đuổi công việc tạo hình hoa từ đất sét, chị Vui đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm độc đáo như bon sai, tiểu cảnh, cành hoa nghệ thuật và tranh đất sét và mức độ mô phỏng độ giống từ 80-90% theo mẫu khách yêu cầu.

Mới đây, chị đã tạo nên cây hoa mai cao 2m từ đất sét. Với tác phẩm này, chị đã mất hơn ba tháng để hoàn thiện các công đoạn pha trộn, tạo hình và ghép nối hoàn toàn thủ công.

Cây mai bằng đất sét cao tới 2m và có tán rộng hơn 1m. Ảnh: Minh Hoàng

Cây mai được tạo nên từ những thứ tưởng chừng như đơn giản với đất sét, màu, keo và kẽm. Nhưng, từ những thứ đơn giản đó, qua bàn tay nghệ nhân, cây mai dường như "có hồn", thu hút ánh nhìn của hầu hết người xem.

Chị cho biết, cây hoa mai này được kết đính khoảng 6.000 nụ, 500 bông và tán rộng khoảng 1,3 mét. “Cây càng cao thì trọng lượng sẽ dồn về gốc cây và ảnh hưởng đến thế (dáng) của cây. Mình phải học hỏi từ các nghệ nhân chuyên làm cây kiểng để làm sao tạo hình cây mà đảm bảo cây có độ vững tốt và hình dáng xù xì giống thật nhất”, chị nói.

Mỗi nụ hoa, cánh hoa sẽ được chị Vui tỉ mỉ chăm chút không hoa nào giống hoa nào. Ảnh: Minh Hoàng

Ngoài đất sét ra, chị Vui còn sử dụng thêm kẽm để định vị thân cây và màu dầu để tô điểm cho hoa lá cành, sao cho cảnh sắc hài hòa và có hồn. Chị Vui luôn cố gắng chăm chút tỉ mỉ để tạo ra sự khác biệt nhất định giữa các cánh hoa, nụ hoa, chứ không hoàn toàn chỉ là rập khuôn giống nhau.

Theo chị, thân cây, nụ hoa, cánh hoa sẽ có màu không giống nhau, cách phối màu khéo sẽ tạo nên nhiều sắc độ khác nhau từ đậm tới nhạt để tạo hiệu ứng cho cây.

Gốc cây được Vui đổ thêm xi măng và cố định với dây thép để giúp cây có độ vững. Ảnh: Minh Hoàng

Chị cho biết cái khó để làm hoa từ đất sét chính là tạo hình và việc pha trộn màu sắc sao cho sắc hoa tươi và công việc tạo hình. Ví dụ, khi tạo hình từ chồi non, cánh hoa, cành gẫy sao cho kích thước, cấu tạo giống như thật. Ngoài ra, nguyên liệu cũng là thành tố quyết định đến 50% sự sống động của hoa.

Sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, chị Vui đã cho ra đời đất sét thuần Việt mang bản quyền của riêng mình. “Đất sét này màu tươi hơn, bóng và an toàn hơn hai loại đất sét của Nhật Bản, Thái Lan và giá thành cũng rẻ hơn”, chị nói.

Dụng cụ để tạo hình hoa là những dụng cụ đơn giản. Ảnh: Minh Hoàng

Để làm ra được một sản phẩm hoa từ đất sét mà sinh động và có hồn, đòi hỏi nghệ nhân làm hoa phải có đam mê đồng thời kết hợp giữa tính kiên trì và gu thẩm mỹ cao, ngoài ra, mỗi nghệ nhân sẽ có một bí quyết riêng cho mình.

Chị Vui cho biết, khách hàng hiện nay yêu cầu tính chất nghệ thuật ngày càng cao, nên đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có chất lượng cao hơn trước. Người thợ tạo hình luôn luôn phải học hỏi để không ngừng nâng cao tay nghề.

Chỉ cần khách hàng gửi mẫu, chị có thể mô phỏng hoa lại bằng đất sét và có độ giống 80-90%. Ảnh: Minh Hoàng.

Hiện nay, hoa đất sét của chị Vui đã được bán ra nước ngoài ở các thị trường như Mỹ, Đức, Đan Mạch, thậm chí bán ngay tại “quê hương” của hoa đất sét là Nhật Bản.

Mong muốn lớn nhất của chị Vui là sẽ tạo ra được những sản phẩm hoa đất sét có nét mộc và chất lượng ngày càng cao, góp phần làm đa dạng và quảng bá rộng rãi các nghành nghề thủ công ở TPHCM đến du khách trong nước và quốc tế.

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục