(SGTT) - Trên trang thông tin của Bộ Y tế đưa tin, đến nay Việt Nam đã chữa khỏi gần 488.000 ca Covid-19. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có gần 5.000 trường hợp nặng. Có 17 tỉnh, thành đã qua 14 ngày không ghi nhận F0.
- Các thiết bị y tế nào cần thiết với F0 điều trị tại nhà?
- Vì sao người mắc Covid-19 không triệu chứng nhưng bất ngờ chuyển nặng?
Kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4) đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 714.497 ca. Có 17, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước gồm Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hiện đang điều trị cho 4.991 bệnh nhân trở nặng. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 227 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.781 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
TPHCM lập tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cập nhật, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi thành phố Thủ Đức và các quận huyện về việc thành lập Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.
Theo đó, nhằm hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, Sở Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.
Tổ chăm sóc sẽ quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng; tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân.
Mỗi tổ chăm sóc dự kiến sẽ quản lý và chăm sóc từ 10 đến 20 F0. Các địa phương căn cứ số F0 tại mỗi phường, xã, thị trấn để lập đủ Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 theo quy định.
Tổ chăm sóc có ít nhất 3 người. Tổ trưởng là bí thư chi bộ/tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban quản lý tòa nhà, khu chung cư. Tổ phó là 1 nhân viên y tế. Thành viên là người đang sinh sống trong tổ dân cư. Những người tham gia cần được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, trừ F0 đã khỏi bệnh.
Tổ chăm sóc có một số điện thoại riêng và trực 24/7 để đảm bảo kết nối với F0. Tổ chăm sóc cần trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2, bình oxy/túi thở oxy, dụng cụ thở oxy, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân...
Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và quận, huyện hỗ trợ trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, vật tư và tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.
Công chức TPHCM được đi làm theo khung giờ, không cần giấy đi đường
Kinh tế Sài Gòn Onlie đưa tin, ngày 22-9, Công an TPHCM đã ban hành văn bản số 3720 cho phép cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước được đi lại từ nơi ở đến trụ sở làm việc theo khung giờ từ từ 6:30 đến 8:00 và từ 16:30 đến 18:00.
Công chức phải khai báo y tế trên phần mềm VNEID của Bộ Công an trước khi ra đường. Lực lượng tại các chốt sẽ kiểm tra thẻ ngành, thẻ nhân viên và lịch công tác hoặc đối chiếu với danh sách làm việc đã được cung cấp trên phần mềm.
Cán bộ, công nhân viên, người lao động đi làm tại trụ sở phải được tiêm 2 mũi vắc-xin, gia đình không thuộc khu vực phong tỏa cách ly.
Những người thực hiện nhiệm vụ ngoài khung giờ từ 6:30 đến 8:00 và từ 16:30 đến 18:00 thì vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp trong trường hợp đổi ca, bị nhiễm Covid-19... Trường hợp đặc biệt do yêu cầu công việc cần lưu thông thì Công an TPHCM xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.
Công an TPHCM đề nghị các đơn vị gửi danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng ký làm việc tại trụ sở về Sở Nội vụ để tập hợp, sau đó gửi về Công an TPHCM để cập nhật danh sách quản lý về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Liên quan đến việc kiểm soát người lưu thông từ nay đến 30-9, tại buổi họp báo chiều 22-9, ông Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TPHCM, cho biết công an các quận, huyện vẫn bố trí các chốt kiểm soát tại từng địa bàn nhưng vẫn đảm bảo cho các nhóm được phép ra đường được lưu thông.
Ông Tuyến cho biết, ngoài việc kiểm tra tại các chốt kiểm soát, công an các quận, huyện tổ chức các tổ kiểm soát lưu động, xử lý người vi phạm, ra đường không có lý do chính đáng, tập trung đông người. Vì vậy, ông khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường khi không cần thiết.
Cá nhân, hộ kinh doanh được miễn thuế 6 tháng cuối năm 2021
Trên trang thông tin của Kinh tế Sài Gòn Online vừa cập nhật, hộ và cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, trên mọi địa bàn được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3, 4-2021, theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Đây là một trong những đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19.
Với các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trong mọi ngành nghề, trên mọi địa bàn và áp dụng các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3, 4-2021, thay vì giảm 50% như đề xuất trước đó.
Với các trường hợp đã nộp thuế phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các tháng của quý 3, 4-2021, cơ quan thuế sẽ xử lý bù trừ số tiền đã nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh trong các kỳ tiếp theo.
Nhưng chính sách này không áp dụng với các cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.
Để xác định số thuế được miễn, Bộ Tài chính cho biết các trường hợp cơ quan thuế phải ra thông báo, thì căn cứ số thuế phải nộp trong các tháng quý 3, 4-2021 trên thông báo để xác định số tiền thuế được miễn của hộ, cá nhân kinh doanh. Với trường hợp không phải ra thông báo, người nộp thuế gồm các tổ chức khấu trừ, khai thay, nộp thay, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ sẽ căn cứ số thuế phải nộp trên tờ khai thuế để xác định số thuế được miễn.
Với trường hợp khai khuế theo kỳ thanh toán hoặc khai theo năm, số thuế được miễn là tiền thuế phải nộp tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong 3 và 4.
Với trường hợp không xác định được doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý 3, 4 trên hợp đồng, việc xác định số thuế được miễn sẽ dựa trên doanh thu bình quân mỗi tháng của năm 2021.
Bên cạnh đề xuất miễn thuế cho các hộ và cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 30% thuế TNDN cho đơn vị có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và bị giảm so với tổng doanh thu năm 2019 – trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Với doanh nghiệp mới thành lập, hoặc đối tượng nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021, cơ quan này sẽ không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.
Để xác định tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp này ở mức trên hay dưới 200 tỉ đồng, Bộ Tài chính cho biết sẽ áp dụng công thức: tổng doanh thu thực tế của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế năm 2021 chia (:) số tháng thực tế sản xuất kinh doanh, rồi nhân (x) 12 tháng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính dự kiến giảm 30% thuế GTGT từ ngày 1-10 đến hết năm 2021 cho một số hoạt động sản xuất và dịch vụ với mục tiêu cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng và không giảm cho các lĩnh vực được hưởng lợi trong dịch Covid-19.
Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành gồm vận tải (đường sắt, đường thuỷ, hàng không, vận tải đường bộ), dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động của đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch, hoạt động xuất bản điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc, hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí, thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí sẽ được giảm thuế GTGT trong 3 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, hoạt động xuất bản phần mềm và các hàng hoá dịch vụ thực hiện trực tuyến không thuộc phạm vi hỗ trợ của chính sách này.
Cuối cùng, Bộ Tài chính đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 với doanh nghiệp, tổ chức – gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh – lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Phùng My tổng hợp