Toàn tuyến đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) đã được gỡ bỏ rào chắn và cho xe lưu thông. Riêng khu vực bùng binh trước chợ Bến Thành vẫn đang thực hiện những hạng mục cuối và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
- TPHCM: Toàn bộ mặt bằng đường Lê Lợi ở trung tâm sẽ được hoàn trả vào đầu tháng 9
- Mặt bằng “vàng” đường Lê Lợi dần lộ diện sau nhiều năm rào chắn, thi công
- TPHCM: Giá thuê mặt bằng đường Lê Lợi tăng gấp đôi, 250-300 triệu đồng/tháng
Bắt đầu rào chắn để thi công ga ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) từ 2016, đến nay, toàn bộ tuyến đường Lê Lợi từ đoạn giao cắt với Nguyễn Huệ đến Phan Bội Châu đã được hoàn trả, tái lập lại mặt đường và cho xe lưu thông.
Trước đó, hồi tháng 4-2020, toàn bộ rào chắn tại ga Nhà hát thành phố, đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ đã được tháo dỡ.
Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, đơn vị thi công đã tiến hành tháo dỡ các rào chắn trên đường Lê Lợi đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur. Đoạn từ Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng đã được đưa vào sử dụng hôm 27-8.
Hôm 31-8, những đoạn rào chắn cuối cùng trên đường Lê Lợi, đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Phan Bội Châu cũng đã được tháo gỡ và cho xe lưu thông.
Ông Vũ Hoàng Hải, kỹ sư phụ trách gói thầu CP1a (thuộc tuyến metro số 1) của nhà thầu Sumitomo Mitsu-Cienco 6, cho biết khu vực bùng binh trước chợ Bến Thành đang được tổ chức thiết kế lại theo chỉ đạo mới của thành phố như trải nhựa, chỉnh trang lại khu vực này, và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Mới đây, UBND quận 1 đã đề xuất tổ chức phố đi bộ trên đường Lê Lợi để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế đêm.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào quí 4-2023.
Minh Hoàng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online