Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Đường chạy phong trào dẫn vào kinh tế

(SGTT) - Dù chưa bước vào thời điểm bùng nổ các hoạt động thể thao phong trào (mùa hè), thế nhưng tần suất các giải chạy bộ được tổ chức ngày một dày hơn. Thời gian qua, cộng đồng chạy bộ chứng kiến nhiều sự thay đổi về số lượng và chất lượng giải chạy ở các tỉnh thành khác nhau. Các hoạt động du lịch cũng đón sóng, nương theo các giải chạy góp phần kích cầu kinh tế thể thao tại địa phương.

Nhiều cơ hội từ du lịch thể thao

Vài tháng đầu năm 2024, TPHCM đã có liên tiếp các giải chạy ở trung tâm “mở bát” như giải VPBank VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight 2024, giải Marathon Thành phố Hồ Chí Minh (HCMC Marathon) lần thứ 11, làm nóng đường chạy với sự tham gia hơn tổng 20.000 vận động viên.

Theo thống kê số liệu từ Outbox, trong năm 2023, Việt Nam có hơn 35 giải chạy marathon quy mô với sự tham gia khoảng 200.000 người tham dự (tính từ 8-2022 đến 8-2023) rải rác khắp các tỉnh thành. Với nhóm tuổi từ 25-35, khảo sát chỉ ra đây là đối tượng runner (người chạy bộ) góp mặt chính cho các giải.

Bên cạnh động cơ chính là yếu tố sức khoẻ thể chất, chinh phục mục tiêu của bản thân, việc tham gia các giải chạy như một cách giải toả căng thẳng, cũng như kết hợp du lịch ở một điểm đến, cũng là lý do hàng đầu lý giải cho làn sóng lan rộng xu hướng tham gia sự kiện thể thao trong cộng đồng marathon Việt Nam.

Đại diện Outbox chỉ ra chi phí tham gia một giải chạy phổ biến trong mức 5 – 10 triệu đồng, với độ dài lưu trú 2-3 đêm khi kết hợp du lịch trong 2 ngày nếu chỉ đến chạy rồi về. “Lưu trú là hạng mục được chi tiêu nhiều nhất, người tham gia thường thuê khách sạn gần nơi diễn ra sự kiện thể thao hoặc có thể ở với bạn bè, người quen để tiết kiệm chi phí”, vị này nói thêm.

Ông Nguyễn Tử Anh, dại diện Nexus Sport Events, đơn vị tổ chức sự kiện thể thao, giải trí, đang xây dựng hệ thống giải chạy Việt Nam Nexus Marathon Series (VNMS) cho biết, năm 2023 đơn vị đã phối hợp tổ chức 11 sự kiện/giải chạy với tổng 65.000 lượt người tham gia. Trong đó có khoảng 9.500 lượt người đăng kí từ 2 giải trở lên, khoảng 26.000 gương mặt mới.

Một số giải của công ty tổ chức ở miền Nam Việt Nam như giải Quốc tế Mekong Delta Marathon Hậu Giang (mùa thứ 4), DaLat Music Night Run, Bến Tre Marathon, Đất Sen Hồng Marathon, Cà Mau Marathon…

Giải marathon ở Hậu Giang đã qua mùa thứ tư. Ảnh: DNCC

Một đơn vị khác đã có hơn 11 lần đồng tổ chức mùa giải marathon tạo nên thương hiệu của TPHCM, ông Bady Phạm, giám đốc của Pulse Active nhìn nhận, từ những mùa đầu tiên năm 2013, phong trào chạy bộ ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng ngày càng thu hút người dân khắp nơi và khách quốc tế quan tâm.

Được biết, số lượng vận động viên tham gia ở 2 cự ly ngắn 5km và 10km qua các năm luôn chiếm khoảng 50-60% trên tổng số người tham gia mỗi giải (tương ứng khoảng 5.000 – 6.000 người). Phần lớn các runner tham gia 2 cự ly này là người mới làm quen với chạy bộ.

Số lượng người chạy tham gia hai cự ly dài là 21km và 42km cũng tăng thêm 200% so với năm 2017Đây là một tín hiệu mừng khi càng có nhiều người dân quan tâm đến chạy bộ và ngày càng cải thiện khả năng.

Với số lượng hơn 11.000 người tham gia giải HCMC Marathon lần thứ 11, ông Bady Phạm cho biết vận động viên tăng khoảng 16% so với năm 2023. Riêng giải Danang International Marathon – Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng sắp tới ước tính có khoảng 25-30% vận động viên quốc tế đến từ 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 46% so với năm 2023.

Tháng 1-2024 diễn ra giải HCMC Marathon lần thứ 11 với khoảng 11.000 vận động viên tham gia. Ảnh: DNCC

Ông nói thêm “Các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng này khi rất nhiều công ty tham gia đồng hành cùng các sự kiện marathon với những vai trò khác nhau như nhà tài trợ, đối tác, người tham gia. Các doanh nghiệp khuyến khích nhân viên chạy bộ như một hoạt động xây dựng tinh thần nhóm, cải thiện sức khỏe và chất lượng công việc”.

Nhân rộng còn khó nhưng nhiều dư địa

Với VietRace365, đơn vị tổ chức rất nhiều giải chạy online từ năm 2018 đến nay nhìn nhận, thể thao phong trào phát triển không chỉ ở số lượng giải, runner tham gia mà còn thấy sự nhân rộng các câu lạc bộ, đội nhóm phong trào ở mỗi tỉnh thành.

Giai đoạn dịch bệnh 2020, 2021 từng là hai năm phát triển đột biến các hình thức chạy online. Đến 2023, thống kê của VietRace365 cho thấy có khoảng 200.000 lượt người tham gia với tổng 170 sự kiện giải online, trong đó khối doanh nghiệp tổ chức cho nội bộ hơn 100 giải, tăng trưởng so với 2022 khoảng 20%. Năm 2023, đơn vị cũng đã lấn sân làm giải chạy offline, phối hợp, tham gia làm 29 giải, thu hút hơn 28.000 vận động viên tham dự.

Ông Lê Văn Dương, nhà sáng lập VietRace365, chỉ ra những khó khăn song song với cơ hội giãn nở thị trường kinh tế chạy bộ hiện nay ở công tác vận hành giải chuyên nghiệp, chi phí tổ chức.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tham gia chạy bộ như hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí tăng lên, đơn vị tổ chức nương theo mở ra rất nhiều nhưng không phải dễ làm giải hay ai có tiền đều có thể làm được. Ban tổ chức sẽ đối diện với rủi ro tài chính lớn hoặc có đủ chi phí nhưng không đủ năng lực làm giải chuẩn chỉnh.

Hoạt động sôi nổi từ các câu lạc bộ đội nhóm, runner phong trào ở địa phương. Ảnh: DNCC

Thực tế, qua một năm 2023 kinh tế khó khăn, không ít nhà làm giải không kêu được gọi tài trợ, gói hỗ trợ tốt từ doanh nghiệp như những năm khác. Thậm chí có những giải không có nhà tài trợ hiện kim, phải thay bằng hiện vật, quà tặng… có ban tổ chức chấp nhận hoãn hủy giải, hoặc chịu lỗ vẫn làm để giữ uy tín với vận động viên.

Cụ thể, doanh thu từ việc bán vé chạy chỉ chiếm khoảng 30% chi phí tổ chức. Những ai về địa phương mới để thúc đẩy các giải marathon, nhà làm giải cũng chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ của chính quyền mà từ nguồn xã hội hóa hoặc tự trang trải là chính.

Bài toán đặt ra cho các đơn vị làm giải phải kêu gọi tài trợ phù hợp, cân đo cho mọi công tác vận hành. Còn ở địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá phải đạt chuẩn đường chạy. Bên cạnh đó số lượng phòng nghỉ, điểm lưu trú, cơ sở vật chất, địa phương phải đáp ứng được lượng lớn vận động viên đổ dồn về một lúc.

“Những yếu tố này phát triển chắc chắn sẽ thúc đẩy được chuyện kinh tế, du lịch của địa phương cũng như thu hút các nhà làm giải chạy đổ về khai thác. Song tốc độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chỗ lưu trú không theo kịp với tốc độ nhân rộng của runner cũng là một thực tế hiện nay”, ông Dương nói.

Nhìn chung, số lượng giải hiện nay tuy nhiều nhưng chỉ chiếm khoảng 1/3 các tỉnh thành Việt Nam. Các thành phố có nhiều giải vẫn có thể khai thác thêm ở khía cạnh khác. Thị trường cạnh tranh nhưng không quá khốc liệt, mỗi runner sẽ có một nhu cầu chạy ở nhiều thời điểm, nhiều điểm đến khác nhau nên cơ hội đa dạng sản phẩm trong tương lai vẫn còn rộng mở.

Ở nhà tổ chức chuỗi giải chạy VNMS, ông Tử Anh đánh giá thị trường khả quan hơn trong năm 2024 khi nhìn thấy nhiều doanh nghiệp, thương hiệu giải chạy lớn đầu tư, xuất hiện ở Việt Nam làm vị thế sự kiện thể thao được nâng tầm.

Cụ thể từ đơn vị của mình, ông Nguyễn Tử Anh bộc bạch thời gian trước đây khi đi tìm tài trợ phải mất nhiều thời gian, công sức hơn. Còn hiện nay, việc quảng bá sản phẩm giải chạy đã được các bên đầu tư chào đón một cách nghiêm túc. Đối tác xem giải chạy cũng là một kênh quảng bá hiệu quả bởi sản phẩm được thúc đẩy theo xu thế nên cũng chung tay một cách tích cực hơn cùng đơn vị tổ chức giải.

Giải chạy bùng nổ cũng đưa đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các ngành hàng tiêu dùng nhanh, thời trang và phụ kiện thể thao, thực phẩm chức năng hỗ trợ vận động… Do đó các giải chạy kích thích nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe ngày một nhiều hơn.

 

Đường chạy marathon ở vùng đất sen Hồng Đồng Tháp. Ảnh: DNCC

Đại diện Nexus nhấn mạnh, trong thời gian tới ban tổ chức sẽ nâng cấp thêm sản phẩm đường chạy, thêm trải nghiệm thể thao hấp dẫn, hoạt động phục vụ vận động viên. Quan trong nhất là kết hợp sáng tạo cùng địa phương tạo ra nhiều gói du lịch giữ chân khách đến đường đua như một mùa lễ hội thể thao, tăng sự hiện diện của các thương hiệu khắp nơi.

“Chúng tôi thấy được sự ủng hộ từ chính quyền các địa phương ngày một nhiều. Họ hợp tác đẩy mạnh truyền thông cả giải chạy và sản phẩm du lịch riêng của điểm đến. Tôi nghĩ có càng nhiều ban tổ chức làm giải, sản phẩm phân hóa rõ vào nhu cầu của runner thì cộng đồng càng có nhiều lựa chọn phù hợp với mong muốn rèn luyện, khám phá, thăm thú… Thị trường vẫn còn nhiều dư địa từ các thành phố lớn và tỉnh thành có sản phẩm đặc trưng”, ông Tử Anh nói.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giải chạy phong trào ngày càng chú trọng vào chất lượng

0
(SGTT) – Hiện nay không khó để tìm các giải chạy phong trào tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau. Tuy vậy, trong...

Nữ kế toán Việt chinh phục cự ly chạy siêu dài...

0
(SGTT) – Không dừng lại ở những giải đấu có cự ly chạy lên đến 160km, tháng 9 vừa qua, nữ runner Lê Phương...

Hơn 10.000 vận động viên từ 42 quốc gia tham gia...

0
(SGTT) - Ngày 22-9-2024, Giải Marathon Quốc tế Hà Nội Techcombank mùa thứ 3 đã diễn ra với sự tham gia của hơn 10.000...

10.000 vận động viên sẽ tham gia giải marathon Đất Sen...

0
(SGTT) - Tại Quảng trường Văn Miếu ở TP Cao Lãnh vào ngày 12,13-10, giải Marathon Đất Sen Hồng Đồng Tháp 2024 - Cúp...

Du lịch Đà Nẵng tạo ‘lực hấp dẫn’ từ các sự...

0
(SGTT) - Đà Nẵng chuẩn bị tổ chức giải golf quốc tế năm thứ 3 liên tiếp với kỳ vọng đây sẽ là điểm...

Sôi động giải chạy bộ vượt chướng ngại vật cùng Dai-ichi...

0
(SGTT) – Sáng nay, 10-8, tại công viên Ravopark, phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, TPHCM, Dai-ichi Life Việt Nam đã tổ chức...

Kết nối