Với kinh nghiệm từng xử lý vụ việc tương tự, các bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với bệnh viện địa phương để cứu chữa cho những bệnh nhân ở Quảng Nam bị ngộ độc nặng, tiên lượng xấu do ăn cá chép muối chua.
- Khánh Hòa: Nghi ăn nhầm so biển, 3 thực khách phải nhập viện cấp cứu
- Vụ ngộ độc trường Ischool: vi khuẩn Salmonella thường có trong thực phẩm nào và ai dễ chuyển bệnh nặng?
- Quảng Nam: Tìm thấy vi khuẩn Botulinum trong pate Minh Chay
Theo Tiền Phong, tính đến sáng 20-3, ba ca bị nặng là H.V.Đ (57 tuổi), H.T.T (37 tuổi) và H.V.Đ (26 tuổi) đang dần có tiến triển hồi phục khả quan. Trước đó, bệnh nhân H.V.Đ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém và không có nhịp tự thở. Bệnh nhân H.T.T nhập viện trong tình trạng yếu tứ chi, suy hô hấp. Còn bệnh nhân H.V.Đ lừ đừ, tiếp xúc chậm và cũng bị yếu tứ chi.
Để có kết quả này, các chuyên gia là bác sĩ đến từ bệnh viện Chợ Rẫy đã đúc kết kinh nghiệm từ vụ ngộ độc pate Minh Chay vào năm 2020 để xứ lý cùng bác sĩ địa phương. Những ca bệnh nặng được dùng lọ thuốc giải độc liên quan có giá đến 8.000 đô la Mỹ (hơn 190 triệu đồng).
Được biết, ba ca bệnh này thuộc nhiều nhóm trên địa bàn Quảng Nam bị ngộ độc thực phẩm bởi dùng món cá chép muối chua trong thời gian gần đây. Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy món ăn có chứa clostridium botulinum type E (+), khiến những người này bị ngộ độc botulinum. Như vậy, đến thời điểm này, 10 ca bệnh ghi nhận một ca tử vong, còn lại đang được cứu chữa và ca bệnh nhẹ thì đã xuất viện.
Thực tế, cá muối ủ chua là món ăn truyền thống của một số vùng miền, trong đó có Quảng Nam. Người dân nơi đây thường làm món ăn này bằng cách sơ chế cá sạch, cắt khúc vừa ăn, ướp muối rồi trộn với cơm nguội và bỏ vào hũ ủ chua. Chuyên gia trong ngành nhận định, cách chế biến này tạo môi trường cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển. Người bị nhiễm khuẩn này nhẹ thì buồn nôn, đau bụng; nặng thì liệt tứ chi, liệt hô hấp và nặng nhất là tử vong.
Theo Bộ Y tế, các loại thịt hộp, rau củ quả, hải sản đóng hộp hay bịt kín trong bao túi, chai, gói… đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn này. Đặc biệt, nếu thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo nguy cơ này còn cao hơn. Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thận trọng với các sản phẩm thực phẩm đóng kín, chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
Để phòng ngộ độc botulinum
- Khi muối chua, thực phẩm cần được rửa và nấu đúng cách. Dụng cụ làm bếp, hộp đựng hoặc bề mặt tiếp xúc thực phẩm cần phải rửa sạch với xà phòng và nước nấu chín.
- Đóng hộp thực phẩm và bảo quản đúng cách.
- Không sử dụng hộp thức ăn có nắp trữ cong, phù, lồi lên hoặc có mùi lạ.
- Nấu sôi thực phẩm khoảng 10 phút trước khi dùng để phân hủy độc tố.
- Giữ vệ sinh cho trẻ, tránh để trẻ cho tay bẩn vào miệng. Với vết thưởng nhiễm độc tố này cần chăm sóc, vệ sinh ngay hoặc hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn.
Phúc Vinh tổng hợp