HOÀNG XUÂN PHƯƠNG -
Cây chè xanh, có tên khoa học là camellia sinensis, đã trở thành thức uống lâu đời nhờ hương vị thơm ngon cùng nhiều hoạt chất tăng cường sức khỏe. Quá trình chế biến các thứ lá chè thành các loại trà đã trở thành một kỹ nghệ ăn nên làm ra. Nhưng những báo cáo lâm sàng cũng cho thấy không ít trường hợp bệnh nhân bị tổn hại bởi những thứ trà không rõ ràng.
Ngày 23-9, trang báo điện tử chuyên ngành lâm sàng BMJ Case Reports cho biết một thiếu nữ 16 tuổi đã bị viêm gan cấp tính sau ba tháng sử dụng mỗi ngày ba tách trà xanh Trung Quốc được rao bán trên mạng với tính năng giảm cân. Cô không thể đọc được các dòng chữ Hoa trên nhãn, nhưng cảm thấy sức khỏe mỗi ngày một yếu đi cho tới khi xuất hiện chứng vàng da và người ta buộc phải chuyển cô ngay đến bệnh viện để kịp thời cứu chữa.
Quy trình chế biến có thể là nguyên nhân chính biến trà xanh thành chất gây hại cho gan.
Bác sĩ điều trị cho biết trước đó thiếu nữ này hoàn toàn khỏe mạnh, không đi du lịch đâu xa và cũng không dùng loại thuốc nào, mặt khác hệ thống miễn dịch vẫn hoạt động tốt. Rất may, sau hai tháng điều trị và ngừng sử dụng trà xanh, gan của bệnh nhân đã có thể hoạt động bình thường. Cô cho biết cô chỉ giảm cân được vài ký và dần dà cảm thấy đau nhức kinh khủng nơi những khớp xương, cảm thấy hoa mắt, và rồi trở bệnh.
Nhưng đây không phải là trường hợp đầu tiên mà trà xanh gây bệnh. Năm 2005, một phụ nữ tại Pháp đã phải thay gan chỉ vì tự tìm uống trà xanh nhãn hiệu E. để giảm cân. E. là thứ bột trà xanh chiết xuất bằng cồn ethanolic, trong đó 80% là tinh chất trà xanh với thành phần catechins chiếm đến 25% dưới dạng epigallocatechin gallate, và từ 5% đến 10% là caffeine. Thứ thức uống bổ sung này được dùng tại Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Anh Quốc kể từ những năm 1990 cho các chương trình giảm cân.
Ở trường hợp khác, một phụ nữ 63 tuổi được chỉ định uống loại thuốc viên nhộng chứa chiết xuất trà xanh để hỗ trợ điều trị ung thư, nhưng cuối cùng mắc phải viêm gan cấp tính. Viên bổ sung trà xanh là một liệu pháp điều trị khá phổ biến nhờ vào tính năng tăng cường sức khỏe của catechins, thường biết đến dưới công thức EGCG (epigallocatechin-3-O-gallate), nhưng ở đây bệnh nhân gặp phải tác dụng bất lợi. Nguyên nhân được cho là EU chưa có được một hệ thống kiểm tra nhất quán đối với các loại dược thảo.
Nhưng trà xanh không phải là dược thảo duy nhất có những bất lợi lên gan. Một nghiên cứu năm 2008 tại Tây Ban Nha cho thấy trong khoảng thời gian 1994- 2006, dược thảo dưới dạng thuốc trị bệnh hay thuốc bổ sung đã gây nên đến 2% những biến chứng nguy hiểm cho người sử dụng tại nước này. Điều này có nghĩa là dược thảo có thể nguy hại cho gan cao hơn cả những loại thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị thần kinh. Đứng đầu danh sách dược thảo có thể gây hại cho gan có chất trà xanh camellia sinensis.
Dẫu sao trà xanh vẫn là một thức uống được ưa chuộng, mang lại nhiều tích cực hơn là tiêu cực cho sức khỏe con người. Chính quá trình chế biến từ lá chè thành trà, và từ trà thành các thức uống hay cô đặc thành tinh chất mà phần công nghệ được phép giữ kín là nơi ẩn giấu những hiểm nguy khi sử dụng trà, đặc biệt là đối với gan. Trong những điều kiện bình thường và ở mức độ vừa phải, gan có khả năng phân hủy độc chất thành các chất biến dưỡng vô hại. Nhưng khi gan đã bị tổn hại thì mọi chuyện đều trở nên xấu đi.