(KTSG Online) - Khi bước vào thị trường Bắc Mỹ, doanh nghiệp Việt cần sớm đăng ký nhãn hiệu và lập kế hoạch dự phòng cũng như tính đến chuyện rủi ro. Đây là thị trường tuy rộng lớn nhưng cũng đầy thách thức, doanh nghiệp cần tìm "ngách" thích hợp thay vì "đốt tiền" làm tiếp thị mà không xác định được khách hàng mục tiêu.
- Vai trò của thương hiệu trong nền kinh tế hiện đại
- Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn chưa cao?
- Cần làm gì để bảo vệ nhãn hiệu và thương hiệu ở thị trường nước ngoài?
Bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ, cố vấn cao cấp Ủy ban chuyên gia Sở hữu trí tuệ AIPLA (thuộc Hiệp hội Luật Sở hữu trí tuệ Mỹ), chuyên gia về thương mại hóa tài sản trí tuệ quốc tế đã lưu ý với doanh nghiệp như trên tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Bắc Mỹ - Nhiều vấn đề khó lường”.
Sự kiện diễn vào hôm nay (19-12) do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng TPHCM.
Thị trường rộng lớn cho hàng Việt
Bắc Mỹ là thị trường tiêu thụ khổng lồ, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua. Năm 2023, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 97 tỉ đô la Mỹ. Trong 11 tháng 2024, Mỹ nhập từ Việt Nam đạt gần 109 tỉ đô kim ngạch, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Lượng hàng xuất sang Canada và Mexico cũng đạt hơn 5-6 tỉ đô la Mỹ mỗi nước. Đáng chú ý, Canada, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 ở khu vực này của Việt Nam trong 11 tháng qua và có tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan, được Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada dự báo sẽ vượt mốc 10 tỉ đô la.
Thị trường Bắc Mỹ được các chuyên gia đánh giá sẽ tiếp tục mang lại những cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2025 và thời gian sắp tới. Tuy vậy, con đường tiếp cận thị trường lại không hề bằng phẳng bởi việc xác định rào cản thật sự đang nằm ở đâu vẫn là câu hỏi khó với những nhà xuất khẩu Việt Nam.
Phải định vị doanh nghiệp, đừng vội "đốt tiền"
Doanh nghiệp tự định vị mình ở đâu khi ra thị trường quốc tế là câu hỏi quan trọng nhất, theo bà Nguyễn Ngọc Trâm, người có hơn 10 năm làm việc ở Mỹ và đồng thời là chuyên gia về thương mại hóa tài sản trí tuệ quốc tế.
“Ở trong nước, doanh nghiệp có thể đứng đầu trong ngành hàng, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhưng đến khi ra thị trường mênh mông của nước Mỹ, họ có thể trở thành con số 0 hoặc ở nấc thang rất thấp trong nhận diện thương hiệu, nhận diện sản phẩm. Chúng ta cần chấp nhận thực tế này để có chiến lược đúng đắn”, bà Trâm nói.
Để xâm nhập thị trường, phần lớn các doanh nghiệp Việt thường mang các giải pháp trong nước áp dụng ở nước ngoài như thị trường Mỹ. Chẳng hạn như chi nhiều tiền để chạy truyền thông, quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội và xem đây là cách tiếp thị chủ đạo.
Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp khi doanh nghiệp đã có thương hiệu tốt và được nhận biết ở thị trường đó. Với một thương hiệu mới hoàn toàn, không tên tuổi mà thực hiện theo cách này, theo chuyên gia, đây là cách làm tốn kém và không hiệu quả. Đáng chú ý, việc chạy quảng cáo theo diện rộng, không có mục tiêu ưu tiên còn bị xem là một cách “đốt tiền”.
“Đốt tiền như vậy thì dù đơn vị là đồng đô la, euro hay franc thì cũng đều sẽ cháy rất nhanh. Doanh nghiệp Việt cần định vị thương hiệu ở thị trường mới, trên thị trường quốc tế và họ cần một cái nhìn chuyên sâu và kết hợp giữa nhân sự nội bộ, các chuyên gia nghiên cứu thị trường và các chuyên gia khác”, bà Trâm nói.
Cần xác định thị trường ngách
Vậy làm cách nào để có thể tiếp cận và đưa hàng hóa vào được thị trường khu vực này, đặc biệt là thị trường rộng lớn và có mức sống cao như ở xứ cờ hoa?
Tham gia thương mại điện tử và hoạt động trên các nền tảng số là một trong những cách mà chuyên gia này gợi ý với doanh nghiệp.
Theo bà Trâm, thị trường ngách là một cánh cửa giúp doanh nghiệp bước vào thị trường mới có các nền tảng thương mại điện tử, B2C, D2C lớn như Mỹ, Canada. Đáng chú ý, thị trường rộng lớn ở Mỹ, khoảng 70% người tiêu dùng trong số hơn 341 triệu dân đang mua sắm ở kênh này.
Còn theo inBeat Agency, công ty tiếp thị ứng dụng di động, hơn 80% dân số Mỹ mua sắm trực tuyến trong năm 2023. Ước tính mỗi người chi 3.370 đô la mua sắm trực tuyến, giúp thị trường thương mại điện tử đạt giá trị 905 tỉ đô la trong năm ngoái.
Người Mỹ thường mua trực tuyến các sản phẩm thời trang, tiếp đó là đồ gỗ và đồ nội thất, máy tính và đồ điện gia dụng. Năm 2023, khoảng 106,8 triệu lượt mua sắm trên các nền tảng xã hội. California, New York, Texas, Florida và Pensylvania thuộc top 5 mua sắm trực tuyến tại Mỹ, theo dữ liệu từ Anilyzify, ứng dụng phân tích dữ liệu của sàn thương mại điện tử Shopify.
Chính vì thế, chuyên già này cho rằng, thương hiệu Việt cần nhắm đến đối tượng khách hàng cụ thể. Tìm đúng thị trường ngách giúp mở cánh cửa cho doanh nghiệp muốn phát triển thương hiệu ở thị trường ở Mỹ và Canada.
Tuy nhiên, với biển hàng hóa khổng lồ ở Mỹ, các sản phẩm Việt Nam thuộc loại “không tên”, ít được nhận biết. Nếu chạy theo dòng phổ thông hay bình dân, doanh nghiệp khó có thể tạo ấn tượng với người tiêu dùng Mỹ bởi có quá nhiều mặt hàng tương tự rất nhiều nước.
Để tiếp cận và xâm nhập thị trường, doanh nghiệp cần phải thiết kế, tạo ra sản phẩm cao cấp và khác biệt, có thể bằng chất lượng nguyên liệu đặc thù - thân thiện hoặc sản phẩm mang tính địa phương, đặc sắc riêng (private label)… Sản phẩm cần có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng.
"Ném một sản phẩm vào cái hồ mênh mông với quy mô hơn 270 triệu người hay bắn mũi tên vào đích cụ thể, doanh nghiệp phải xác định rõ khách hàng tiềm năng của mình", bà nói và cho biết, người Mỹ có thể dùng thử sản phẩm miễn phí từ doanh nghiệp nhưng có sẵn sàng mua hay không lại là chuyện khác.
Sớm xây dựng thương hiệu và ứng phó rủi ro
Liên quan đến câu chuyện chinh phục thị trường Bắc Mỹ, việc dọn đường đưa thương hiệu của doanh nghiệp vào thị trường này và cần làm gì để bảo vệ chúng cũng là một mảng nội dung đáng chú ý khác của hội thảo.
Thương hiệu và nhãn hiệu là tài sản có giá trị của doanh nghiệp. Ở Mỹ, thương hiệu và nhãn hiệu có thể được mua bán và chuyển nhượng. Để có thể mua bán nhãn hiệu, doanh nghiệp cần đăng ký nhãn hiệu để sở hữu độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể của mình tại Mỹ. Việc đăng ký này không chỉ giúp bảo vệ quyền sở hữu mà còn tăng cường giá trị thương hiệu trong mắt khách hàng và đối tác.
Thương hiệu khác với nhãn hiệu nhưng cả hai đều có thể mua bán và là một phần không thể thiếu của nhau.
Thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có tầm nhìn kinh doanh dài hạn, đồng thời chuẩn bị nhiều kế hoạch ngắn hạn cùng lúc để ứng phó với các biến động ở thị trường này. Từ những khác biệt giữa luật liên bang và các tiểu bang, giữa các tiểu bang với nhau, các biến động của chuỗi cung ứng và logistics trên toàn cầu... có thể ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho thị trường Mỹ.
Việc chuẩn bị cùng lúc nhiều kế hoạch nhỏ hơn với các tình huống cụ thể rất quan trọng khi có đình công, tắt nghẽn giao thông, giá cước tàu biển tăng vọt... Doanh nghiệp cần tính toán, dành riêng một quỹ nhỏ cho việc thử nghiệm sản phẩm ở thị trường quốc tế. Quỹ này không chỉ dồn cho chương trình tiếp thị quảng cáo.
Bán hàng ra nước ngoài đã khó nhưng khi bán được hàng, tiền chảy về Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trân, chuyên gia tài chính, ngân hàng và thuế, Giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM, khuyên doanh nghiệp thuê dịch vụ nước sở tại thực hiện.
"Chi phí tuân thủ pháp luật ở nước ngoài có thể cao nhưng các chuyên gia trong từng lĩnh vực có thể cung cấp các giải pháp hiệu quả để phù hợp với nguồn tiền của các công ty và đảm bảo tuân thủ”, ông Trân nói.