(SGTT) - Việc có thể thay thế khẩu trang y tế bằng khẩu trang vải và dùng cồn để rửa tay mang đến cho người dùng thêm sự lựa chọn để bảo vệ sức khỏe trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, những người tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus nCoV hoặc tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp phải đeo khẩu trang y tế ba lớp. Những người còn lại có thể dùng khẩu trang vải thay thế khẩu trang y tế khi ra phố, đến các khu vực tập trung đông người hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Người dân có thể rửa tay bằng cồn thay cho xà phòng hay nước rửa tay.
Chọn vải dệt kim, dệt thoi để hạn chế virus lây lan
Trả lời báo chí-truyền thông, PGS-TS Bùi Mai Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật dệt may trường Đại học Bách khoa TPHCM, đã nói về việc chọn loại vải nào mới hạn chế được virus nCoV. Khẩu trang thường được làm từ hai vật liệu chính gồm vải (dệt kim, dệt thoi) và vải không dệt. Khẩu trang y tế dùng một lần thường dùng vải không dệt với nguyên liệu chính là polypropylen có độ che phủ bề mặt cao hơn.
Tuy nhiên, khẩu trang được làm từ vải dệt thoi, dệt kim vẫn có thể hạn chế dịch của người sử dụng văng ra bên ngoài cũng như hạn chế người sử dụng đưa tay trực tiếp lên miệng. Đặc biệt, khẩu trang vải dệt thoi, dệt kim khi được tẩm hợp chất kháng khuẩn thì có thêm tác dụng phòng bệnh.
Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện tập đoàn đang sản xuất sản phẩm khẩu trang bằng vải dệt kim gồm hai lớp, trong đó có một lớp kháng khuẩn. Loại khẩu trang này có thể tái sử dụng khoảng 30 lần giặt và có thể sử dụng trong phòng dịch. Giá bán lẻ là 7.000 đồng/chiếc.
Tiến sĩ Bùi Mai Hương cũng khuyến cáo người dùng không nên tự may khẩu trang vì không phải ai cũng có bộ rập may khẩu trang phù hợp như ở nhà máy.
Cần đeo khẩu trang vải đúng cách
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân, giảng viên môn vi sinh, Khoa Y, trường Đại học Y Dược TPHCM, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TPHCM, tác nhân Covid-19 lây lan qua dịch tiết từ người mang virus bắn ra ngoài qua việc ho, hắt hơi (từ ngữ chuyên môn: giọt bắn). Do vậy, chúng ta chỉ cần đeo khẩu trang che kín mũi và miệng là sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm bệnh. Người khỏe mạnh có thể dùng bất kỳ khẩu trang nào cũng được như khẩu trang y tế, N95, 3M hay khẩu trang vải.
Bác sĩ Phạm Hùng Vân cũng lưu ý rằng khẩu trang “chỉ giúp ngăn giọt bắn từ người khác vào mũi hay miệng chúng ta chứ không phải ngăn chặn virus hoàn toàn vì chưa có một khẩu trang nào kể cả khẩu trang y tế thông thường ngăn chặn được virus”.
Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo rằng việc người dùng có xu hướng giặt và sử dụng lại khẩu trang sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh vì virus bám trên mặt ngoài lại có cơ hội nhiễm vào mũi, miệng người dùng.
Nếu muốn dùng lại khẩu trang vải, sau khi dùng xong phải ngâm trong dung dịch chloramine B 0.5% hay nước Javel để sát trùng trước khi giặt là, như vậy mới an toàn. Người hoàn toàn khỏe mạnh, không thuộc diện bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế, có thể dùng khẩu trang vải để tiết kiệm.
Nên chọn cồn 70 độ
Khẩu trang chỉ là một trong các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa giọt bắn, còn biện pháp rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi, dùng các dụng cụ ăn uống sạch vẫn là giải pháp rất cần thiết và cần phải áp dụng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cồn có tác dụng kháng khuẩn là do cồn gây biến tính protein của vi khuẩn, virus. Khi chọn dung dịch rửa tay để phòng ngừa dịch bệnh do virus nCoV gây nên, người dân chỉ cần lựa chọn loại có chứa cồn 75%. Hiện nay, thị trường có rất nhiều loại nước rửa tay dạng xà bông diệt khuẩn, nước rửa tay khô chứa cồn như Gel rửa tay khô Lifebuoy, Green Cross, Bath & body works, Lamcosmé, Anios gel, Dr.Clean, Germ Killer, Unicorn… Người dùng nên chọn loại dung dịch có chứa nồng độ cồn ở mức 75% có thể tiêu diệt được phần lớn các loại virus.
Trong thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các cơ sở y tế thường dùng cồn 70 độ để sát khuẩn chứ không dùng cồn 90 độ. Điều này còn được giải thích là do cồn 90 độ làm đông vón protein vùng vỏ của virus, vi khuẩn quá nhanh nên không thấm vào bên trong được. Ngoài ra, cồn 90 độ bay hơi quá nhanh nên thời gian không đủ để có tác dụng. Hơn nữa, cồn 90 độ rất dễ cháy nên sẽ nguy hiểm hơn là dùng cồn 70 độ. Do vậy, người dùng nên sử dụng cồn 70 độ, không nên dùng cồn 90 độ để sát khuẩn nhanh.
Do đó, việc sát khuẩn nhanh chỉ là biện pháp hỗ trợ trong việc giảm lây nhiễm virus. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tốt nhất vẫn là rửa tay bằng xà phòng. Việc cắt nhỏ bánh xà phòng để mang theo bên người khi ra ngoài cũng là biện pháp dễ làm và mang lại hiệu quả cao.
Hoàng Nhung