(SGTT) - Ngành nông nghiệp không chỉ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế mà cả với vấn đề biến đổi khí hậu. Vì thế, chính phủ Đức có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam để đào tạo nghề theo hướng nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Dạy thêm, học thêm sẽ vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
- Để xuất khẩu lao động không chỉ là đi… bán sức
Đây là một phần thông tin được Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trích dẫn từ buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Đại sứ quán Đức trong ngày 5-12.
Theo phòng Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức, giáo dục nghề nghiệp là một trong những ưu tiên trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức. Trong quá trình đàm phán, hai bên đã đạt được kết quả quan trọng đó là tăng cường giáo dục nghề nghiệp trong tăng trưởng xanh.
Phía Đại sự quán Đức cũng cho biết, Hội nghị COP28 tại UAE vừa qua đã cho thấy Việt Nam đóng vai trò quan trọng không chỉ ở khu vực mà trên trường quốc tế, trong đó, ngành nông nghiệp không chỉ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế mà là lĩnh vực quan trọng với biến đổi khí hậu.
Vì thế, Cộng hòa Liên bang Đức sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đồng bộ hóa hai lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và tăng trưởng xanh. Cụ thể, phía Đức cho biết sẽ hợp tác với Bộ NN&PTNT để mở rộng sự hỗ trợ từ 11 trường (hiện tại) lên con số 30 trường trong thời gian tới.
Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, Việt Nam và Đức đã có những hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong công nghiệp điện tử, cơ khí, năng lượng tái tạo (năng lượng gió và năng lượng mặt trời). Đơn cử như chương trình đào tạo của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) dành cho Trường cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) và được công nhận tương đương chương trình đào tạo của Đức. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị GIZ mở rộng đào tạo trong hai lĩnh vực chế biến lâm sản và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường vốn là một trong những thế mạnh của Đức.
Nam Nguyên