(SGTT) - Về vùng sông nước Cửu Long, nhắc đến hát bội, du khách thường nghĩ đến Vĩnh Long - nơi loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian này đã gắn bó với đời sống cộng đồng suốt hàng trăm năm. Từ thuở xa xưa, những ghe hát bội ở Vĩnh Long đã rong ruổi khắp các dòng sông miệt vườn, ghé đình làng, miếu cổ để biểu diễn phục vụ người dân.
- Việt Nam từ trên cao: Sắc màu ‘vương quốc gạch gốm’ Vĩnh Long
- Lần đầu đến Vĩnh Long, nên tham quan những đâu?
Loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo
Hơn một thế kỷ trước, kể từ khi hiện diện ở Đồng bằng sông Cửu Long, hát bội đã gắn bó chặt chẽ với hoạt động văn hóa tại các đình làng – vốn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
Mỗi đình thường có các gian chánh điện (thờ Thành hoàng Bổn cảnh), gian võ quy và đặc biệt là gian võ ca – nơi trình diễn hát bội, được thiết kế như một sân khấu nhỏ. Trong các dịp lễ hội, hát bội được trình diễn để dâng cúng thần linh và giúp vui cho bà con sau những ngày lao động vất vả.

Hát bội là loại hình nghệ thuật mang tính ước lệ cao, từ nội dung đến động tác, lời ca, hóa trang, phục trang. Các thể loại gồm hát xây chầu, hát thưởng, hát giàn, hát chặp; các nhóm tuồng như tuồng văn – tuồng võ, tuồng nho – tuồng thầy, tuồng truyện – tuồng đồ. Về giọng điệu có nói lối, xướng, bạch; hát khách, hát nam, hát chúc mừng, ngâm, thán, oán...
Sân khấu hát bội mang tính cách điệu cao. Phông nền là hình rồng, cánh gà đơn giản với hoa văn, hai bên treo cờ soái và bảo cái. Trên sân khấu có một bàn cố định tượng trưng cho nhiều bối cảnh. Diễn viên vào từ cửa sanh (trái), ra bằng cửa tử (phải), không quay lưng về khán giả khi quỳ hay hát. Mỗi động tác đều được ước lệ hóa.
Hóa trang thể hiện rõ tính cách nhân vật, như minh quân mặt trắng hồng, râu dài; hôn quân mặt xanh hoặc mặt rằn, râu rìa; trung thần mặt trắng hồng, hóa trang nhẹ; gian thần mặt xám; võ tướng mặt đỏ hoặc đen; yêu tinh, đào, nịnh thần… đều có cách trang điểm đặc trưng.
Dàn nhạc gồm các nhạc cụ truyền thống như đàn cò, đàn gáo, đàn kìm, sến; kèn thau, chiêng, chập chỏa, tiêu, sáo... Quan trọng nhất là bộ trống với sáu loại, gồm trống chiến, trống cái, trống bắc cấu, trống lệnh, trống cơm và trống chầu.
Ghi dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa Nam Bộ, đến năm 2024 hát bội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ năm tháng hoàng kim đến nỗ lực giữ gìn...
Thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật hát bội, Vĩnh Long từng có nhiều đoàn hát hoạt động sôi nổi ở các địa phương như Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn... Nhiều gánh hát bội nổi tiếng một thời như Tân Phước Lập, Đồng Thinh, gánh Bầu Luông (của gia đình Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn), Bầu Xẫm, Bầu Mầu, Bầu Võ, Bầu Đây... Nhiều gia đình có 3 đến 4 thế hệ nối tiếp nhau theo nghề, tiêu biểu như gia đình nghệ nhân Ba Biếc, Bầu Răng, Vũ Linh Tâm...
Tuy nhiên, theo dòng thời gian và những biến động lịch sử, nghệ thuật hát bội tại Vĩnh Long nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung dần bị mai một. Hiện tại, địa phương chỉ còn duy nhất Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh (Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Đồng Thinh) duy trì hoạt động.
Dịp lễ 30-4 vừa qua, đoàn famtrip từ TPHCM đã đến Văn Thánh miếu Vĩnh Long để thưởng thức nghệ thuật hát bội. Tại đây, du khách được gánh hát bội Đồng Thinh (Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh) phục vụ trích đoạn tuồng Câu thơ yên ngựa. Vở tuồng này tái hiện một giai đoạn hào hùng của dân tộc, với các nhân vật đan xen trong bối cảnh rối ren của thời cuộc – yêu ghét, chính tà, mạnh yếu, xung đột quyền lợi, chọn lựa và hy sinh.
Gần 10 năm trước, tại Công Thần Miếu (phường 5, thành phố Vĩnh Long), khi xem hát bội, khán giả có dịp gặp bầu Răng – ông Huỳnh Văn Răng, lúc đó đã 82 tuổi, Trưởng đoàn nghệ thuật tuồng cổ Đồng Thinh. Nay ông đã nghỉ hưu và đảm nhiệm vai trò cố vấn cho đoàn. Cả đời gắn bó với hát bội, ông cho biết gia đình mình đã có năm đời theo nghề.
Hơn trăm năm trước, ông nội ông đã đi hát bội, sau đó đến cha là bầu Đây của gánh Tân Phước Lập, rồi đến ông với gánh Đồng Thinh. Con gái ông, Huỳnh Thị Yến Linh – diễn viên của Đồng Thinh – hiện là Nghệ nhân ưu tú. Dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đều tiếp nối nghề.
Bầu Răng kể rằng vào những năm 1950, hát bội từng trải qua thời kỳ vàng son. Mỗi khi ghe hát cập bến, người dân nô nức đón xem, sân đình chật kín khán giả. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 20, hát bội dần mất khán giả, từng có lúc tưởng như loại hình nghệ thuật này sẽ biến mất. Nhiều nghệ nhân buộc phải chuyển nghề để mưu sinh, nhưng phẩm chất nghệ sĩ và lòng đam mê vẫn thôi thúc họ tìm mọi cách gìn giữ và truyền dạy nghệ thuật tuồng cổ cho thế hệ sau.

Hát bội Vĩnh Long từng được Bộ Văn hóa – Thông tin thời đó chọn biểu diễn tại Mỹ, góp phần gây tiếng vang lớn cho nghệ thuật hát bội Việt Nam. Đó là vào lễ hội Smithsonian năm 2007, với chủ đề “Mê Kông – Dòng sông kết nối các nền văn hóa”, do Viện Smithsonian tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ. Năm nghệ nhân của Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Đồng Thinh đã được cử sang biểu diễn, gồm Nguyễn Văn Tốt, Huỳnh Văn Hên, Huỳnh Thị Yến Linh, Phạm Văn Mười Một và Nguyễn Văn Thinh.
Đoàn đã trình diễn trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc, thời lượng 45 phút, gồm 5 lớp Võ Tam Tư xuất binh, Võ Tam Tư bại trận trở về, Nguyệt Cô kịch chiến với Tiết Giao, Võ Tam Tư đi tuần và Nguyệt Cô hóa cáo.
Không chỉ các nghệ sĩ được vinh dự sang Mỹ biểu diễn, mà cả bầu Răng – người đã gần trọn đời gắn bó với “nghiệp” hát bội – cũng không giấu được xúc động. Ông bật khóc, nói "Hồi đi Mỹ, tôi khóc luôn. Bởi vì ba tôi cả đời theo hát bội, có được đi đâu xa biểu diễn đâu; được hát đình, hát miếu là mừng lắm rồi. Bây giờ tôi dẫn đoàn hát bội sang Mỹ, hát cho người nước ngoài xem, có gì sung sướng bằng…"
Đưa hát bội trở thành sản phẩm du lịch đặc thù

Nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo này, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức đón các đoàn Famtrip từ Hà Nội, TPHCM đến khảo sát các điểm du lịch, trong đó có hoạt động xem hát bội. Sau phần trình diễn trích đoạn, các nghệ nhân còn giao lưu và hướng dẫn thành viên đoàn thực hiện một số động tác trong nghệ thuật hát bội, tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn. Hoạt động này được các đơn vị lữ hành đánh giá cao.
Gánh hát bội Đồng Thinh hiện có nhiều suất diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước tại đình An Thành (xã An Bình, huyện Long Hồ), Bảo tàng Vĩnh Long, Công Thần Miếu...
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, trong đó có nghệ thuật hát bội. Đầu năm 2021, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long đã xây dựng kịch bản "Đốt đuốc lá dừa xem hát bội", với định hướng đưa loại hình biểu diễn này trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát bội địa phương.
Theo các hãng lữ hành, hát bội là loại hình nghệ thuật phù hợp để khai thác phục vụ du lịch. Thời lượng biểu diễn nên giới hạn khoảng 30 phút, có phần giới thiệu khái quát về loại hình nghệ thuật này cũng như nội dung trích đoạn nhằm giúp khán giả dễ tiếp cận. Nên ưu tiên biểu diễn các trích đoạn lịch sử, đặc biệt là những vở ca ngợi chiến công của các anh hùng dân tộc Việt Nam.
Đại diện Công ty Việt Nam Smile Tour nhận định nếu khai thác loại hình này phục vụ du lịch, hướng dẫn viên sẽ gặp khó khăn trong việc truyền tải nét đặc trưng của hát bội cho khách quốc tế do có nhiều thuật ngữ chuyên ngành không có từ tương đương trong các ngôn ngữ khác. Vì vậy, Vĩnh Long cần xây dựng tài liệu giới thiệu hát bội bằng các ngôn ngữ phổ biến hiện nay để thuận tiện cho việc thuyết minh.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát bội Đồng Thinh, cho biết câu lạc bộ có chương trình biểu diễn phục vụ du khách, mỗi trích đoạn khoảng 20 phút, chi phí mỗi suất diễn là 5.000.000 đồng. Không chỉ biểu diễn phục vụ du lịch, Câu lạc bộ còn tham gia các lễ hội ở nhiều địa phương nhằm giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống.
Ông cho biết thêm "Tôi rất mừng vì thời gian qua Câu lạc bộ đã truyền nghề cho hơn 30 diễn viên trẻ. Các em biểu diễn rất tốt".
Vĩnh Long là một trong số ít địa phương còn lưu giữ và phát huy tốt nghệ thuật hát bội. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, hát bội còn là chương trình dâng cúng thần linh và phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực đưa hát bội vào các lễ hội tại đình làng, phát triển mô hình "nhà hát tuồng truyền thống thu nhỏ" để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, đến Vĩnh Long vào ban đêm, du khách có thể trải nghiệm không gian văn hóa xưa như đốt đuốc đi trên đường làng xem hát bội, giữa tiếng chó sủa vang và khung cảnh xóm làng rộn ràng. Với nhiều người, đó là cơ hội sống lại ký ức tuổi thơ, gợi nhớ hình ảnh hát bội xưa từng gắn bó trong những mùa cúng đình, cúng miễu hơn 50 năm trước...