Trung Chánh
Trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã lên kế hoạch xuất khẩu cho mình và các doanh nghiệp thành viên, trong đó đặt mục tiêu giá xuất khẩu gạo thơm đạt 550-600 đô la Mỹ/tấn.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2, cho biết từ vụ đông xuân 2014-2015, đơn vị này sẽ bắt tay vào làm mô hình cánh đồng lớn và thực hiện chiến lược tiếp cận thị trường với hai dòng sản phẩm chính, đó là dòng gạo trắng thông dụng (5%, 15% và 25% tấm) và gạo thơm.
Ông Năng nói, đối với dòng sản phẩm gạo trắng thông dụng, Vinafood 2 sẽ bán vào thị trường không đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như Malaysia, Indonesia, Philippines... Còn đối với dòng gạo thơm, công ty sẽ chia làm hai loại, bao gồm gạo thơm chất lượng cao nhắm vào những thị trường cao cấp nhưng không cạnh tranh trực tiếp với gạo Basmati của Ấn Độ hay Hom Mali của Thái Lan, và dòng gạo thơm bán vào những thị trường có đòi hỏi về kích cỡ và màu sắc hạt gạo nhưng không đặt nặng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Năng, giá bán đối với phân khúc gạo thơm này được xây dựng ở mức hợp lý, chỉ khoảng 550-
600 đô la Mỹ/tấn.
Với mục tiêu đề ra, ông Năng kỳ vọng chiến lược của đơn vị sẽ thành công, bởi dung lượng thị trường tập trung, nơi có nhu cầu về gạo trắng thông dụng, đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thị trường Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia. Do vậy, phân khúc gạo thơm sẽ giành được thắng lợi, một phần là do chiến lược cạnh tranh về giá bán, khoảng 550-600 đô la Mỹ/tấn so với mức 950-1.200 đô la Mỹ/tấn của Thái Lan và Ấn Độ.
Ông Vũ Quang Cảnh, Phó phòng nông sản thực phẩm của Vinafood 2, cho biết để thực hiện được mục tiêu đề ra, chiến lược của Vinafood 2 sẽ chuyển dần sang thu mua lúa để kiểm soát chất lượng đầu vào. “Trước mắt chúng tôi phải củng cố thị trường tập trung, phát triển thị trường thương mại và xây dựng cánh đồng lớn”, ông Cảnh nói. Theo ông, liên kết sản xuất, phát triển cánh đồng lớn là bước đi để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng, đồng nhất về chất lượng, đáp ứng mục tiêu xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Năng cho rằng để có được sản phẩm đạt chất lượng, điều đầu tiên là phải có nguồn giống tốt. Do vậy, Vinafood 2 đã ký với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI) một biên bản ghi nhớ. Theo đó, CLRRI sẽ phục tráng một số giống lúa có chất lượng và giá trị tiêu thụ trên thị trường như ST20, Jasmine và một số giống lúa thơm khác trên cơ sở đặt hàng của Vinafood 2.
Theo ông Năng, việc ký kết hợp tác là một mắt xích quan trọng giúp công ty đạt được điều mong muốn. Ông cho biết, mô hình đầu tiên nằm trong chiến lược này sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
[box type="bio"] Theo thông tin từ một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo thơm, trong số hàng trăm chỉ tiêu cần phân tích, đánh giá về dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật..., mà một số thị trường nhập khẩu khó tính đang yêu cầu, trang thiết bị của Việt Nam chỉ có khả năng phân tích, đánh giá được khoảng 30% chỉ tiêu, 70% còn lại phải gửi mẫu kiểm tra tại Thái Lan và Nhật Bản.[/box]