(SGTT) - Sự khắc nghiệt thời tiết tạo ra một xu hướng mới trong ngành du lịch, đó là những điểm đến có khí hậu mát mẻ ngày càng thu hút nhiều du khách.
- Agoda: Vũng Tàu, Phan Thiết hấp dẫn du khách ‘trốn nóng’
- Khách sạn ‘không rác thải nhựa’ ở Hội An đạt chứng nhận du lịch bền vững
- Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng ‘Triple Bottom Line’
Xu hướng “coolcations” trỗi dậy
Sau những kỳ nghỉ ở những điểm đến có thời tiết mát mẻ như Iceland và các bang Alaska, Utah, Minnesota ở Mỹ trong hai năm qua, Kathy Pafunda, bác sĩ chuyên khoa thính giác ở bang Florida (Mỹ), đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch đến Na Uy vào mùa hè tới.
“Chúng tôi muốn chạy trốn thời tiết oi bức trong những tháng mùa hè. Nhiệt độ ở Florida hiện nay nóng kinh khủng”, Kathy Pafunda chia sẻ.
Các vụ cháy rừng và đợt nắng nóng trong mùa hè này đã thúc đẩy nhiều du khách tìm kiếm những điểm nghỉ dưỡng mát mẻ ở Bắc Âu và Alaska để chống chọi với cái nóng. Các chuyên gia trong ngành gọi xu hướng này là “coolcations”, viết tắt của hai từ tiếng Anh cool (mát mẻ) và vacations (kỳ nghỉ).
Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ghi nhận, ngày 22-7 vừa qua là ngày nóng nhất trong lịch sử. Theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7 là tháng nóng nhất của Trái đất kể từ khi cơ quan này thu thập dữ liệu nhiệt độ toàn cầu cách đây 175 năm. Một số nhà khoa học khí hậu dự báo, năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất.
Theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu xu hướng du lịch ForwardKeys, lượng khách nội địa bay đến bang Alaska trong mùa hè này tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ lượng khách từ thành phố Dallas, bang Texas tăng 30%. Người dân Texas bắt đầu bị nắng nóng “tra tấn” kể từ tháng 5.
ForwardKeys cho biết, trong mùa hè này, tính đến tháng 6, lượng vé máy bay bán cho khách quốc tế bay đến Na Uy, Ireland và Thụy Điển lần lượt tăng 19%, 13% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những nước có khí hậu mát mẻ ở châu Âu. Nền tảng cho thuê phòng Airbnb ghi nhận, trong nửa đầu năm 2024, lượt tìm kiếm kỳ nghỉ hè ở Na Uy, Thụy Điển và Alaska tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty du lịch hạng sang Virtuoso (Mỹ) cho biết, lượng đặt phòng vào mùa hè này ở Canada tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Google Trends cho thấy, trong 12 tháng tính đến đầu tháng 5, lượt tìm kiếm cụm từ “cooler holidays” (kỳ nghỉ mát mẻ hơn) trên toàn cầu tăng 100%. Nền tảng đặt phòng và vé máy bay Booking.com nhận định, năm 2024 sẽ là năm du lịch đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn.
Du khách châu Á cũng quan tâm hơn đối với những điểm đến như Alaska, Na Uy, Canada. Những du khách có ngân sách eo hẹp sẽ ưu tiên chọn những điểm đến mát mẻ trong khu vực như Sapa của Việt Nam, đảo Hokkaido ở Nhật Bản, cao nguyên Cameron Highlands ở Malaysia.
Chạy đua đáp ứng nhu cầu
Các công ty trong ngành du lịch đang chú ý đến xu hướng coolcations. Các nhà khai thác lữ hành, công ty điều hành khách sạn và hãng hàng không đang bổ sung thêm các tour, chỗ ở và tuyến bay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở điểm đến mát mẻ.
Tháng trước, hãng hàng không Norwegian Air (Na Uy) thông báo thiết lập 10 tuyến bay mới giữa Na Uy và các thành phố của châu Âu.
“Chúng tôi rất vui mừng trước sự quan tâm ngày càng tăng đối với các điểm đến phía bắc của châu Âu”, Geir Karlsen, CEO của Norwegian Air nói trong cuộc họp báo gần đây.
Hồi tháng 7, hãng du thuyền Norwegian Cruise Line Holdings công bố 13 hành trình mới cho sáu du thuyền hoạt động giữa Canada, Alaska và New England (khu vực đông bắc của Mỹ) trong mùa hè năm 2026. Hãng du thuyền Royal Caribbean Group cũng tăng tuần suất các hành trình đến Alaska vào mùa hè này.
Nhà phân tích Patrick Scholes của ngân hàng Truist cho biết, tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch diễn ra từ từ nên các công ty trong ngành ít có khả năng tiến hành những thay đổi lớn.
“Nhưng các công ty du lịch đang dần thích nghi với một số hành động nhanh hơn”, ông nói.
Công ty điều hành khách sạn Hyatt Hotels Corporation có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng khách sạn ở Canada vào cuối năm 2026 sau khi nhận thấy lượng khách đến các thành phố như Toronto và Montreal tăng cao trong mùa hè này
Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng đối với các điểm đến mát mẻ không ảnh hưởng đến các điểm đến có thời tiết nóng hơn ở Nam Âu. Olivier Ponti, giám đốc phân tích của ForwardKeys cho biết, lượng khách quốc tế bay đến Nam Âu trong tháng 6 tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Sean Tipton, người phát ngôn của Hiệp hội lữ hành Anh (ABTA), du khách vẫn tìm kiếm những điểm đến ấm áp ở Địa Trung Hải nhưng ưu tiên bay đến những nơi này vào mùa xuân và mùa thu.
“Mọi người đi du lịch sớm hơn và muộn hơn trong năm, một phần vì tháng 8 quá nóng”, Tipton nói.
Theo Công ty phân tích du lịch Key Data, công suất sử dụng phòng khách sạn ở Ý trong tháng 3 và tháng 5 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Dữ liệu của Virtuoso cho thấy, lượng đặt vé bay đến Hy Lạp vào mùa hè này giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Hoạt động kinh doanh du lịch ở Hy Lạp vẫn mạnh mẽ nhưng không bằng mùa hè năm ngoái”, Misty Belles, Phó Chủ tịch Virtuoso nói.
Theo Ngân hàng trung ương Hy Lạp, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách nước ngoài đến Hy Lạp tăng gần 21% nhưng lượng khách đến từ Mỹ trong tháng 5 lại giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Đài quan sát quốc gia Athens, Hy Lạp ghi nhận tháng 6 và tháng 7 nóng nhất trong lịch sử khi các đám cháy rừng khiến hàng ngàn người ở ngoại ô của thủ đô Athens phải rời bỏ nhà cửa.
Theo Reuters