(SGTT) - Theo tuyến tỉnh lộ 623B ngược về phía Tây 25 km, đến cuối địa phận xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) nơi giao nhau giữa ba huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Sơn Hà, tôi bắt gặp phong cảnh kỳ vĩ hoang sơ – đó là công trình đầu mối Thạch Nham.
- Du lịch giữa mùa dịch: Hòa mình với biển cả trên du thuyền Aspira Cruises
- Du lịch giữa mùa dịch: Chuyến đi ngẫu hứng đến Đồi Cát Bay Mũi Né
- Du lịch giữa mùa dịch: Hồi ức tuổi thơ với mùa cá rô đồng
Có nhiều người cho rằng chỉ cần bỏ đi, tới một miền đất khác sống thì đời họ sẽ khác. Nhưng cách đó không phải lúc nào cũng hiệu quả, bởi dù ở đâu chăng nữa, bạn sẽ mang theo chính mình.
Tôi là một người con của đất Quảng Ngãi. Và giống như bao người khác khi trưởng thành, tôi chọn cho mình một vùng đất để sống, lập nghiệp. Mười năm bôn ba xa quê hương, nhiều lúc tôi ngỡ rằng mình đã không còn là người ở vùng đất ấy nữa. Những lần về rồi đi nhanh chóng, tôi chỉ có được vài ngày ngắn ngủi để sống lại những tháng ngày thơ ấu gắn với hình bóng quê nhà.
Lúc đó, ba thường chở tôi lên đập Thạch Nham chơi mỗi chiều hè. Hồi ấy, tôi nhìn thế giới cái gì cũng lớn, hùng vĩ cả. Những dòng nước chảy ầm ầm đổ trên đập làm tôi sợ lắm, nhưng khi nghe ba kể về những lợi ích mà nó mang lại cho bà con vùng quê thì lại thấy nơi này bình yên đến lạ.
Con đường bê tông dẫn vào công trình đập Thạch Nham rợp bóng cây xanh. Tại đây có khuôn viên rộng gần 2 ha với nhiều cây gỗ lớn, được trồng hơn 30 năm về trước như xà cừ, sao đen, bạch đàn. Những bậc thang rêu phong theo thời gian đã đưa tôi về hoài niệm những ngày tháng cùng ba đến nơi này. Vào mùa khô, nguồn nước từ đập đã cứu hạn cho những vùng không có hồ đập, thiếu nước canh tác. Đặc biệt, nước từ Thạch Nham đã góp phần điều phối, giữ ổn định mạch nước ngầm, bảo đảm nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân.
Tôi sẽ trở lại nơi này một lần nữa để có thể sống lại những ngày tháng thơ ấu, thả mình cùng với dòng nước tắm mát tuổi thơ.
Lê Uy