(SGTT) - Với những người đã từng đi qua những năm tháng chiến tranh, Thành cổ Quảng Trị chắc hẳn là một ký ức hào hùng, khó có thể phai mờ. Còn với những ai sinh ra sau chiến tranh, nơi đây trở thành chốn linh thiêng để họ trở về, tri ân thế hệ cha anh đã quả cảm hy sinh thân mình cho thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập và hạnh phúc.
- Mùa sen về với miền Trung
- Khám phá món cháo cá nổi tiếng vùng đất đầy nắng gió Quảng Trị
- Hành trình trải nghiệm những cung đèo miền Trung – Tây nguyên hùng vĩ
Thành cổ có thể được xem là biểu tượng của lòng quả cảm gắn liền với 81 ngày đêm khốc liệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1972. Dòng sông Thạch Hãn - con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận thị xã Thành cổ Quảng Trị. Nơi đây đã trở thành sông máu khi hàng ngàn chiến sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Giờ đây, Thành cổ Quảng Trị là biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất của cha ông ta.
Sau chiến dịch Thành cổ “mùa hè đỏ lửa” 1972, toàn bộ Thành cổ gần như bị san phẳng, chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn.
Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị.
Ngày 28-6, 30-6 hay 7-2, đó là những dấu mốc trong 81 ngày đêm lịch sử không bao giờ quên. Mỗi ngày qua đi lại có thêm hàng vạn chiến sĩ nằm lại mãi mãi với đất mẹ.
81 tờ lịch tượng trung cho 81 bức phù điêu được đặt tại Trung tâm Thành cổ. Đây là niềm tự hào chứa đựng cả nỗi xót xa về một thời máu lửa, đã khiến hàng vạn quân giải phóng không bao giờ trở về, hàng vạn gia đình mất người thân. Các chiến sĩ đã nằm lại mãi mãi ở mảnh đất này, hy sinh thân mình để giữ cho màu xanh nơi đây nhưng không có một nấm mộ của riêng mình.
Người ta gọi Thành cổ Quảng Trị là nghĩa trang không nấm mồ. Nơi đây chỉ có một nấm mồ chung, một ngôi mộ tập thể đó là đài tưởng niệm trung tâm. Ngôi mộ tập thể được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương, mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn những người đã khuất.
Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Bên trên là mái đình Việt cách điệu. Phía giữa đài, một biểu tượng cây đèn thờ được dựng lên, ví như cây đèn thiêng mệnh cao 8,1m và 81 bậc thang đi lên tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị.
Ở giữa ngôi mộ là nơi đặt hành trang người lính. Đó là những vật dụng rất mực giản dị, thân thương, đã đồng hành cùng người lính trên hành trình dành lại độc lập tự do cho đất nước.
Đến đây vào một ngày cuối tháng Một, tôi đã không khỏi bồi hồi, xúc động và tự hỏi rằng phải chăng đây là nơi những người lính không tiếc tuổi xuân, xương máu vì độc lập tự do cho tổ quốc.
Hơn thế, tôi càng không thể kìm lòng khi lần đầu được lắng nghe câu chuyện đầy xúc động về tâm thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại trước ngày ra đi. Bức tâm thư với những dòng chữ lắng đọng của người chiến sĩ gửi đến gia đình và trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh đất nước, làm cho người nghe càng thêm xót xa.
Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu xương của biết bao người con trên mọi miền tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc. Vì vậy, Thành cổ trở thành mảnh đất linh thiêng, nơi hội tụ tình cảm của chiến sỹ, đồng bào cả nước.
Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Đến với Thành cổ Quảng Trị để ngược về quá khứ, càng trân trọng hơn sự hy sinh của những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.
Nguyễn Trần Ngọc Mai