(SGTT) - Trong thời điểm nghỉ dịch dài hạn này, tôi dành cho mình không gian riêng để nhìn ngắm và ngồi viết ra cảm xúc của mình trên mỗi những chặng đường đã đi qua. Đó cũng là cách tôi nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, đồng thời là lời hứa hẹn của tôi đối với hành trình mới sau khi dịch bệnh kết thúc.
- Du lịch giữa màu dịch: Chiêm ngưỡng ngôi chùa hiện đại bậc nhất ở Xứ sở Kim chi
- Du lịch giữa mùa dịch: Sắc màu Dào San, Tây Bắc
Lục lại trong những hoài niệm, tôi đã tìm thấy Hội An vào những ngày giáp Tết. Hội An sẽ không dành tặng du khách những kiến trúc đền đài nguy nga, tráng lệ mà thay vào đó là những di tích được kết tinh cả linh hồn của đất và con người nơi đây.
“Ai đi phố hội chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.”
Đầu tiên là chùa Cầu, một địa điểm bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm Phố cổ. Chùa Cầu ở đó như biểu tượng cho mảnh ghép nối liền giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Cây cầu trải qua 400 năm lịch sử ấy đã đi vào tiềm thức của mỗi người con được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hội An ngàn năm hoài cổ.
Kiến trúc của chùa giao thoa giữa nền văn hóa Đông Nam Á với các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản… từ các đường nét chạm trổ đến những bức tượng thú đứng chầu. Được gọi là chùa nhưng chùa Cầu, Hội An không thờ phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ, một vị thần bảo hộ xứ sở, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho con người trên mảnh đất này.
Hàng năm, không chỉ người dân mà du khách cũng đến đây để tham quan và cầu bình an. Hình ảnh của Chùa Cầu được in trên tờ tiền polymer mệnh giá 20.000 đồng của Việt Nam. Điều đó đủ để nói lên giá trị to lớn, quan trọng cả về tâm linh lẫn đời thực của ngôi chùa cổ kính này.
Dạo quanh những con đường nơi phố cổ, bạn sẽ ấn tượng bởi những ngôi nhà đặc trưng chỉ có ở Hội An. Nhà thường có một hoặc hai tầng với gam màu chủ đạo là vàng nghệ cùng màu đen, nâu đất.
Ẩm thực nơi đây cũng khá đa dạng với những món như cao lầu, mì Quảng, cơm gà. Đặc biệt, có một thức uống cũng đã "làm mưa làm gió" khiến cho bất kì du khác một khi đến Hội An đều phải thưởng thức, đó chính là nước Mót - một loại nước thảo mộc chanh sả. Thức uống này sẽ giúp du khách cảm thấy sảng khoái sau một ngày dài khám phá phố Hội.
Và cả con người Hội An cũng làm cho mảnh đất này trở nên đặc biệt. Chính nụ cười của các cô, chú bán hàng thoáng chốc khiến tôi cảm thấy Hội An thật gần gũi. Tôi nhớ, khi tôi muốn chụp hình với các cô chú, nhưng không biết mở lời như thế nào, họ đã vẫy tay gọi tôi lại, chủ động chụp hình với tôi và khẽ nở một nụ cười thân thiện "lâu lâu mới tới một lần mà, biết bao giờ mới gặp lại". Quả thật là như vậy, mỗi chặng hành trình, mỗi cảm xúc đều chỉ có thể trải qua một lần.
Hội An là thế, bình dị mà thân thương. Người ta có thể phải lòng nơi đây bởi ánh sáng lung linh của những ngọn hoa đăng vào đêm tối, ấn tượng bởi sự cổ kính, bình yên mà chúng ta hiếm khi bắt gặp được giữa những hối hả của cuộc sống... Còn tôi khi ngồi viết những dòng này thì đã chịu sầu để nhớ thương về Hội An mất rồi!
Kim Ngân