(SGTTO) – Sau những ngày thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, Đà Nẵng gánh chịu những thiệt hại khó đong đếm được, cả một vùng biển vắng hẳn bước chân người. Nay thành phố này đã nới lỏng phần nào, thế nhưng du lịch biển vẫn đìu hiu…
“Làm cả năm không đủ ăn một tháng”
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dải bờ biển tuyệt đẹp chạy dài qua hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn những ngày qua vắng lặng, không có du khách ghé thăm, nhiều khách sạn, nhà hàng cửa đóng then cài. Những chương trình du lịch, những lễ hội biển được ngành du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp dốc hết tâm sức đầu tư giờ chót cũng đã phải dừng lại khi “cơn bão” Covid-19 lần 2 đổ bộ trực tiếp vào đây.
“Mới chỉ hơn một tháng thôi nhưng mạng nhện, cát bụi đã bám đầy nền nhà, bể hải sản rồi. Nhìn vậy là đủ biết chúng tôi ăn nên làm ra hay không”, chị Trần Thị Ánh, chủ nhà hàng hải sản chuyên phục vụ khách du lịch trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vừa nói vừa chỉ tay vào bể hải sản khô rang. Không chỉ nhà hàng hải sản này, mà hàng trăm nhà hàng khác, cũng như hàng trăm khách sạn, cơ sở lưu trú cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh khi không có khách. Những hàng quán, những cửa hiệu phục vụ du khách trong và ngoài nước xếp gọn bàn ghế, phủ bụi, trước cửa là những hàng rào đóng kín. Và trên những cung đường ven biển, sự vắng lặng đến nao lòng.
Trên những bờ cát, hàng trăm ki ốt cũng chịu cảnh tương tự. Những ghế dài, ô xòe, mái lá rực lên vẻ hiu hắt. Vài chủ ki ốt ra dọn dẹp, lau chùi, kiểm đếm và bảo quản tài sản.
Chỉ thị mới nhất của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã được đưa ra, nới lỏng một số tiêu chí về giãn cách xã hội. Nhưng đó là đời sống bình thường, còn với du lịch thì vẫn chưa, mà hàng quán, dịch vụ chủ yếu phục vụ khách du lịch. Nay không có khách du lịch, tất cả đều mong ngóng. Chủ một nhà hàng khác cho biết: “Năm ngoái làm năm tháng ăn cả năm thì nay làm cả năm không đủ ăn một tháng. Nhà hàng, khách sạn ven biển Đà Nẵng có lẽ nhiều người đang trên đà vỡ nợ cả”.
Một chủ khách sạn nhỏ ngồi trên bờ kè nhìn mênh mông ra biển, chia sẻ: “Buồn quá, chẳng có vị khách nào. Chẳng bù cho dịp tháng 5, tháng 6 sau đợt dịch vừa rồi có thời điểm cháy phòng, khách muốn có phòng đẹp phải đặt trước mấy ngày. Thế nhưng dịch bệnh lại đến, bãi biển vắng hẳn, thương nhất là mấy anh xe dịch vụ, xe công nghệ hay taxi. Mùa du lịch, trên con đường này có lúc hơn 500 xe mà phục vụ không kịp, giờ chỉ còn vài xe, suốt ngày nằm dài, có ngày không kiếm nổi một khách!”.
Năm ngoái, vị chủ khách sạn này đã bỏ ra hơn tỉ đồng sửa chữa, nâng cấp khách sạn cho sạch đẹp hơn. Làm nghề này đã hơn chục năm, ông trăn trở lắm. Nhưng rồi dịch bệnh xảy ra đúng vào mùa hè, mùa du lịch biển, nhiều người vay tiền để đầu tư làm dịch vụ nên tiền kinh doanh không đủ trả lãi suất ngân hàng. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn đã phải cho nhân viên nghỉ việc, nhiều nhà hàng chỉ mong những tháng cuối năm có thể cầm cự để không “cụt vốn”.
Mong dịch bệnh sớm qua đi
Biển Đà Nẵng rất buồn mùa dịch. Ai cũng bảo vậy. Ông Lê Kim Vân (43 tuổi), chủ một ki-ốt nép mình bên cánh biển Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê), chậm rãi kể những ngày đầu mưu sinh bên góc quán nhỏ của mình và niềm mơ ước biến khu vực biển nơi đây trở thành nơi phục vụ cho chính những người dân Đà Nẵng và khách du lịch.
Ki-ốt được bài trí đơn sơ, bán những món ăn giản dị, một vài túi bánh tráng nướng, các món nhậu dân dã được chế biến từ nguồn hải sản mang lên từ dưới biển.
Trước đó, hai vợ chồng ông Vân đi làm công, đến năm 2014 nhìn thấy cơ hội phát triển kinh tế ở khu vực ven biển này nên liều mình rẽ ngang chuyển qua kinh doanh. Quán của ông được Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cấp phép để phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch biển. Từ số vốn nho nhỏ và vay mượn thêm, ông bắt đầu gây dựng cơ nghiệp của mình.
Những ngày đầu buôn bán chỉ có mấy chai nước giải khát, vài món ăn vặt, sau này ổn định hơn ông Vân chuẩn bị thêm những món ăn phục vụ du khách. Nhưng rồi hai đợt dịch bệnh đến, cả một dải biển nhiều hàng quán cũng phải đóng cửa để phòng dịch. Sáng nào cũng vậy, ông ra biển, ngồi dưới cái ô bỏ không từ lúc bình minh cho đến chiều tàn. Từ thời gian bắt đầu giãn cách, cho đến lúc nới lỏng giãn cách, ông vẫn ra biển.
Nhiều người cũng như ông Vân, ngày ngày vẫn ra biển chỉ để ngắm bình minh. Không còn chỗ ngồi tốt như trước, mọi dịch vụ hầu như chưa mở, cũng không có khách nào, những chiếc ghế dài gác lên, đệm đã được tháo đi. Thậm chí, nhiều du khách bị kẹt lại ở Đà Nẵng cũng bảo rằng họ nhớ biển nên ra ngắm, xong họ lại quay về khách sạn.
Thực ra, những ngày giãn cách xã hội như thế biển vẫn vắng lặng thường tình, vẫn tự nhiên như người bình thường nhìn thấy. Nhưng với nhiều người, thì nơi ấy có thể vắng bóng người, vắng những con thuyền trên biển, vắng cả những cánh hải âu bay lượn trên mặt nước bao la, một không gian thật yên tĩnh nhưng đầy khắc khoải về cuộc mưu sinh dựa vào biển và du khách của không ít con người.
Trong những câu chuyện, trong những suy nghĩ của người dân làm du lịch nơi đây vẫn còn nhiều mong ngóng: mong làm sao dịch bệnh sớm qua đi, để biển Đà Nẵng lúc nào cũng đông khách, mong làm ánh đèn đường lung linh mỗi tối nườm nượp khách du lịch qua lại, những quán hàng, khách sạn lại mở cửa thâu đêm suốt sáng, để khách du lịch đi dạo mát và mở rộng các dịch vụ phục vụ khách.
Bây giờ, Đà Nẵng vẫn đang căng mình chống dịch bằng nhiều biện pháp. Biển Đà Nẵng buồn giữa mùa du lịch. Xa xa là những chiếc thuyền đang lênh đênh giữa biển, làng chài với ít ghe thuyền cập bến, vài chiếc thúng dựng trước nhà chòi lá. Và ở đó có vài bóng người bước đi trên cát trắng. Mùa du lịch biển Đà Nẵng có một khoảnh khắc như vậy. Một nỗi buồn không đặc sệt nặng trĩu mà mênh mang, mênh mang trên nhịp sóng.
Tiêu Dao – Nguyễn Quang