Không đơn giản như kế hoạch, việc đi chợ hộ ở TPHCM đang tắc từ đầu vào lẫn đầu ra. Lượng đơn đặt hàng đang dồn ứ tại các siêu thị ngày một nhiều bởi nhân lực vận chuyển đang rất hạn chế và việc phối hợp với các địa phương vẫn còn rối.
- Cửa hàng tự động – giải pháp cho việc đi chợ an toàn trong mùa dịch
- Người dân TPHCM sẽ không đi chợ, siêu thị từ ngày 23-8 đến ngày 6-9
- Mua sắm tại siêu thị mini trên xe buýt trong mùa giãn cách xã hội
Theo như phản ánh của các siêu thị, việc cấp giấy đi đường hạn chế đang khiến cho khâu giao hàng không thể đáp ứng được nhanh các đơn hàng. Thêm vào đó lộ trình có quá nhiều chốt kiểm soát khiến cho tiến độ giao hàng không được đảm bảo và đơn hàng dồn mỗi lúc một nhiều.
Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết hiện nay nhiều cửa hàng trong hệ thống đang bị quá tải đơn hàng. Thống kê trong ngày 25-8, hệ thống này tiếp nhận khoảng 40.000 đơn nhưng chỉ giao được 2.000 đơn. Những ngày tiếp theo hệ thống vừa phải giao đơn cũ rồi nhận thêm đơn mới vì nhu cầu ngày một nhiều nhưng nhân sự lại không thể tăng lên.

Cũng trong tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce (đại diện Vinmart), cho biết đến sáng ngày 26-8, khoảng 30% nhân viên của siêu thị đã được cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, với số lượng hàng ngàn đơn hàng online đang tồn đọng và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng nhân viên được cấp giấy còn quá nhỏ để đáp ứng.
Trong bối cảnh siết chặt giãn cách người dân khó có thể đặt mua online như bình thường vì việc vận chuyển hàng hóa, lựa chọn hàng bị động từ tất cả các khâu. Đồng thời, việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân hiện nay phụ thuộc vào lực lượng đi chợ hộ tại địa phương nên người dân mua sắm không thuận lợi như trước đây.
Mặt khác, hiện nay, mỗi phường có hàng trăm đến hàng ngàn hộ dân. Nếu mỗi khách hàng có yêu cầu riêng về số lượng mặt hàng, chủng loại, trọng lượng khác nhau sẽ rất khó cho phường và tổ đi chợ hộ khi sắp xếp, phân chia và giao hàng cho chính xác, nhanh chóng. Trong khi đó, mỗi siêu thị có hàng chục ngàn mặt hàng nên không thể nào đưa hết vào các combo mà sẽ ưu tiên nhu cầu thiết yếu nhất của người dân trong giai đoạn này, đặc biệt là thực phẩm.
Thêm vào đó, nhiều siêu thị cho biết đang gặp một số khó khăn khi làm việc với địa phương. Hiện nay, phường là cầu nối trung gian giữa siêu thị và người dân nhưng nhiều nơi nhân lực mỏng, quá tải trong khi có hàng ngàn đơn mỗi ngày. Chưa kể, lực lượng công an, bộ đội đến mua hàng lại lúng túng trong khâu lựa chọn hàng hóa khiến cho thời gian bị kéo dài hơn.
Không chỉ khó khăn trong việc giao hàng cho người dân mà việc bổ sung thêm hàng vào siêu thị cũng đang gặp trở ngại. Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, hiện tại nguồn hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, nông sản bị thiếu do gặp khó khăn trong vận chuyển do yêu cầu giấy tờ của mỗi địa phương khác nhau có địa phương cho xe đi, có địa phương không, nên rất trở ngại.
Bên cạnh đó, có quy định tài xế sau khi kết thúc chuyến hàng trường hợp về nhà, phải ở phòng riêng biệt, đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh… dẫn đến không có tài xế tham gia vận chuyển hàng.
Cũng tương tự, đại diện hệ thống Vinmart cho rằng việc nhập hàng của siêu thị cũng khó hơn. Cụ thể, xe tải chở hàng hóa thiết yếu của VinMart, VinMart+ không qua được nhiều chốt kiểm soát tại các phường, quận trong TPHCM. Nhiều xe chở hàng phải quay đầu về kho, dẫn tới việc bổ sung hàng hóa thực phẩm cho các siêu thị cửa hàng không được thông suốt.
Vì vậy hầu hết siêu thị đều mong muốn tạo luồng xanh cho hàng hóa lưu thông từ vùng trồng, vùng sản xuất tới siêu thị thuận lợi. Đồng thời tạo điều kiện mở rộng để đội ngũ giao hàng thiết yếu được hoạt động, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân.
V.Dũng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online