(SGTT) - Việc Amazon và Alibaba tăng cường sự hiện diện trong các hoạt động đào tạo và hỗ trợ nhà bán hàng tại Việt Nam cho thấy có những cơ hội xuất khẩu trực tuyến của các doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử đang là câu chuyện được nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan tâm. Trong cuộc Hội thảo Xuất khẩu cùng nhà bán hàng toàn cầu Alibaba.com vào chiều 31-10, ông Zhang Kuo – Tổng giám đốc Alibaba.com – khẳng định rằng Alibaba đánh giá rất cao tính giá trị cũng như sự độc đáo của hàng hóa Việt Nam, đặc biệt ở ba mảng chính là dệt may, thực phẩm và thức uống (F&B) và hàng nội thất. “Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có những thay đổi nhất định nhằm vượt qua những thách thức trong môi trường xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới này”, ông Zhang Kuo nói.
Trước đó, khi công bố thành lập công ty Amazon Global Selling Vietnam từ 16-8, đại diện Amazon tại Việt Nam cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ khách hàng kinh doanh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong mảng xuất khẩu trực tuyến ở các ngành dệt may, giày da và hàng thủ công mỹ nghệ. Công ty này đã tuyển dụng nhân sự và lực lượng này có nhiệm vụ sẽ hỗ trợ người bán hàng Việt Nam muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và xây dựng thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới.
Cơ hội đi cùng những thách thức
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhận định xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu. Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gia tăng doanh số nhờ hoạt động xuất khẩu trực tuyến đồng thời cũng gặp nhiều thách thức, như về nền tảng công nghệ, nguồn nhân lực số. Cụ thể hơn, ông Phạm Tấn Đạt – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Fado, doanh nghiệp về TMĐT xuyên biên giới – nói rằng, các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào mảng xuất khẩu trực tuyến nên đầu tư vào đào tạo nhân sự có kiến thức kỹ năng về vận hành trang web, gian hàng trực tuyến.
Ông Đạt so sánh, giống như một người mở một cửa hàng truyền thống mà không cắt cử người bán hàng, không có người quản lý cửa hàng thì không thể mơ đến thứ gọi là doanh số. Thương mại điện tử cũng tương tự nhưng hệ thống bán hàng phức tạp hơn so với cửa hàng truyền thống nên đòi hỏi nhân viên vận hành phải am hiểu về hệ thống TMĐT. Theo ông Đạt, doanh nghiệp muốn bán hàng cho các doanh nghiệp trên thế giới thì tìm đến Alibaba.com, còn muốn bán cho khách hàng riêng lẻ thì tìm đến Amazon.
Thực tế cho thấy, đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa đang sản xuất ra nước ngoài nhưng đều thấy bán hàng trực tuyến ra nước ngoài “phức tạp quá”. Nếu việc chọn một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) để qua đó bán được hàng hoặc xuất khẩu không phải là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng trực tuyến hiện nay (do có nhiều sự chọn lựa hợp với nhà bán hàng Việt Nam), thì việc xây dựng niềm tin trong lĩnh vực này thực sự là một thách thức không dễ vượt qua.
Ông Zhang Kuo cho rằng người mua hàng TMĐT ở rất xa người bán, có thể đến từ gần 200 quốc gia khác nhau nên không thể muốn là có thể gặp được ngay. Do đó, cần có cơ chế giúp xây dựng lòng tin giữa người mua và người bán. Ngoài ra, vị đại diện Alibaba cũng liệt kê những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến gặp phải, như người mua dễ bị khách hủy bỏ hay từ chối nhận đơn hàng số lượng lớn sau khi đặt hàng hay mất cơ hội xuất khẩu do sự bất đồng ngôn ngữ...
Hiện nay, sự phổ biến của các nền tảng TMĐT mới, cho phép thiết lập các trang web bán hàng dễ dàng hơn, những rào cản như nói trên cũng đã có những giải pháp cụ thể. Ví dụ, nền tảng dịch vụ bảo hiểm thương mại của Alibaba kết nối người mua hàng sỉ và nhà bán hàng muốn xuất khẩu bằng một hợp đồng cam kết giao thương cụ thể – một dạng bảo hiểm rủi ro cho bên bán hàng. Khi đó, nhà sản xuất (người bán) dù chưa nhận được tiền hàng vẫn an tâm sản xuất sản phẩm và tập trung vào việc hoàn tất đơn hàng.
Để nắm bắt được cơ hội
Ông John Caplan, Giám đốc bộ phận B2B khu vực Bắc Mỹ của Alibaba, đưa ra một số điểm gợi ý với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong ba lĩnh vực nói trên là: Thứ nhất, doanh nghiệp cần tạo gian hàng, tài khoản và cung cấp các thông tin kỹ thuật về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Thứ hai, phản hồi nhanh và kịp thời các thông tin của khách hàng. Thứ ba, tận dụng được hệ thống quản trị giao tiếp khách hàng trên nền tảng Alibaba.com.
Theo ông John Caplan, doanh nghiệp cần có thông tin càng chi tiết càng tốt về sản phẩm muốn bán; khả năng sản xuất; giá bán... Bên cạnh đó cần tăng cường khả năng phản hồi khách hàng nhanh, thường xuyên; xây dựng lòng tin với khách hàng, hoàn tất đơn hàng đúng hạn.
Ông Đạt của Fado cho rằng cả Alibaba.com (nền tảng thương mại điện tử B2B) và Amazon (nền tảng thương mại xuyên biên giới B2C) đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến. Hai đơn vị này đang hỗ trợ tập huấn, đào tạo, nâng cao kiến thức kỹ năng về giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Khi lên các sàn TMĐT thì các doanh nghiệp được tăng cơ hội tiếp xúc chào hàng, tiếp thị trực tiếp đến người mua, nên được chủ động lựa chọn người mua phù hợp.
Đỗ Lan