(SGTT) - Vừa qua, tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), một nhà bè phục vụ du khách đã bị đình chỉ hoạt động sau khi xảy ra sự cố khiến một số du khách rơi xuống sông. Dù không có thương vong, vụ việc vẫn đặt ra câu hỏi về sự an toàn của các điểm du lịch sông nước.
Theo TTXVN, sáng 16-2, khoảng 100 người có mặt trên bè tại điểm dừng chân Khởi My, trong đó 20 người tập trung ở mũi chờ tàu. Do quá tải, đoạn cầu tàu tự chế bị sập, khiến một số du khách rơi xuống nước. May mắn, họ được cứu kịp thời.

Dù đã có nhiều quy định về an toàn đường thủy, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn bất cập. Một số phương tiện cũ kỹ vẫn hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh tự phát không có giấy phép. Khi sự cố xảy ra, việc ứng cứu chủ yếu phụ thuộc vào người dân hoặc nhân viên tại chỗ, trong khi lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp chưa được bố trí đầy đủ.
Ông Nguyễn Kim Toản, nhà sáng lập Saigon Waterbus, cho biết rủi ro trong du lịch đường thủy đến từ nhiều yếu tố như thời tiết xấu, va chạm giữa các phương tiện, chất lượng tàu thuyền xuống cấp và ý thức an toàn của hành khách. "Một số hành khách không tuân thủ hướng dẫn an toàn, di chuyển tự do khi tàu đang chạy, không mặc áo phao", ông Toản nói.
Để hạn chế nguy cơ, đơn vị này áp dụng quy trình kiểm tra nghiêm ngặt như bảo trì định kỳ, kiểm tra thiết bị cứu hộ và phổ biến quy tắc an toàn cho khách trước mỗi chuyến đi. Hành khách được hướng dẫn không di chuyển khi tàu chạy, không trèo lên lan can, được giới thiệu vị trí các thiết bị cứu hộ như áo phao, phao cứu sinh, bình chữa cháy và cách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty Les Rives, cho hay tất cả tàu thuyền đều phải đăng kiểm định kỳ và tuân thủ quy trình kiểm tra trước mỗi chuyến khởi hành. Một trong những điều kiện tiên quyết là phương tiện phải có biển hiệu du lịch vận chuyển khách.
Bà Hạnh cho biết thêm, ngoài các tiêu chuẩn kỹ thuật, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn. “Một tàu đủ điều kiện không chỉ cần giấy tờ hợp lệ mà còn phải có đội ngũ vận hành chuyên nghiệp, nắm vững kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp. Chúng tôi luôn yêu cầu thuyền viên được đào tạo bài bản và thường xuyên diễn tập các phương án cứu hộ để sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố xảy ra”, bà nói.
Bà Võ Thị Cẩm Hằng, Quản lý bến của Công ty Thuyền Nhiêu Lộc, cũng chia sẻ rằng bên cạnh yếu tố kỹ thuật và nhân sự, công tác giám sát và xử phạt chưa đủ răn đe. “Một số tàu thuyền không đạt tiêu chuẩn vẫn hoạt động. Cần có chế tài mạnh hơn để đảm bảo các đơn vị tuân thủ nghiêm túc quy định”, bà Hằng cho hay. Ngoài ra, theo bà Hằng, việc tập huấn an toàn cho cả du khách cũng rất quan trọng, nhất là với du khách quốc tế, những người không quen với điều kiện đường thủy Việt Nam.
Những sự cố trong du lịch đường thủy trong thời gian qua có thể đến từ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng tránh.