TRUNG CHÁNH -
LTS: Ở một số báo trước, ra ngày 17-8-2015, Sài Gòn Tiếp Thị có bài viết phản ánh ý kiến của lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động về thu nhập và đời sống khó khăn của công nhân, cùng với đề xuất của Tổng liên đoàn lao động về việc tăng lương tối thiểu với mức hơn 16%. Trong bài này, Sài Gòn Tiếp Thị nêu thêm ý kiến từ phía doanh nghiệp xuất phát tại một cuộc họp. Theo đó, doanh nghiệp cho rằng áp lực chi phí đối với họ quá lớn, trong khi công nhân chưa chắc được lợi.
“Phình” chỗ này sẽ “bóp” lại chỗ kia?
Tiếp tục các ý kiến qua lại về đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2016, một cuộc họp bàn về vấn đề này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp cùng Chi hội Dệt may Sông Hậu tổ chức cũng vừa diễn ra ở Cần Thơ. Tại cuộc họp, ông Trần Chí Gia, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Meko, cho biết mức lương bình quân doanh nghiệp ông trả cho người lao động, bao gồm cả các khoản phụ cấp (lương mềm), đang cao gấp ba lần so với mức quy định của Nhà nước. “Do đó, trong trường hợp nếu tiếp tục tăng lương cứng (lương tối thiểu vùng) vào năm 2016, bắt buộc chúng tôi phải giảm các khoản lương mềm xuống. Vì nếu không làm như vậy doanh nghiệp sẽ không cầm cự nổi”, ông nói.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Đình Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, cho rằng người lao động sẽ không được lợi từ việc tăng lương tối thiểu vùng, bởi mức lương doanh nghiệp ông đang trả cho người lao động cao hơn mức tối thiểu. “Thậm chí, thu nhập của người lao động có thể bị giảm xuống vì họ phải đóng phí bảo hiểm xã hội nhiều hơn (mức quy định đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động là 10,5%/lương tối thiểu vùng hay lương cơ bản được hưởng, do đó nếu tăng mức lương tối thiểu vùng lên, thì đồng nghĩa người lao động phải đóng phí nhiều hơn – PV)”, ông Ngộ nhận định.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, việc doanh nghiệp tăng khoản này hay giảm khoản kia là quyền của họ vì tiền thưởng không ai quy định bao nhiêu, phụ cấp bao nhiêu, ngoại trừ một số lĩnh vực có quy định. “Như vậy, nếu tăng cái này thì doanh nghiệp sẽ giảm cái khác, cho nên thực tế thu nhập của người lao động cũng sẽ không tăng”, ông nói.
Áp lực chi phí tăng cao
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Ngộ của Việt Thành cho rằng mức lợi nhuận của doanh nghiệp ông trong những năm gần đây đang xuống thấp do chi phí đầu vào liên tục tăng, còn giá gia công cho đối tác thì không tăng. “Vì vậy, nếu năm 2016 tiếp tục tăng lương tối thiểu, đồng nghĩa phí bảo hiểm xã hội doanh nghiệp chúng tôi phải đóng cũng tăng lên, ước đến khoảng 8,5 tỉ đồng/năm so với 7 tỉ đồng/năm như hiện nay, trong khi lợi nhuận lại giảm, thì nguy cơ doanh nghiệp bị phá sản là rất lớn”, ông Ngộ lo ngại.
Ông Nguyễn Hậu Giang, Phó giám đốc Công ty cổ phần May Tây Đô, cho biết đầu năm 2015 khi lương tối thiểu vùng tăng khoảng 14% thì lợi nhuận của đơn vị đã giảm 28%, vì cùng với việc tăng lương sẽ kéo theo tăng các khoản phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… Cũng như ý kiến ông Ngộ, ông Giang nói nếu năm 2016 tiếp tục tăng 16% nữa, thì lợi nhuận của doanh nghiệp ông sẽ còn giảm sâu hơn và có thể không cầm cự nổi.
Mức lương tối thiểu vùng (lương cứng) hiện đang được áp dụng theo quy định của Nhà nước là 3,1 triệu đồng/tháng đối với vùng một; vùng hai là 2,75 triệu đồng; vùng ba và bốn lần lượt là 2,4 và 2,15 triệu đồng/tháng. Nếu thực hiện tăng lên 16% vào năm 2016 như đề xuất của Tổng liên đoàn lao động thì mức mới áp dụng cho vùng một sẽ là 3,596 triệu đồng/tháng; vùng hai là 3,19 triệu đồng; vùng ba và bốn lần lượt là 2,784 và 2,494 triệu đồng/tháng. Tính mức bình quân của bốn vùng, thì chênh lệch giữa mức lương tối thiểu đang áp dụng so với mức mới như đề xuất sẽ là 416.000 đồng/tháng. Điều này có nghĩa doanh nghiệp sẽ trả thêm cho người lao động bình quân 416.000 đồng/người/tháng khi áp dụng mức lương mới.
Với mức chênh lệch tăng thêm như trên, ông Lam của VCCI Cần Thơ dẫn số liệu của Tổng liên đoàn Lao động cho rằng với khoảng 35-37% lao động (khoảng 20 triệu người) được ký hợp đồng chính thức trong tổng số hơn 53 triệu lao động đang làm việc ở các ngành kinh tế, thì về danh nghĩa, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả thêm cho người lao động khoảng 8.320 tỉ đồng. “Lấy con số này (8.320 tỉ đồng) nhân với 24% là tổng các loại phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, y tế và công đoàn, thì doanh nghiệp mỗi tháng mất thêm gần 2.000 tỉ đồng và như vậy mỗi năm họ mất gần 24.000 tỉ đồng”, ông Lam nhận định.
Theo ông Nguyễn Thái Hùng, Chủ tịch Chi hội Dệt may Sông Hậu, để doanh nghiệp có thời gian củng cố năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, thì không nên tăng lương tối thiểu cho đến năm 2018 và mức tăng cũng không vượt quá 6%. “Ngoài ra, theo tôi, các khoản phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn cũng nên xem xét đưa về ngang bằng với mức chung của các nước trong khu vực vì hiện nay mức đóng của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với một số nước”, ông Hùng nêu ý kiến.