Sau một thời gian chỉ tập trung xuất khẩu, nay các doanh nghiệp điều đang quay lại thị trường nội địa bằng cách đưa ra những sản phẩm chế biến nhắm vào nhu cầu người tiêu dùng.
Thiếu thông tin
Tại diễn đàn giá trị hạt điều Việt Nam 2014 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức ngày 1-12 tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh điều đã chia sẻ những khó khăn trong việc phát triển sản phẩm mới, và bàn cách đưa hạt điều đã qua chế biến đến tay người tiêu dùng nhiều hơn thông qua kênh siêu thị, nhà hàng, thay vì chỉ tập trung xuất khẩu như hiện nay.
Một trong những nguyên nhân khiến hạt điều chưa được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng là do các doanh nghiệp chưa có những chương trình quảng cáo, tiếp thị sản phẩm nên nhiều người chỉ nghĩ đây là sản phẩm giá cao, chỉ ăn chơi trong dịp lễ tết, tiệc tùng.
Thực ra, một số doanh nghiệp đã từng đầu tư nghiên cứu chế biến sâu và dành ngân sách cho quảng cáo, tiếp thị nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Có doanh nghiệp lúc bắt tay vào làm đoạn phim quảng cáo cho hạt điều đã không biết diễn tả bằng cách nào vì chưa có một công trình nghiên cứu rõ ràng về công dụng của hạt điều.
Nhận thấy khó khăn này, Vinacas vừa đưa ra đề án nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng, cũng như kỹ thuật chế biến sâu các sản phẩm hạt điều. Mục đích của nghiên cứu là cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin cần thiết về chất lượng dinh dưỡng của hạt điều để họ có thể đưa vào phim quảng cáo, vào các bài viết quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vinacas hy vọng, với những thông tin này, các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch phù hợp để thâm nhập thị trường nội địa, tăng tỷ lệ chế biến sâu lên thay vì chỉ xuất khẩu điều nhân.
[box type="bio"] Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng của năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 281.000 tấn điều, thu về 1,84 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 18% về khối lượng và gần 23% về giá trị so với cùng kỳ. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân trong 10 tháng qua là 6.536 đô la Mỹ/tấn, tăng 3,23% so với cùng kỳ. Ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam là Mỹ chiếm gần 33%, Trung Quốc 15% và Hà Lan khoảng 11% trong tổng giá trị xuất khẩu.[/box]
Đa dạng sản phẩm
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết đối với các nước thì kênh siêu thị, trung tâm mua sắm đã ở mức bão hòa. Còn tại Việt Nam, siêu thị vẫn là một trong những kênh bán hàng chính của nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có các sản phẩm hạt điều chế biến.
Bà Loan dẫn thông tin của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến cuối năm 2013, cả nước có 8.546 chợ, khoảng một triệu cửa hàng quy mô nhỏ hộ gia đình, 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại cùng hàng trăm cửa hàng tiện lợi. Đối với siêu thị, theo kế hoạch của bộ, đến năm 2020 cả nước có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Vinacas cũng đã có chương trình điều tra thị trường. Kết quả cho thấy, người tiêu dùng thích mua những sản phẩm hạt điều có mẫu mã đẹp để làm quà tặng. Vì thế, ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, doanh nghiệp cần đầu tư vào bao bì sản phẩm.
Bên cạnh kênh siêu thị, một số doanh nghiệp chọn phân khúc nhà hàng, khách sạn để chào bán sản phẩm của mình. Chẳng hạn Công ty Hoàng Phú (tỉnh Bình Phước) cho ra đời sản phẩm hạt điều tươi rang củi, đóng thành những gói 50 g và chào bán tại các nhà hàng, khách sạn. Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (tỉnh Long An) sau khi đưa ra thị trường hạt điều rang muối, tẩm mật ong đã chế biến sản phẩm điều wasabi (điều tẩm mù tạt), với kỳ vọng sẽ chinh phục được người tiêu dùng trong nước thời gian tới.
Ngọc Hùng